Đồng bằng sông Cửu Long: Nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu vùng ven biển

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:35, 21/11/2022

WWF khởi động dự án tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu của hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp và cộng đồng tại khu vực ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 20/12, tại TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau, WWF tại Việt Nam và các đối tác đã tổ chức hội thảo “Khởi động dự án nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp và cộng đồng thông qua các mô hình sinh kế dựa vào tự nhiên tại khu vực ven biển ĐBSCL”.

Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Trưởng đại diện Tổ chức WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam) cho biết: Mục tiêu của dự án là nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp và cộng đồng địa phương tại khu vực ven biển tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu thông qua việc tăng cường quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn và áp dụng các thực hành thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau.jpg
Mục tiêu của dự án là nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp và cộng đồng địa phương tại khu vực ven biển tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu

Tại Cà Mau, dự án thực hành cải tiến mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn, hạn chế phá rừng, tăng cường việc quản lý, bảo vệ và trồng mới rừng ngập mặn nhằm tăng khả năng hấp thụ carbon. Tại Bạc Liêu, dự án tập trung vào mô hình sản xuất luân canh tôm - lúa, hỗ trợ các phương pháp thực hành tốt hơn bao gồm: Nuôi tôm sú 2 giai đoạn, điều tiết nước, sử dụng vi sinh để cải thiện chất lượng nước và thức ăn tự nhiên.

Khu vực ĐBSCL của Việt Nam có vị thế và tiềm năng kinh tế quan trọng, đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam. Hàng năm, ĐBSCL đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu và khoảng 30% tổng GDP quốc gia. Tuy nhiên, ĐBSCL được xác định dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu như các hiện tượng khí hậu cực đoan, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển, bờ sông, nước biển dâng, lũ và hạn hán.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam thuộc nhóm 5 nước đang phát triển chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng.

Qua tính toán, khi mực nước biển dâng 1m thì thiệt hại kinh tế sẽ lên tới 10% GDP. Đặc biệt, khoảng 12.300km2 hoặc 31% tổng diện tích đất của Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm 9.800km2 đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản có thể bị ảnh hưởng và tác động đến 4,8 triệu người.

Ông Lê Hoài Phương, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết: Là huyện duy nhất của tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển, người dân trong huyện Ngọc Hiển sống phụ thuộc vào nuôi trồng thuỷ sản trong đất lâm nghiệp. Những năm gần đây, nước biển dâng và thời tiết khắc nghiệt đã khiến năng suất giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của bà con trong huyện.

Đây là dự án quan trọng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, quy hoạch và định hướng phát triển chung của địa phương thông qua các hoạt động tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, áp dụng thực hành các giải pháp thuận tự nhiên, nâng cao giá trị thương phẩm gắn với bảo vệ và phát triển rừng, ổn định sinh kế cho người dân.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: Ngành tôm Bạc Liêu đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp và chưa có cách phòng trị hiệu quả. Công tác môi trường trong nuôi tôm thâm canh đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

"Trong khi đó, cạnh tranh thương mại trên thị trường thế giới ngày càng khốc liệt. Vì vậy, sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ như WWF tại Việt Nam là vô cùng cần thiết. Bạc Liêu rất cần được hỗ trợ về kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết và hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế như tôm hữu cơ, tôm sinh thái, ASC để tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường”, Hiếu cho biết.

Mô hình nuôi trồng kết hợp tôm – rừng ngập mặn (tôm - rừng) và luân canh tôm - lúa (tôm - lúa) là hai hình thức sản xuất nông nghiệp lâu đời của người dân ĐBSCL. Tuy nhiên, từ những năm 2000, lợi nhuận cao từ thị trường tôm đã khiến phần lớn người dân các vùng ven biển ĐBSCL chuyển đổi diện tích chuyên canh lúa, và tôm - lúa sang nuôi chuyên canh tôm nước lợ.

Sự phát triển quá nhanh cả về diện tích và mức độ thâm canh, trong bối cảnh hạn chế về quy hoạch, trình độ canh tác cũng như cơ sở hạ tầng đã dẫn đến các hệ lụy về ô nhiễm môi trường, gia tăng nhiễm mặn và thoái hóa đất, gia tăng rủi ro bùng phát dịch bệnh.

Trong khi đó, mô hình tôm - rừng tuy ngày càng được nhân rộng, nhưng do thực hành quản lý không bền vững khiến chất lượng nước bị suy giảm, điều kiện thời tiết thay đổi và cạn kiệt nguồn thức ăn tự nhiên dẫn đến năng suất canh tác thấp, thu nhập của người nuôi tôm giảm sút, từ đó kéo theo vấn nạn phá rừng để mở rộng diện tích canh tác, nuôi trồng thủy sản ngày càng gia tăng.

Đây cũng chính là mô hình được Bộ NN-PTNT đánh giá có khả năng mở rộng trong tương lai, trong điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn gia tăng.

Bà Phạm Cẩm Nhung, Quản lý chương trình Khí hậu và Năng lượng (WWF tại Việt Nam) nhận định: “Chúng ta không thể bảo vệ con người nếu như không bảo vệ thiên nhiên. Hơn 77.000ha rừng ngập mặn hiện nay tại ĐBSCL chính là đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Các giải pháp dựa vào tự nhiên như tôm - rừng, tôm – lúa là các phương pháp hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất để giúp các hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái nông nghiệp có khả năng chống chịu tốt hơn và tiếp tục cung cấp những dịch vụ thiết yếu cho con người, đặc biệt cho các cộng đồng dễ tổn thương tại Cà Mau và Bạc Liêu.

Tuấn Kiệt