Sự khác biệt giữa đại học và trường đại học ở Việt Nam

Giáo dục - Ngày đăng : 15:12, 06/12/2022

Trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Còn đại học là một cơ sở đào tạo trên nhiều lĩnh vực.

Sau thông tin trường Đại học Bách khoa Hà Nội được chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội, Nhiều người đã đặt ra sự thắc mắc về cụm từ "trường đại học" và "đại học".

dai-ho.jpg
Đại học Bách khoa Hà Nội.

Có thể thấy, về mặt ngôn ngữ thì “đại học” và “trường đại học” không có khác biệt. Tuy nhiên hiện nay, theo Luật Giáo dục đại học thì đại học và trường đại học là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Theo Luật Giáo dục 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 nêu rõ:

Trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này.

Còn đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.

Theo định nghĩa trên, trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Còn đại học là một cơ sở đào tạo trên nhiều lĩnh vực (trong mỗi lĩnh vực có thể có nhiều ngành).

Điều này có nghĩa, đại học là cấp cao hơn, trong đại học sẽ bao hàm nhiều trường đại học.

Còn theo nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, để được chuyển từ trường đại học lên đại học, các trường phải đáp ứng 4 điều kiện.

Thứ nhất, trường đại học được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp.

Thứ hai, trường cần ít nhất 3 trường đại học trực thuộc và ít nhất 10 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Về quy mô đào tạo sinh viên chính quy từ 15.000 em trở lên.

Thứ ba, trường cần ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp - với đại học công lập, còn với trường tư thục cần sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số người, đại diện góp vốn.

Thứ tư, trường xây dựng dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của đại học do các trường đại học liên kết với nhau xây dựng, trong đó xác định mục tiêu, sứ mạng chung. Đồng thời, làm rõ các quy định về tổ chức, tài chính, tài sản, các nội dung khác (nếu có).

Như vậy, "trường đại học" là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo Luật Giáo dục đại học 2012 sửa đổi 2018. Còn "đại học" là tập hợp nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo. Do đó, đại học có thể bao gồm nhiều trường đại học và một số các cơ sở giáo dục đại học khác. Ngoài ra, đại học đào tạo nhiều lĩnh vực, trong mỗi lĩnh vực có thể có nhiều ngành khác nhau. Người đứng đầu đại học là giám đốc, khác với trường đại học người đứng đầu là hiệu trưởng.

Tại Việt Nam hiện nay, ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và ba đại học vùng là Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, hiện có thêm Đại học Bách khoa Hà Nội được gọi là "đại học" thay vì "trường đại học".

Trong đó, mô hình tổ chức của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh bao gồm các trường ĐH thành viên, các khoa và trung tâm và viện nghiên cứu trực thuộc… Đại học quốc gia là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển. Đại học quốc gia có quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy. Đại học quốc gia chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các bộ, ngành khác và UBND các cấp nơi đại học quốc gia đặt địa điểm, trong phạm vi chức năng theo quy định của Chính phủ và phù hợp với pháp luật. Đại học quốc gia được làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để giải quyết những vấn đề liên quan đến đại học quốc gia. Khi cần thiết, giám đốc đại học quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của đại học quốc gia. Chủ tịch hội đồng đại học quốc gia và giám đốc, phó giám đốc đại học quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Hiện nay, nhiều trường đại học lớn đã và đang lên kế hoạch phát triển thành đại học với nhiều trường thành viên để thay đổi mô hình quản trị. Đơn cử như Trường ĐH Cần Thơ, Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh đang xây dựng kế hoạch chuyển sang mô hình đại học với nhiều trường thành viên, các khoa, phòng, viện trực thuộc.

Trường đại học Y dược TP.HCM và Trường đại học Y Hà Nội cũng đang có hướng phát triển thành đại học sức khoẻ với nhiều trường thành viên.

Linh Chi