Hải Phòng: Cần có biện pháp bảo vệ người dân nuôi ngao

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 04:10, 17/12/2022

Khai thác cát trên sông quá mức sẽ dẫn đến sạt lở đất, gây ảnh hưởng đời sống người dân hệ sinh thái thủy sinh và gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, tình trạng "cát tặc" tại nhiều địa bàn thời gian qua đã gây mất an ninh trật tự, gây mâu thuẫn bức xúc giữa người dân và các tàu hút cát. Vụ việc bảo vệ tàu hút cát chĩa súng bắn thẳng vào người dân xảy ra tại khu vực bãi ngao huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng ngày 14/12/2022 vừa qua gây bức xúc dư luận.

>> Những biện pháp bảo vệ môi trường sống

Chiều 15/12, công an huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng) cho biết, đơn vị đang phối hợp với Đồn Biên phòng Đoàn Xá điều tra, xác minh người trên tàu cát nổ súng đe dọa ngư dân nuôi ngao, xảy ra tại vùng biển trên địa bàn.

Theo đó, khoảng 07h00 ngày 14/12/2022, ông Bùi Văn Tuyền, cùng một số công dân khác đang ở trên phương tiện thủy (ký hiệu nhận biết KT17 của ông Tuyền), thì phát hiện phương tiện thủy số đăng ký HP 4159 đang khai thác cát trong phạm vi bãi thả ngao của ông Tuyền.

bai-ngao-hai-phong.jpg
Hai nhân viên được xác định là bảo vệ của tàu HP4159. Ảnh cắt từ clip.

Ngay sau đó ông Tuyền cùng một số người dân lại gần phương tiện HP 4159 để xua đuổi thì xuất hiện 1 đối tượng ở trên phương tiện HP 4159 mặc áo khoác màu đen, tay cầm súng và bắn. Sự việc xảy ra không có ai bị thương tích gì.

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố cùng UBND huyện Kiến Thụy đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Đoàn Xá phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức lực lượng ra ngay hiện trường kiểm tra phương tiện HP 4159.

Kết quả kiểm tra, phương tiện Hoàng Phương – 89, số đăng ký HP 4159, trọng tải 1.218,01 tấn; lắp máy 380cv; chủ phương tiện là Công ty CP Thương mại vận tải Hoàng Phương, địa chỉ số 19 Hoàng Thiết Tâm, phường Bắc Sơn, quận Kiến An.

Trên phượng tiện có 5 thuyền viên và 5 bảo vệ của mỏ cát Đông Kinh, thuộc khu vực cửa sông Văn Úc, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng do ông Hoàng Văn N. (sinh năm 1983, địa chỉ xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) là Thuyền trưởng đang tiến hành khai thác cát trong mỏ cát của Công ty CP đầu tư TM&DV Đông Kinh đã được thành phố cấp phép.

Toàn bộ giấy tờ liên quan đến phương tiện, hàng hóa và bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên đều đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Quá trình làm việc với bảo vệ thuộc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Hoàng Nam Phát (địa chỉ tại số 718 lô 22 Lê Hồng Phong, Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng, được biết: Ông Đặng Hữu Cường, sinh năm 1983- địa chỉ tại số 7C/l 04 Trại Chuối, quận Hồng Bàng là bảo vệ được Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Hoàng Nam Phát giao nhiệm vụ bảo vệ mỏ cát và tàu HP 4159 có mang theo 1 khẩu súng mang nhãn hiệu RG88, số hiệu RCG19091350 (Giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ số: 3120300100/GP do Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH- Công an thành phố Hải Phòng cấp ngày 10/03/2020) với 5 viên đạn và 1 vỏ đạn đang nằm trong nòng súng.

bai-ngao-hai-phong-1.jpg
Một nhân viên trên tàu HP4159 chĩa súng về phía người dân. Ảnh cắt từ clip.

Theo ông Cường trình bày, trong quá trình đang khai thác cát tại mỏ cát của Công ty CP Đầu tư TM&DV Đông Kinh bị một số người dân đi trên phương tiện khai thác ngao lên tàu HP 4159 ngăn cản, không cho khai thác cát nên ông Cường đã bắn một phát chỉ thiên để cảnh cáo. Sau đó số người dân đi trên phương tiện đã dời đi.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Bùi Văn Tuyền cho biết, ông và những người dân khác không hề lên tàu HP4159 để ngăn cản mà chỉ đứng trên tàu KT17 để nói với những người trên tàu HP4159 về việc dưới cát vẫn còn nhiều ngao chưa thu hoạch, đề nghị tàu dừng hút cát.

Cũng theo ông Tuyền, người cầm súng lúc đó không phải bắn chỉ thiên (bắn lên trời) mà chĩa thẳng súng vào người ông để bắn, nhưng may mắn người đứng bên cạnh gạt tay nên đạn đã không trúng vào người ông nên không có thương tích xảy ra. Hình ảnh được ghi nhận lại trong clip cũng thể hiện rõ đối tượng mặc áo màu đen chĩa súng ngang hướng về phía tàu KT17, không có việc chĩa súng lên trời.

W_tau-hut-cat-hai-phong-9-.jpg
W_tau-hut-cat-hai-phong-8-.jpg
Việc các phương tiện tự ý vào các bãi nuôi trồng thủy sản hút cát gây bức xúc cho các hộ dân, có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhiều hộ dân, cụ thể là ngao nuôi có nguy cơ mất trắng

Dư luận cho rằng, việc sử dụng "công cụ hỗ trợ"- vũ khí nóng chĩa thẳng vào người dân để bắn khi không hề có yếu tố nguy hiểm, không có hành vi chống đối của họ cần phải được điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Vụ việc xảy ra đã gây bức xúc dư luận, để lại hậu quả hết sức phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn nói trên xuất phát từ việc cơ quan chức năng cấp phép khai thác cát cho một số doanh nghiệp chồng lấn vào diện tích nuôi ngao của người dân địa phương đã tiến hành nuôi thả từ hàng chục năm trước. Mặc dù vậy, người dân lại không được hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng theo các quy định của Luật Đất đai nên chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, hiện nay, người nuôi ngao trên địa bàn huyện Kiến Thụy vẫn đang khiếu nại các quyết định hành chính cưỡng chế phá dỡ các chòi nuôi ngao của chính quyền địa phương và gửi đơn kêu cứu khắp nơi, đề nghị thành phố Hải Phòng cho phép họ được tiếp tục nuôi thả ngao, được cấp phép nuôi trồng thủy sản hợp pháp, đóng góp nghĩa vụ tài chính đầy đủ cho Nhà nước. Mặt khác, trên các bãi ngao hiện nay còn tồn rất lớn lượng ngao đã thả chưa thu hoạch xong. Do đó, việc các phương tiện vào các bãi nuôi trồng thủy sản hút cát sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của người dân.

Trước đó, tại thông báo số 616/TB-UBND ngày 13/10/2022 của UBND TP Hải Phòng (tức 1 ngày trước cưỡng chế bãi ngao), UBND TP Hải Phòng khẳng định tiếp tục cho các hộ dân thu hoạch ngao và chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng chịu trách nhiệm trước UBND TP Hải Phòng trong trường hợp để các đối tượng không liên quan vào khu vực (đã cưỡng chế) để thu hoạch ngao của các hộ nêu trên.

Theo các nhà khoa học, hoạt động khai thác cát tràn lan trên nhiều dòng sông đã được cảnh báo từ rất lâu. Việc khai thác cát sông quá mức dẫn đến mất môi trường sống ven sông và thủy sinh, phá hủy hệ động thực vật địa phương, mất nơi lưu trú và lớp che phủ cho lòng sông. Ngoài ra, khai thác cát trực tiếp từ lòng sông đang chảy làm ảnh hưởng đến mật độ của các quần thể động vật không xương sống và cá ở đáy sông.

Bên cạnh đó, tiếng ồn và sự dịch chuyển trong quá trình khai thác cát sông của thiết bị công nghiệp nặng có thể xua đuổi các loài động vật hoang dã dọc theo vùng ven sông. Đồng thời, lòng sông bị hạ thấp còn dẫn đến mực nước ngầm hai bên bờ sông bị hạ, gia tăng tác động xấu của hạn hán; một số cây trồng ở hai bên có thể bị chết và tạo ra những thay đổi đến hệ sinh thái. Hạ thấp mực nước ngầm còn ảnh hưởng đến hoạt động khai thác nước ngọt phục vụ sinh hoạt của dân cư. Ngoài ra, dòng sông bị tụt khiến chân công trình bị lộ và nhanh chóng hư hỏng.

Sơn Lâm