Nỗ lực lồng ghép giới nhằm thực hiện kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:00, 11/12/2022
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Cục Biến đổi Khí hậu (DCC) đã tổ chức "Đối thoại sau COP27 về lộ trình chung hướng tới lồng ghép giới trong thực hiện các chính sách khí hậu." Các đại biểu tham gia đã đánh giá tiến độ của quốc gia trong việc lồng ghép giới vào các chính sách khí hậu, đặc biệt là năm lĩnh vực ưu tiên y của Kế hoạch Quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) của Việt Nam và thảo luận các chính sách khí hậu phù hợp cũng như NAP Việt Nam sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc tạo ra những thay đổi có tác động để tăng cường khả năng phục hồi cho phụ nữ và nam giới ở cấp địa phương.
Biến đổi khí hậu gây ra những ảnh hưởng tiêu cực hơn đối với một số nhóm phụ nữ do những khác biệt về giáo dục, y tế, việc làm, khả năng tiếp cận và làm chủ các nguồn tài nguyên và tài chính, cơ hội tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định, phân công lao động...Biến đổi khí hậu có nguy cơ làm giảm cơ hội việc làm được trả lương của phụ nữ và gia tăng những khác biệt này. Bên cạnh đó, vai trò của phụ nữ cũng chưa được nhìn nhận đúng mức. Theo truyền thống, phụ nữ thường được coi là ‘’nạn nhân’’ của các tác động khí hậu và ít được coi là “đối tượng chủ động trong thích ứng với biến đổi khí hậu”. Tuy nhiên, phụ nữ đã và đang có những đóng góp tích cực và quan trọng trong thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực tế cho thấy phụ nữ có khả năng thích ứng và phục hồi sau thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy nhiên, khả năng thích ứng của phụ nữ cũng phụ thuộc nhiều vào năng lực và điều kiện kinh tế, xã hội và sự hỗ trợ của các cấp quản lý.
Tại hội nghị COP27 một phiên họp riêng về vấn đề giới đã được tổ chức. Tuy nhiên, các quốc gia đã không đạt được thỏa thuận về việc cung cấp các nguồn lực bổ sung để hỗ trợ các quyết định và nhiệm vụ liên quan đến giới theo quy trình của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Các quốc gia cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo cân bằng giới trong đoàn đại biểu quốc gia và đề cử thêm nhiều phụ nữ làm đại biểu cấp cao tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP).
Việt Nam cam kết đưa vấn đề bình đẳng giới và hành động vì khí hậu trong chương trình nghị sự cao nhất của đất nước và Việt Nam là thành viên tích cực của tất cả các thỏa thuận quốc tế nhằm thúc đẩy các mục tiêu này. “Những nỗ lực không ngừng để lồng ghép bình đẳng giới đang dần tạo ra những tiến bộ rõ rệt, thể hiện qua Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 (Quyết định số 896/2022/QĐ-TTg), trong đó có nhiệm vụ "đảm bảo an sinh xã hội và bình đẳng giới" tập trung vào nâng cao nhận thức, năng lực tri thức, khả năng tiếp cận vốn và đưa Bộ LĐTBXH vào Kế hoạch hành động quốc gia 2020 (Quyết định số 1055/QĐ-TTg)", ông Phạm Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục biến đổi khí hậu nói.
Báo cáo " Lồng ghép giới vào kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu" cung cấp một cái nhìn tổng quan và cập nhật về khí hậu, cơ cấu quản trị giới, xem xét các yếu tố dẫn đến bất bình đẳng giới và tính dễ bị tổn thương của phụ nữ trước tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời phân tích các tình trạng lồng ghép giới vào các chính sách ngành, trước khi đưa ra một loạt các khuyến nghị. Mục đích của báo cáo là cung cấp thông tin và tăng cường cải thiện cũng như các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong báo cáo kỹ thuật NAP của Việt Nam, báo cáo này sau đó sẽ được đệ trình lên Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP, nhấn mạnh rằng “bình đẳng giới thường được nhắc đến như một “nguyên tắc” trong các chính sách, điều này đánh dấu một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, cần phải phát triển các công cụ thực tế để chuyển từ lý thuyết ở cấp trung ương sang thực hiện ở cấp địa phương. Điều này đòi hỏi phải xây dựng các hướng dẫn cụ thể về giới cho các bộ ngành và các tỉnh trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong ứng phó với biến đổi khí hậu.”
“Rõ ràng là mối liên hệ giữa bình đẳng giới và ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng được hiểu rõ hơn. Khảo sát cho thấy một số bộ có mức độ hiểu biết nhất định, trong khi ngược lại, với nhiều cơ quan, vấn đề bình đẳng giới vẫn được coi là “phần bổ trợ”. Chúng ta cần cùng nhau tiếp tục nâng cao nhận thức, cũng như xây dựng cơ sở tri thức và giáo dục tất cả các bên liên quan,” ông Lai nói thêm.
Tham dự buổi đối thoại có hơn 100 đại diện của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA), DCC, UNDP và các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các Đại sứ quán, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ, các học viện. Kết quả và các thông tin thu thập được qua ba nhóm thảo luận sẽ được thu thập và tổng hợp để đưa vào hoàn thiện Lộ trình và thiết lập một kế hoạch hành động cùng nhau thực hiện các hành động về giới.