Kỷ niệm 40 năm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 19:00, 08/12/2022

Sáng nay, ngày 8/12, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo quốc tế kỷ niệm 40 năm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Hội thảo diễn ra tại Hà Nội, được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

40 năm bảo vệ trật tự pháp lý trên biển

UNCLOS ngày càng thể hiện vai trò và ý nghĩa quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, trật tự pháp lý trên biển, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, và thúc đẩy phát triển bền vững biển và đại dương.

luat-bien-2.png
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế kỷ niệm 40 năm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển được thông qua ngày 30/4/1982 (gọi tắt là Công ước Luật Biển 1982). Lễ ký Công ước tổ chức tại Montego (Jamaica) ngày 10/12/1982 với 107 quốc gia tham gia ký kết, trong đó có Việt Nam. Công ước bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 và trở thành một trong những văn kiện quốc tế quan trọng nhất của thế kỷ XX, tiếp sau Hiến chương Liên Hợp Quốc, với 168 quốc gia phê chuẩn tính đến thời điểm này.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ra đời Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (10/12/1982-10/12/2022), Ủy ban Biên giới quốc gia phối hợp với Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế của Bộ Ngoại giao tổ chức “Hội thảo quốc tế Kỷ niệm 40 năm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”.

Tại hội thảo, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, sự ra đời của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 có ý nghĩa đối với tất cả các quốc gia, kể cả các quốc gia có biển hay không có biển, thuận lợi hay bất lợi về địa lý trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ, bảo tồn tài nguyên biển và đại dương, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển.

Sự ra đời của UNCLOS 1982 cũng tạo ra những quy định toàn diện và triệt để về quyền được hưởng vùng biển và đặt ra các cơ sở để xác định được các vùng biển và căn cứ cho các quốc gia trong việc xác lập quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển, đồng thời qui định các cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc để giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, cũng như các tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước.

Với đường biên giới biển dài 3.260 km và hàng nghìn đảo lớn nhỏ, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam luôn nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng lớn lao của biển đối với hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước. Việc tôn trọng, thực thi đầy đủ và có trách nhiệm các quy định của UNCLOS 1982 là hoàn toàn phù hợp và nhất quán với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay.

“Đồng thời, thông qua việc phê chuẩn Công ước, Việt Nam biểu thị sự quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển là một văn kiện quốc tế đa phương đồ sộ thể hiện sự thoả hiệp mang tính toàn cầu, bao quát toàn bộ các vấn đề pháp lý quan trọng nhất liên quan đến biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, có tính đến lợi ích của tất cả các quốc gia khác nhau (gồm cả những nước có biển và không có biển, các nước phát triển cũng như đang phát triển).

Công ước khẳng định chủ quyền của quốc gia ven biển đối với các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia (bao gồm lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, và thềm lục địa), đồng thời xác định rõ quyền và nghĩa vụ của mọi quốc gia về hợp tác, sử dụng và khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên biển, về giao thông liên lạc, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, giải quyết hòa bình các tranh chấp về biển, tuân thủ chế độ quản lý khai thác tài nguyên đối với đối với các vùng biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia.

Công ước không chấp nhận bảo lưu mà đòi hỏi phải tham gia “cả gói” (package deal) theo nguyên tắc “nhất trí” (consensus). Các quốc gia tham gia Công ước phải có trách nhiệm ràng buộc và thực hiện toàn bộ các điều khoản của Công ước.

Đại sứ Đại sứ Tommy Koh, Cựu Chủ tịch Hội nghị Liên Hợp Quốc về Luật biển lần thứ ba, khẳng định UNCLOS 1982 có ý nghĩa quan trọng và giá trị bền vững đối với châu Á và thế giới. UNCLOS 1982 được công nhận trên toàn cầu là bản “Hiến pháp” của các đại dương. Công ước là điều ước quốc tế mẹ về luật biển. Nhiều điều khoản của Công ước được công nhận phản ánh tập quán quốc tế và ràng buộc tất cả các quốc gia.

Theo Đại sứ Tommy Koh, Biển Đông được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Đây là khuôn khổ pháp lý theo đó Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đang được đàm phán. COC phải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trên biển

Ngày 23/6/1994, sau khi trở thành quốc gia thứ 63 phê chuẩn Công ước, Việt Nam là một quốc gia ven biển, tích cực và có trách nhiệm với Công ước, luôn khẳng định Công ước 1982 là một trong những quy định của luật pháp quốc tế đóng vai trò then chốt trong việc quản lý, phát triển kinh tế biển. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam giải quyết hòa bình các tranh chấp biển với các quốc gia láng giềng, hướng tới việc quản trị Biển Đông hòa bình, bền vững.

luat-bien.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Theo Đại sứ Nguyễn Quý Bính, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, nguyên Vụ trưởng Luật pháp và Điều ước quốc tế, kể từ khi phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật trong nước để cụ thể hóa các quy định của Công ước trong nhiều lĩnh vực như biên giới lãnh thổ, hàng hải thủy sản, dầu khí, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; bao gồm cả việc ban hành “Luật Biển Việt Nam” năm 2012.

Công ước Luật Biển 1982 đã trở thành cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc, quan trọng, để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển. Công ước Luật Biển 1982 cũng là công cụ phục vụ cho việc đàm phán phân định vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam với các nước láng giềng (bao gồm Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc) và góp phần tạo dựng môi trường ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực Biển Đông.

Năm 2009, thực hiện nghĩa vụ quy định trong Công ước, Việt Nam đã đệ trình lên “Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc” ranh giới ngoài mở rộng của thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Bắc Biển Đông; đồng thời Việt Nam đã cùng Malaysia đệ trình chung lên Ủy ban này ranh giới ngoài của khu vực thềm lục địa mở rộng tại phía Nam Biển Đông, nơi hai nước có thềm lục địa chồng lấn chưa phân định.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, Việt Nam được đánh giá là nước thành công nhất trong khu vực Đông Nam Á giải quyết các tranh chấp biển với các công cụ đa dạng nhất, từ phân định tới các dàn xếp tạm thời. Trong quá trình thực thi UNCLOS, Việt Nam đã có những đóng góp sáng tạo, góp phần hoàn thiện các quy định của Công ước về phân định biển.

Việt Nam đã áp dụng sáng tạo nguyên tắc công bằng trong phân định đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan năm 1997; Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc 2000; Phân định thềm lục địa với Indonesia năm 2003 và các "dàn xếp tạm thời" với Malaysia, Campuchia và Trung Quốc…

“Phân định biển theo nguyên tắc công bằng được Việt Nam áp dụng một cách linh hoạt. Trong phân định Vịnh Bắc Bộ, phía Trung Quốc kiên trì để nghị lập vùng đánh cá chung đồng thời với việc phân định vịnh Bắc Bộ và nhấn mạnh nếu không thoả thuận được vấn đề này thì khó có thể giải quyết được vấn đề phân định vịnh Bắc Bộ”, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên Hợp Quốc (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021 và 2023-2027 cho biết.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về vai trò của UNCLOS 1982 với vấn đề bảo vệ môi trường biển trên Biển Đông; ngư trường khai thác của ngư dân Việt Nam theo UNCLOS 1982 và vấn đề khai thác hải sản bền vững.

Hội thảo gồm 2 phiên, trong đó tại phiên 1: “Giá trị đặc biệt của UNCLOS 1982”, các diễn giả đã điểm lại và làm rõ nhiều nội dung liên quan đến lịch sử đàm phán, thông qua cũng như những đóng góp của Việt Nam trong tiến trình này tại Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 của Liên hợp quốc; giá trị phổ quát và tầm quan trọng của UNCLOS 1982… Tại phiên 2: “Việt Nam thực thi UNCLOS 1982”, các diễn giả tập trung vào việc Việt Nam thực thi UNCLOS 1982 trên nhiều lĩnh vực khác nhau như việc phân định biển, sử dụng và phát triển bền vững nguồn lợi biển…

Trao đổi, thảo luận tại hội thảo, các đại biểu nhất trí khẳng định qua 40 năm, UNCLOS 1982 đã không chỉ đảm đương tốt vai trò “Hiến pháp về biển và đại dương”, "Điều ước quốc tế mẹ về biển" mà còn là một văn kiện sống, thực sự đóng góp vào việc hình thành và bảo vệ trật tự pháp lý quốc tế về biển và đại dương, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác quốc tế trên biển.

Các diễn giả đều khẳng định, là quốc gia ven Biển Đông, thành viên UNCLOS 1982, Việt Nam luôn nhận thức rõ về vai trò và tầm quan trọng của biển đối với hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước; khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng và thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các quy định của UNCLOS 1982, bảo vệ trật tự pháp lý trên biển, đại dương, thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh Biển Đông còn nhiều diễn biến phức tạp; nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Đảng, chính sách của Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay trong vấn đề Biển Đông và thực thi UNCLOS 1982.

Minh Tuấn