Hải Phòng: Hàng nghìn tấn ngao của người dân có nguy cơ mất trắng
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 08:53, 13/12/2022
Thời gian gần đây, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn đã nhận được ý kiến của rất nhiều hộ dân sống tại huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng về việc xuất hiện một số “vòi rồng” ngang nhiên khai thác cát khiến cho ngao nuôi của người dân có nguy cơ mất trắng, ảnh hưởng tới môi trường biển.
Theo ý kiến của ông Bùi Văn Tuyền - xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng - một trong rất nhiều hộ dân nuôi ngao cho biết: Vào khoảng 4h00 ngày 17/11/2022, có 2 phương tiện vỏ sắt neo đậu tại khu vực gần bãi nuôi trồng thủy sản của bà Nguyễn Thị Yến và hộ gia đình ông tại khu vực cửa sông Văn Úc. Đến khoảng 6h cùng ngày , phương tiện HP 4072 ngang nhiên đi vào khu vực bãi ngao của gia đình ông và bà Yến để vừa hút cát, vừa hút cả ngao đang được nuôi ,với diện tích khoảng 4000 mét vuông.
Tiếp đó, ngày 7/12/2022, con tàu HP5958 vào bãi ngao. Lúc này bà con ra đuổi thì có 1 lực lượng trên tàu bắn đạn bi xuống dưới bà con và cũng đã có người bị thương. Tối ngày 10/12/2022, vẫn con tàu đó và lực lượng đó tiếp tục vào bãi ngao của bà con để khai thác cát. Ngay tối ngày 7/12, chúng tôi đã lên công an xã Đại Hợp và đồn biên phòng trình báo nhưng không có lực lượng nào ra để hỗ trợ cho người dân để giữ tài sản, ông Tuyền cho biết thêm
Bác Bùi Thị Tin - người dân xã Đại Hợp, Kiến Thụy, Hải Phòng cho biết: Trước kia chúng tôi cũng đi đào con don, con dắt, con cáy, con còng. Nhưng khi thấy nghề nuôi ngao phát triển thì chúng tôi quay về nuôi ngao. Bà con chúng tôi bây giờ chỉ sống bằng nghề nuôi ngao là chính.
Bãi triều này nếu không cho bà con nuôi ngao mà cứ để "cát tặc" vào hút thì có khi mất cả miếu cả làng rồi. Nhờ bà con nuôi ngao nên mới giữ được đến giờ, bác Tin chia sẻ
Còn theo anh Vũ Trí Tuân - người dân xã Minh Tân, Kiến Thụy, Hải Phòng bức xúc cho biết: Các tàu khai thác cát xả thải trực tiếp ra môi trường dẫn đến việc ngao chết hàng loạt. Từ năm 2016 đến nay, mỗi khi các tàu khai thác cát cường độ cao hoạt động thì đều gây ra việc ngao chết hàng loạt. Hiện tại bây giờ các doanh nghiệp được cấp phép thì chưa khai thác vào vị trí đó. Nhưng hàng ngày, hàng giờ có những con tàu khai thác cát một cách "hiên ngang". Khi người dân trình báo thì lực lượng biên phòng cản trở người dân không cho ra bắt giữ và nói họ được cấp phép khai thác. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của người dân thì các tàu đang khai thác cát là hoàn toàn không đúng vị trí theo các cấp chính quyền công bố. Chính vì vậy, người dân chúng tôi cho rằng những con tàu đó là "cát tặc"chứ không phải là hút cát “chính thống”.
Trước sự việc trên, người dân đã yêu cầu người điều khiển phương tiện HP 4072 ra khỏi bãi ngao. Tuy nhiên, người điều khiển con tàu trên không thực hiện mà tiếp tục vẫn hút cát.
Đến 8 giờ 35 phút cùng ngày, Tổ công tác của Đồn biên phòng Đoàn Xá đến kiểm tra, yêu cầu người điều khiển phương tiện HP4072 tắt máy, dừng hoạt động hút cát, lập biên bản để ghi nhận diễn biến sự việc.
Tại thời điểm Tổ công tác của Đồn biên phòng Đoàn Xá kiểm tra, người điều khiển phương tiện HP4072 là ông Lê Văn Thủy (sinh năm 1975, trú tại Hạ Lý, Hồng Bàng, Hải Phòng) và người làm việc trên phương tiện này không xuất trình được bằng, chứng chỉ chuyên môn, giấy tờ phương tiện và giấy tờ liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản. Ông Lê Văn Thủy xác nhận việc hút cát nói trên và trình bày việc hút cát theo chỉ dẫn của thuyền viên là ông Nguyễn Đức Băng.
Hiện nay, mặc dù chính quyền huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng đã cưỡng chế phá dỡ các chòi canh bãi ngao, nhưng nhiều hộ dân vẫn còn ngao chưa thu hoạch. Mặt khác, các hộ dân còn đang trong quá trình khiếu nại việc quy trình thu hồi đất của chính quyền. Việc các phương tiện tự ý vào các bãi nuôi trồng thủy sản hút cát gây bức xúc cho các hộ dân, có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhiều hộ dân, cụ thể là ngao nuôi có nguy cơ mất trắng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hiển - người dân xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng cho biết: Tôi là người dân xã Đại Hợp làm nghề biển hơn 40 năm, cuộc sống của chúng tôi cũng chỉ phục thuộc vào làm biển. Từ năm 2009 chúng tôi làm nghề nuôi ngao tại đây. Trước khi chúng tôi nuôi ngao ở đây là cũng đã xin phép xã và có đơn lên huyện. Việc cấp phép các tàu khai thác cát ở đây thì người dân cũng không được biết và cũng không lấy ý kiến người dân chúng tôi.
Tại thông báo số 616/TB-UBND ngày 13/10/2022 của UBND TP Hải Phòng (tức 1 ngày trước cưỡng chế bãi ngao), UBND TP Hải Phòng khẳng định tiếp tục cho các hộ dân thu hoạch ngao và chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng chịu trách nhiệm trước UBND TP Hải Phòng trong trường hợp để các đối tượng không liên quan vào khu vực (đã cưỡng chế) để thu hoạch ngao của các hộ nêu trên.
Được biết, vào tháng 10 năm 2021, Bộ Công an cũng bắt quả tang 24 tàu hút cát, khai thác cát trái phép trên sông Văn Úc, đoạn qua địa phận 3 huyện: Kiến Thụy, Tiên Lãng và An Lão. ''Cát tặc" lộng hành rút ruột lòng biển gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với an toàn đê điều, giao thông đường thủy, tàn phá môi trường. Gây xung đột, mâu thuẫn kéo dài làm mất an ninh trên địa bàn huyện Kiến Thụy.
Hiện nay, nhiều người dân đã gửi đơn tố cáo 16 Công ty khai thác khoáng sản có dấu hiệu vi phạm thời hạn theo Điều 58 Luật Khoáng Sản số 60/2020/QH12; Thực hiện hành vi thả phao tiêu, phao khoanh định mặt biển và tiến hành khai thác vật liệu thông thường (cát) tại bãi bồi Quận Hải An, huyện Kiến Thụy đã gây thiệt hại tài sản của xã hội, phá vỡ hệ sinh thái, gây thiệt hại tài nguyên của Nhà nước.
Ông Bùi Văn Tuyền - xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng
Mong chia sẻ: Mong muốn của người dân chúng tôi ở đây là muốn giữ được bãi triều này. Đây cũng 1 gồ chắn sóng để giữ môi trường cũng như cuộc sống của người dân nơi đây. Đồng thời, cũng là nơi để người dân kiếm kế sinh nhai thông qua việc nuôi ngao. Chúng tôi mong muốn các cơ quan đoàn thể của TW vào cuộc để làm rõ những sai phạm. Việc các tàu vào hút cát thì xăng dầu hoạt động của tàu xả ra rất ảnh hưởng tới môi trường xung quanh và việc nuôi ngao.
“Vòi rồng ” HP4072 khai thác cát vào bãi ngao của người dân khiến người dân vô cùng bức xúc. Đề nghị các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, đặc biệt Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng cần sát sao trong việc chỉ đạo, yêu cầu Tổ công tác của Đồn biên phòng Đoàn Xá nhanh chóng xác minh, làm rõ nguồn gốc phương tiện HP4072 có phải là “cát tặc” hay không?
Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), “Cát tặc” là hệ quả của sự mất kiểm soát, của kiểu khai thác “mạnh ai nấy làm”, của cơ chế xin - cho, cũng không loại trừ việc một số nơi chính quyền “tạo điều kiện” cho “cát tặc”.