Bảo vệ tài nguyên nước ở Việt Nam - Cơ hội và thách thức
Nước và cuộc sống - Ngày đăng : 16:30, 11/12/2022
Kể từ đầu thế kỷ 20, lượng nước tiêu thụ toàn cầu tăng 7 lần, chủ yếu do sự gia tăng dân số và nhu cầu về nước của từng cá nhân. Cùng với sự gia tăng dân số và khát vọng cải thiện cuộc sống của mỗi quốc gia và của từng cá nhân thì nhu cầu về nước ngày càng gia tăng là điều tất yếu nên việc đảm bảo cấp nước đáp ứng về chất lượng cho toàn bộ dân số toàn cầu và bảo tồn các hệ sinh thái vẫn còn là một mục tiêu xa vời. Do sự biến đổi về nhiệt độ và lượng mưa, hiện nay nhiều nơi đã thường xuyên không có đủ nước để đáp ứng nhu cầu. Vì thế, trong thế kỷ 21, thiếu nước sẽ là một vấn đề nghiêm trọng nhất trong các vấn đề về nước, đe doạ quá trình phát triển bền vững.
Tài nguyên nước dồi dào tiềm ẩn nhiều thách thức
Theo đánh giá của nhiều cơ quan nghiên cứu về tài nguyên nước, hiện tại có khoảng 1/3 số quốc gia trên thế giới bị thiếu nước và đến 2025 con số này sẽ là 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới sẽ rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng. Ở một số quốc gia, lượng nước cho mỗi đầu người đang bị giảm đáng kể. Hội nghị về nước của Liên hợp quốc vào năm 1997 đã thống nhất “Tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, địa vị kinh tế, xã hội đều có quyền tiếp cận nước uống với số lượng và chất lượng đảm bảo cho các nhu cầu cơ bản của mình”, theo đó, tiếp cận với nước uống là quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, cho đến nay, số người thiếu nước uống sạch an toàn vẫn đang không ngừng gia tăng. Vì vậy, mối lo về nước không phải của riêng một quốc gia nào.
Việt Nam luôn khẳng định “nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước” và vì vậy, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực tăng cường và kiện toàn, thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước, đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam cũng như hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới và khu vực để quản lý, bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước nhằm góp phần vào tiến trình phát triển bền vững của đất nước cũng như của thế giới và khu vực.
Theo thống kê, Việt Nam có hơn 3.450 sông, suối chiều dài từ 10km trở lên, tổng lượng dòng chảy hằng năm khoảng 844 tỷ mét khối nhưng chủ yếu tập trung vào mùa mưa, mùa khô chỉ chiếm 20-30% lưu lượng dòng chảy/năm. Nước có vai trò chủ đạo trong phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo của thế giới. Theo thông tin của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cùng với việc đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sử dụng nước sạch tại các đô thị, trên 62% tại khu vực nông thôn, nước góp phần không nhỏ trong phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ và bảo đảm an ninh năng lượng trong thời gian qua...
Tuy nhiên, việc bảo vệ, giữ gìn, phát triển tài nguyên nước của Việt Nam chúng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ liên quan đến nguồn nước và chất lượng nguồn nước đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, nguồn lực cùng với sự nỗ lực tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là ý chí chính trị và quyết tâm của Đảng và Nhà nước. Nguồn tài nguyên nước của chúng ta rất dồi dào song phân bố không đều theo thời gian và không gian, có tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ, suy thoái, ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng, khô hạn, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn. Những thảm họa như: hạn hán và xâm nhập mặn; lũ ống, lũ quét, lụt lội, sạt lở đất; nước biển dâng đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động phát triển kinh tế, đến sức khỏe con người, đời sống sinh hoạt của cộng đồng.
Tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước vẫn tiếp tục gia tăng trong khi cơ chế kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, các hoạt động chặt phá rừng chưa hiệu quả cộng với tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước đang ngày càng rõ rệt hơn. Thời tiết cực đoan, thiên tai, nhất là nắng nóng, hạn hán, giông lốc, sạt lở, lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn, ngập úng, nước biển dâng, thiếu nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long,… đang ngày càng gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng, gây thiệt hại nặng nề, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống. Vừa qua, lũ lụt ở miền Trung đã gây nhiều tổn thất về người và tài sản. Mặt khác, tài nguyên nước Việt Nam tuy phong phú, song phụ thuộc nặng nề vào nguồn cấp ngoài biên giới. Hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, trong khi cơ chế, chính sách hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia chưa hiệu quả.
Nước góp phần quan trọng trong sự tăng trưởng mạnh mẽ về sản lượng nuôi trồng thủy sản những năm gần đây với mức tăng trưởng bình quân trên 12%/năm, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, tạo được nhiều cơ hội về việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế, xã hội, công cuộc xóa đói, giảm nghèo thì tài nguyên nước của Việt Nam đang phải đối mặt tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn phổ biến cộng với nguồn nước tiếp tục bị suy thoái, cạn kiệt và cơ sở hạ tầng về tài nguyên nước lạc hậu.
Theo dự báo, dân số Việt Nam sẽ ổn định ở mức 120 triệu người trong vòng 2-3 thập kỷ tới . Sự gia tăng dân số và yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống sẽ cần nhiều nước hơn cho phát triển sản xuất và dân sinh là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển và quản lý tài nguyên nước quốc gia.
Đảm bảo an ninh nguồn nước là góp phần phát triển bền vững
Chia sẻ về các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước tại hội thảo bảo đảm an ninh nguồn nước góp phần phát triển bền vững ở Việt Nam, đại diện Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT), bà Lê Thị Việt Hoa cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch TNN quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản TNN; nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và ý thức của người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN; hoàn thiện việc xây dựng hệ thống giám sát TNN, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc khai thác sử dụng nước; nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với vùng…
PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng việc cấp nước an toàn góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu bệnh tật liên quan đến nước; nâng cao ý thức tiết kiệm của cộng đồng trong việc sử dụng nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Ngoài ra, cấp nước an toàn góp phần tiết kiệm nước, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Nhằm góp phần bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt, bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe nhân dân, từ khi thành lập đến nay, Hội Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Việt Nam đã làm tốt công tác, nhiệm vụ của mình, luôn là cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng xã hội trong việc thực hiện tốt công tác xã hội hóa về cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hội đã huy động mọi nguồn lực, tăng cường công tác xã hội hoá, mọi tổ chức xã hội, mọi cá nhân, nhất là các Doanh nghiệp có lòng hảo tâm tham gia đóng góp bằng vật tư, nhân lực để cùng địa phương xây dựng công trình nước sinh hoạt phục vụ cho cộng đồng dân cư nhất là ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc, có nhiều khó khăn về địa lý, kinh tế xã hội. Kết quả là đã xây dựng được Trạm cấp nước tại trường Phổ thông trung học nội trú dành cho con em các dân tộc thiểu số tại xã Bình Yên, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên; xây dựng Trạm cấp nước sinh hoạt cho hơn 165 hộ gia đình đồng bào các dân tộc và các cơ quan, trường học tại xã Phú Đình, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên; Xây dựng trạm cấp nước sinh hoạt cho 4.767 nhân khẩu tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; Xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt phục vụ hơn 1.000 người dân tộc Tày, Nùng, Dao vùng sâu đặc biệt khó khăn ở 3 thôn Nà Lình, Nà Liền và Nà Mèo xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn,…Cùng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt khác tại huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn), huyện Lệ Thuỷ (tỉnh Quảng Bình), huyện Triệu Hoá (tỉnh Quảng Trị) với số tiền tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước lên tới hàng tỷ đồng.
Ngoài ra, Hội còn phối kết hợp với các Bộ, ngành tham gia hoàn thành một số công việc khác như: Đề án truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường dành cho người dân khu vực phía Bắc giai đoạn 2007 – 2010; In ấn và phát hành 02 ấn phẩm chuyên san “Môi trường và Cuộc sống”, “ Sổ tay truyền thông về nước sạch và bảo vệ môi trường” với số lượng hàng trăm cuốn sách; phát động gây Quỹ “Nước sạch đến với người nghèo”,….
PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam đánh giá, việc cấp nước an toàn góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu bệnh tật liên quan đến nước; nâng cao ý thức tiết kiệm của cộng đồng trong việc sử dụng nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Ngoài ra, cấp nước an toàn góp phần tiết kiệm nước, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.