Quảng Nam: Xử phạt hơn 6,5 tỷ đồng trong hoạt động khai thác khoáng sản
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 09:00, 18/12/2022
Theo đó, từ năm 2016 đến nay, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã thực hiện 1 cuộc kiểm tra và 7 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản tại 15 địa phương và 80 đơn vị trên địa bàn tỉnh. Riêng trong năm 2022, Thanh tra Quảng Nam đã triển khai thanh tra việc quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn các huyện Nam Giang, Núi Thành và Hiệp Đức giai đoạn 2015 - 2021.
Hiện nay, đang thanh tra việc quản lý, khai thác khoáng sản tại huyện Đại Lộc. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tiến hành kiểm tra, thanh tra tại 75 tổ chức, đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản. Thanh tra Sở TN-MT đã tổ chức thanh tra tại Công ty Cổ phần (CP) Đầu tư phát triển xây dựng Khoáng sản Miền Trung và Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam đang khai thác đá tại xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên.
Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính 60 tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về lĩnh vực TN-MT trong hoạt động khai thác khoáng sản với tổng số tiền hơn 6,5 tỷ đồng.
Trong đó, Sở TN-MT Quảng Nam tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 25 đơn vị với số tiền 5,3 tỷ đồng, các Trưởng đoàn thanh tra, Chánh Thanh tra Sở TN-MT xử phạt 35 đơn vị hơn 1,2 tỷ đồng. Chuyển Cơ quan điều tra xem xét xử lý đối với trường hợp Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hưng Đức Vinh do khai thác ngoài phạm vi cấp phép. Đồng thời, buộc các đơn vị vi phạm nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp từ khai thác khoáng sản là 1,42 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 2 tháng đối với một đơn vị.
Đánh giá về tình hình khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế liên quan đến việc lắp đặt camera, trạm cân để theo dõi, giám sát khối lượng khai thác thực tế; về ranh giới, trình tự, công suất khai thác; một số mỏ chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.
Theo đánh giá của ngành chức năng, một vài nơi doanh nghiệp núp bóng cải tạo nghĩa trang, mặt bằng để khai thác hàng trăm ngàn m3 đất, đá vận chuyển ra bên ngoài san lấp thu lợi lớn mà không cần thủ tục xin cấp phép mỏ.
Việc khai thác khoáng sản trái phép ở một số huyện miền núi của tỉnh vẫn còn tái diễn liên tục và phức tạp. Công tác theo dõi, thanh tra, tuần tra, truy quét, chốt chặn nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm chưa kịp thời, triệt để, do lực lượng còn thiếu và hạn chế về chuyên môn vì phần lớn đều kiêm nhiệm và không được đào tạo chuyên môn ngành địa chất - khoáng sản.
Mặt khác, việc thanh tra, kiểm tra đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản bắt buộc phải thông báo bằng văn bản trước nên các đơn vị triển khai các biện pháp đối phó như dừng khai thác, dừng vận chuyển, chế biến, tẩu tán tang vật… nên rất khó phát hiện và xử lý sai phạm.
Tại UBND cấp huyện trong tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra việc khai thác khoáng sản trên địa bàn còn ít, nội dung kiểm tra chưa sâu rộng và xử lý vi phạm nhiều lúc chưa nghiêm. Một số địa phương còn đùn đẩy trách nhiệm thanh tra, kiểm tra cho ngành dọc hoặc cấp trên. Để công tác quản lý việc cấp phép, khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng đi vào nề nếp, kỷ cương, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiến nghị Trung ương tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, khoáng sản đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả khi thi hành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thi hành Luật Khoáng sản và xử lý các vi phạm liên quan.
Để chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ngày 7-12-2022, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh đã chủ trì buổi công bố Quyết định số 466/QĐ-TTCP ngày 29-11-2022 của Tổng Thanh tra Chính Phủ về thanh tra việc thực hiện pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng và việc cấp phép, khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.