“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”- thế trận lòng dân làm nên kỳ tích

Môi trường xã hội - Ngày đăng : 12:30, 09/12/2022

50 năm trước, trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
dien-bien-phu-tren-khong.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lực lượng Quân chủng Phòng không - Không quân bàn kế sách giăng lưới lửa đón địch. Ảnh tư liệu

Chiến thắng đã góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng; buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Có thể nói Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã ghi tạc vào lịch sử như một trong những trang vàng chói lọi nhất, một kỳ tích có một không hai về bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam cũng như khẳng định vai trò lãnh đạo xuất sắc và to lớn của Đảng, Nhà nước ta. Đó là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kỳ tích về sức mạnh tổng hợp toàn dân, từ thế trận lòng dân. Đối với Thủ đô, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là niềm tự hào bất diệt, một biểu tượng rực rỡ của hào khí Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Ngày 29/12/1967, giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B.52 ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Đúng như lời của Người, năm 1972, do thất bại trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã điên cuồng leo thang chiến tranh, đánh phá trở lại miền Bắc. Ngày 14-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon phê chuẩn chiến dịch quân sự “Linebacker II” đánh phá ồ ạt bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng… chủ yếu bằng “siêu pháo đài bay” B.52 nhằm gây sức ép với Chính phủ ta, buộc ta phải chấp nhận điều kiện có lợi cho Mỹ trên bàn đàm phán… Tầm nhìn chiến lược, những dự báo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp quân và dân miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến chủ động chuẩn bị mọi kế sách chống giặc.

Thấm nhuần lời căn dặn của Bác và sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã phát huy cao độ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; tập hợp, quy tụ được lực lượng to lớn để thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị và tổ chức chiến đấu; giải quyết khối lượng công việc khổng lồ trong bối cảnh đòi hỏi gấp rút về thời gian, đầy rẫy những khó khăn, hiểm nguy.

Xác định việc sơ tán dân là một trong những công việc quan trọng nhất nên ngay sau khi ban hành Nghị quyết về công tác phòng không, sơ tán chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu Ủy ban Hành chính, Hội đồng Phòng không các cấp vận động, đôn đốc, đưa khoảng 30 vạn người sơ tán ra khỏi nội thành. Trong các ngày 2/12 và ngày 19/12/1972, Ban Thường vụ Thành ủy họp quyết định chủ trương thực hiện sơ tán cấp tốc ngay người già, trẻ em, những người dân không trực tiếp chiến đấu và những cơ sở công nghiệp ra khỏi nội thành. Sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, phù hợp với từng thời điểm của Thành ủy Hà Nội nhận được sự đồng thuận của người dân nên chỉ trong một thời gian ngắn, Hà Nội đã sơ tán thành công gần 50 vạn dân và hàng ngàn cơ quan, xí nghiệp, trường học ra khỏi các mục tiêu đánh phá của không lực đế quốc Mỹ, đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về người và tài sản và giúp các lực lượng phòng không, không quân của ta yên tâm chiến đấu.

Triệu người như một, đoàn kết hiệp đồng, quyết chiến, quyết thắng, quân và dân Thủ đô đã xây dựng được hệ thống 45.000km hào giao thông, 5.600 hầm tập thể, hơn 63 vạn hố cá nhân bảo đảm đủ chỗ trú ẩn cho 90 vạn người chỉ trong một thời gian ngắn. Lực lượng cứu sập, cứu hỏa của thành phố với hàng trăm máy ủi, cần cẩu, xe chữa cháy được tổ chức sẵn sàng có mặt ứng cứu kịp thời. Cả thành phố có 1.202 điểm và tổ cấp cứu, 266 cơ sở cấp cứu điều trị, 64 đội cấp cứu lưu động, 11 đội phẫu thuật cơ động. Tất cả được tổ chức thành tuyến, phục vụ chặt chẽ, từ trận địa, đến trung tuyến, hậu tuyến…

Hà Nội đã chủ động phối hợp với các lực lượng phòng không quốc gia và nhân dân các tỉnh thành lân cận, xây dựng “lưới lửa” phòng không nhân dân với mọi thứ vũ khí từ thông thường đến hiện đại, phát động toàn dân đánh máy bay địch, bắt giặc lái và phục vụ chiến đấu. Trong đó, khoảng 54.000 chiến sĩ với trên 500 súng trung liên, đại liên, súng máy đã được bố trí ở 295 trận địa cả nội, ngoại thành. Mỗi khu phố nội thành có một đại đội pháo cao xạ, được huấn luyện kỹ chiến thuật đón đánh máy bay địch… Quân và dân Hà Tây (nay là TP Hà Nội) tổ chức trận địa phòng không tầm thấp nhằm phục kích, đón lõng trên các hướng máy bay địch đánh vào Hà Nội… Một “vòng cung lửa” đã giăng khép kín cả về tầm cao và phạm vi rộng lớn, làm chủ thế trận đánh địch trên bầu trời Hà Nội.

dien-bien-phu-tren-khong-1.jpg
Trong 12 ngày đêm đó, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc đã phải hứng chịu hơn 80.000 tấn bom đạn tàn phá, hủy diệt của đế quốc Mỹ.

Đúng như nhận định của ta, đêm 18, ngày 19/12/1972, Mỹ tập trung lực lượng không quân lớn, với nhiều máy bay B-52 cùng các loại máy bay hiện đại khác, mở cuộc tập kích chiến lược mang tên “Linebacker II”, đánh vào Hà Nội và Hải Phòng. Các đơn vị radaz đã phát hiện địch từ xa và kịp thời báo cáo. Mệnh lệnh chiến đấu, tín hiệu thông báo báo động nhanh chóng được chuyển tới quân và dân Thủ đô. Cả Hà Nội bước vào chiến đấu, lực lượng Không quân được lệnh xuất kích chặn đánh máy bay địch từ xa. Ngay trận đầu, Bộ đội Tên lửa cùng quân và dân Hà Nội đã bắn rơi máy bay B-52 và bắt sống phi công Mỹ, từ đó củng cố vững chắc lòng tin đánh thắng kẻ thù.

Hàng trăm máy bay ném bom chiến lược B.52, được mệnh danh là “siêu pháo đài bay” - “thần tượng bất khả chiến bại” của không lực Hoa Kỳ cùng hàng ngàn máy bay chiến thuật và nhiều tàu sân bay, tàu chiến đấu tối tân, hiện đại được Mỹ sử dụng vào cuộc tập kích đường không vào Thủ đô Hà Nội và miền Bắc cuối năm 1972. Trong 12 ngày đêm đó, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc đã phải hứng chịu hơn 80.000 tấn bom đạn tàn phá, hủy diệt của đế quốc Mỹ. Riêng Thủ đô, Mỹ đã sử dụng 441 lượt máy bay B.52 cùng hàng ngàn lượt máy bay chiến thuật, ném hơn 10.000 tấn bom hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác. Sự tàn phá khủng khiếp của bom đạn trút xuống phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, khu tập thể An Dương, Ga Yên Viên, xã Uy Nỗ… sẽ mãi mãi là những ký ức đau thương, bằng chứng về tội ác của đế quốc Mỹ.

Sự tấn công vô cùng man rợ của kẻ thù không làm quân và dân cả nước chùn bước. Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô đã biến đau thương thành hành động cách mạng và với niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng cùng sự chủ động, sáng tạo của nghệ thuật quân sự, các lực lượng vũ trang với nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân và nhân dân miền Bắc, nhất là quân dân Thủ đô Hà Nội đã tổ chức, phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân vững chắc, hợp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng. Giữa mưa bom, bão đạn, khói lửa ngút trời, những người con quả cảm của đất nước, của Thủ đô vẫn bền gan, vững chí bám trụ trận địa, giương “mắt thần”, “tung lưới” lửa bủa vây tiêu diệt máy bay địch.

Biểu hiện sinh động của sức mạnh chiến tranh nhân dân là những tấm gương xuất hiện trên tất cả các lĩnh vực, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước quả cảm, kiên cường, anh hùng, bất khuất của Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội. Ở Nhà máy đèn Bờ Hồ, đồng chí Dương Đức Thọ và Vũ Xuân Hòa bất chấp bom đạn địch, đã bám máy đến cùng để bảo vệ dòng điện và anh dũng hy sinh. Các xạ thủ xuất sắc Nguyễn Thị Hiếu, Nguyễn Thị Hải, Bùi Mai, Nguyễn Hùng, Phạm Thị Viễn, chỉ với súng cao xạ 14,5mm trên trận địa Vân Đồn (thuộc quận Hai Bà Trưng) đã góp phần quan trọng bắn rơi máy bay F-111. Điện thoại viên Lê Thị Vân ở Bưu điện huyện Gia Lâm liên tục giữ vững vị trí bên đài, bên máy, cùng đồng đội bảo đảm giao thông liên lạc. Bốn cô gái ở chòi quan sát xã Giang Biên (huyện Gia Lâm) không rời vị trí quan sát suốt chiến dịch, kịp thời báo cáo về Huyện đội từng khu vực bị ném bom…

Trong 12 ngày đêm, “vòng cung lửa” Hà Nội đã sát cánh cùng các địa phương bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B.52; bắt sống 43 giặc lái. Riêng quân và dân Thủ đô đã bắn rơi 30 máy bay Mỹ, bao gồm 23 chiếc B.52, góp phần xuất sắc làm nên Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đây được coi là tổn thất lớn chưa từng thấy khi thông thường trong chiến tranh ở những trận tập kích đường không lớn, tỷ lệ tổn thất về máy bay của phe tiến công là khoảng 1-2%; nhưng trong trận đánh trên bầu trời Hà Nội, tỷ lệ tổn thất về máy bay của Mỹ (chỉ tính riêng B.52) đã lên tới 17% (34/193 chiếc).

Chiến thắng của quân và dân ta thực sự đã làm choáng váng kẻ thù, làm chấn động thế giới. Sau này, Phó Chỉ huy không quân chiến lược Mỹ George Etter thú nhận trên Tạp chí Không lực Hoa Kỳ: “Tổn thất về máy bay chiến lược B.52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm Góc”. Trong hồi ký của mình, Tổng thống Mỹ Nixon viết: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B.52 quá nặng nề”…

Thất bại trên bầu trời Hà Nội buộc đế quốc Mỹ phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng và ngừng ném bom từ Vĩ tuyến 20 trở ra. Đặc biệt, ngày 27/1/1973, đế quốc Mỹ đã ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, mở ra thời cơ cho ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

dien-bien-phu-tren-khong-2.jpg
Không gian trưng bày “Hà Nội, ký ức 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không” do Trung tâm Lưu trữ lịch sử TP Hà Nội (Chi cục VTLT Hà Nội) phối hợp Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục VTLT Nhà nước) tổ chức ngày 5/12 tại Hà Nội.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” làm nức lòng nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc, hun đúc tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng cho cả dân tộc và để lại những bài học sâu sắc về phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đây là nguồn cổ vũ, động viên và là hành trang của chúng ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Giá trị lịch sử và hiện thực” diễn ra sáng 11/10, tại Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng, 50 năm đã trôi qua, song tầm vóc, ảnh hưởng và ý nghĩa của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị, không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn đối với cả nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đồng thời, gợi mở nhiều vấn đề chúng ta cần nghiên cứu, làm sáng tỏ thêm về sự kiện lịch sử này; đúc rút những bài học kinh nghiệm quý báu, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là nghiên cứu, vận dụng, phát huy truyền thống và quan điểm tích cực, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước khi nước chưa nguy.

Viết về sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Robert Gillan, học giả người Mỹ cho rằng: “Chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa yêu nước đã nhân lên gấp bội ý chí hy sinh quên mình của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Họ vẫn tiếp tục chiến đấu dưới làn bom đạn khủng khiếp của Mỹ, “vị tất” đã tìm trong lịch sử có kẻ sánh bằng. Thực chất là người Mỹ đã không biết tý gì về cái đất nước mà họ đã tiến công… Người Mỹ có thể tàn phá đất nước này bằng bom đạn, nhưng đất nước này thậm chí kể cả khi bị tổn thương vẫn không chịu cúi đầu, vẫn không chịu khuất phục”.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” với những ký ức không phai về giai đoạn lịch sử “Hà Nội 12 ngày đêm” là thắng lợi mang tính thời đại, thắng lợi của ý chí cách mạng quật cường và niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng, của quân và dân ta trong cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ tháng 12 năm 1972. Những giai đoạn hào hùng lịch sử đầy bi tráng ấy đã đi vào thơ ca, điện ảnh góp phần nhắc nhở bao thế hệ người Việt về thời kỳ chiến đấu dũng cảm, oanh liệt của quân và dân Thủ đô vì nền hòa bình dân tộc, sẽ mãi trường tồn với Thủ đô yêu dấu và trong tâm hồn mỗi người dân Thủ đô và Nhân dân cả nước.

Mai Hạ