Hà Nội: Hàng trăm mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 14:30, 08/12/2022
>> Những biện pháp bảo vệ môi trường sống
Từ những mô hình này đã góp phần để người dân hình thành và nâng cao tinh thần trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường; chủ động chung sức cùng cộng đồng trong việc góp phần cải tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng môi trường sống.
Song song với việc xây dựng những "mô hình xanh", “cánh đồng sạch”, đoạn đường nở hoa,… các cấp Hội Nông dân Thành phố đã vận động hội viên, nông dân tham gia làm vệ sinh môi trường hàng tuần trên các tuyến đường làng, ngõ xóm và những địa điểm công cộng ở địa bàn các thôn, xã. Từ đó, đã lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư nói chung và tới từng hộ gia đình.
Theo Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, đến nay, toàn Thành phố đã tổ chức trồng mới và gắn biển 75 hàng cây nông dân với tổng số 12.535 cây xanh; xây dựng được 45 mô hình cánh đồng sạch; 38 mô hình hàng cây kiểu mẫu; gắn biển 191 đoạn đường nở hoa, đường nông dân kiểu mẫu, con đường bích họa với tổng chiều dài 162,3 km2;… Điển hình như huyện Ba Vì, qua việc “Tổ chức phát động và triển khai xây dựng mô hình hàng cây nông dân năm 2022”, toàn huyện đã gắn biển được 31 mô hình “Hàng cây nông dân” năm 2022 tại 27 xã, với tổng số 2.749 cây các loại, có tổng trị giá cây giống hơn 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, hưởng ứng phong trào và cuộc thi “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn” của huyện, 100% cơ sở Hội nông dân trên địa bàn huyện Ba Vì còn tích cực tham gia vệ sinh đường làng, ngõ, xóm, chỉnh trang khuân viên sáng, xanh, sạch, đẹp vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần, với hơn 15.000 lượt hội viên tham gia.
Có thể thấy, sự lan toả của những mô hình trên góp phần tích cực vào công cuộc gìn giữ, bảo vệ môi trường thủ đô ngày càng sáng- xanh- sạch- đẹp.
Từ các biện pháp trên, Hội Nông dân Thành phố đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức, hướng dẫn đăng ký xây dựng được 534 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường.
Tiêu biểu phải kể đến mô hình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn; mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ sinh học, ủ phân vi sinh từ phế thải nông nghiệp ở các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Mỹ Đức; mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch ở các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Phú Xuyên; mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở các huyện Đan Phượng, Quốc Oai;…
Các cấp Hội cũng đang đảm nhận hơn 4.000 đoạn đường tự quản. Trong đó, mỗi cơ sở Hội đều có một mô hình tiêu biểu như: “Hàng cây nông dân”, “Đoạn đường nông dân kiểu mẫu”...
Đồng thời, các cấp Hội trên địa bàn Thành phố đã vận động hội viên, nông dân hăng hái tham gia xây dựng mô hình "cánh đồng sạch", "Hàng cây nông dân", "Đoạn đường nông dân kiểu mẫu", tổ chức các buổi ra quân thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật,...
Tiêu biểu như Hội Nông dân huyện Thường Tín với những cách làm hay, sáng tạo đã đạt được nhiều kết quả rõ nét: từ những hoạt động thiết thực, cụ thể của người dân đã làm cho xã Hồng Vân ngày càng đổi mới về cảnh quan, trở thành một vùng quê đẹp và đáng sống.
Thực tế cho thấy, cả xã đã giống như một công viên thu nhỏ, mọi người dân đều tự ý thức được rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính mình.
Xác định vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Hội Nông dân các quận, huyện triển khai tới 100% cơ sở Hội tham gia ký kết các quy ước, hương ước về bảo vệ môi trường.
Từ đó, đẩy mạnh việc vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp ở các khu dân cư.
Đặc biệt, hàng năm, Hội Nông dân Thành phố phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường; chính sách pháp luật, công tác quản lý của Nhà nước về bảo vệ môi trường;… cho đội ngũ cán bộ Hội Nông dân cấp huyện và cơ sở.
Phát huy những thành tích đã đạt được, thời gian tới, các cấp Hội trên toàn thành phố tiếp tục phấn đấu đến năm 2025, có hơn 80% cán bộ Hội các cấp và hơn 60% hội viên, nông dân được tập huấn nâng cao năng lực tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Thành lập các chi Hội Nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu; Tập trung vận động, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm; Đồng thời, hỗ trợ hội viên, nông dân kết nối các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, quảng bá sản phẩm...