Đà Nẵng chủ động ứng phó thiên tai bất thường, trái quy luật

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 07:30, 26/12/2022

Trước xu hướng thiên tai dị thường, trái quy luật, thời tiết cực đoan, nhiệt độ cực trị (cực nóng hoặc cực lạnh)..., trong những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu, đòi hỏi thành phố Đà Nẵng phải luôn chủ động ứng phó.

Năm 2022, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xảy ra nhiều trận thiên tai dị thường. Đầu tháng 4-2022, giữa mùa khô ở miền Trung nhưng mưa lớn trái quy luật đã làm nhiều tuyến đường, khu vực dân cư bị ngập úng cục bộ; xuất hiện lũ trên cả 3 tuyến sông Yên, Túy Loan, Cu Đê, gây cô lập thôn Lộc Mỹ (xã Hòa Bắc); 941,4ha lúa đang trổ, chín bị ngập, ngã đổ; 243,8ha rau, hoa, màu bị ngập...

Trong ngày 27 và 28/9 vừa qua, Đà Nẵng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4 (bão Noru) được đánh giá là một trong những cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua, gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng và làm mực nước biển dâng cao hơn bão Xangsane (tháng 10-2006) khoảng 6cm. Thiệt hại do bão số 4 và trận lũ lớn xảy ra từ ngày 9/10 đến 11/10 được ước tính khoảng 50 tỷ đồng.

thien-tai-bat-thuong.jpg
Mưa lũ, ngập lụt lịch sử tại Đà Nẵng làm hư hỏng nhiều công trình, cây cối đổ gãy

Đặc biêt, trận mưa cực đoan “ngàn năm có một” xảy ra vào ngày 14-10 vượt giá trị lịch sử trong tháng 10, gây ngập diện rộng tại 52/56 phường, xã và xảy ra sạt lở, lũ, lũ quét nhiều nơi, làm 4 người chết cùng nhiều thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn thành phố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất... với tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 1.500 tỷ đồng.

Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Phòng chống thiên tai) Đoàn Thị Tuyết Nga chia sẻ, thiên tai đang diễn ra với tần suất cao hơn, cường độ khốc liệt hơn, nhất là các loại hình thiên tai như bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán... Điển hình là trận mưa lịch sử xảy ra tại Đà Nẵng vào ngày 14-10. Điều này đặt ra yêu cầu phải hành động sớm, thực hiện sớm những hoạt động trong giai đoạn phòng ngừa, ứng phó trước thiên tai. Chẳng hạn, tổ chức mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vật tư phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thực hiện các công trình, giải pháp phòng ngừa, giảm rủi ro thiên tai; triển khai các hoạt động truyền thông, tập huấn, nâng cao năng lực ứng phó thiên tai cho người dân...

PGS.TS. Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm, (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, xét về địa hình tự nhiên, Đà Nẵng có rất ít rủi ro về ngập lụt sâu và lâu trên diện rộng. Nhưng hiện nay, nguy cơ ngập lụt cao hơn và nguy hiểm hơn. Bởi lẽ, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, hiện tượng thời tiết cực đoan khó dự đoán cùng với tình trạng rừng đầu nguồn suy giảm, mật độ công trình xây dựng dày đặc, hệ thống thoát nước được vận hành chưa hiệu quả và khả năng thấm rất hạn chế... Đây sẽ là thách thức lớn cho thành phố. Để bảo đảm an toàn cho nhân dân và sự phát triển bền vững của thành phố, có nhiều việc cần nhận thức đúng và hành động thống nhất ngay từ bây giờ. Theo đó, cần thay đổi cách nhìn về quy hoạch không gian phát triển theo hướng xem xét không gian theo lưu vực sông để sắp xếp, bố trí sử dụng đất, phát triển hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Có như vậy mới vận theo “dòng chảy”, không làm cản trở sự vận động của tự nhiên. Đồng thời, hạn chế tư duy lấn sông, lấp biển để phát triển không gian. Thành phố cần sắp xếp, bố trí không gian một cách hài hòa giữa tự nhiên và xã hội, chú trọng khai thác hiệu quả không gian hơn là khai thác mở rộng không gian. Hệ thống sông, hồ cần phải đầu tư nghiên cứu, tăng cường quản lý để đáp ứng các chức năng sinh thái, bảo đảm cân bằng tự nhiên và điều tiết nước, không khí, nhiệt độ...

PGS.TS. Võ Văn Minh cũng đề nghị, cần thay đổi chỉ số đo lường hiện trạng rừng từ “tỷ lệ che phủ” sang “độ đa dạng”. Bởi lẽ, độ che phủ của rừng đơn loài dù có tăng lên nhưng thảm thực vật suy giảm thì cũng không giữ được nước, không giữ được đất và hậu quả là sạt núi, lở đất và lũ cuốn theo cả bùn đất… Nếu không giữ được rừng đầu nguồn, rừng Sơn Trà, rừng Nam Hải Vân cũng như thảm thực vật ở các núi ở huyện Hòa Vang… thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro thiên tai... Thành phố đánh giá lại hệ thống thoát nước trên địa bàn. Bên cạnh các giải pháp công trình cần tăng cường công tác quản lý; truyền thông nâng cao nhận thức về thoát nước, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai cho người dân. Để góp phần giảm ngập, cần tăng cường khả năng thấm và hạn chế bê-tông hóa đến mức thấp nhất có thể, nhất là vỉa hè, bờ hồ, bờ sông, công viên, những nơi công cộng…, mà thay vào đó là những thảm cỏ, cây xanh. Đây là giải pháp không chỉ giúp thấm nước, giữ nước trong lòng đất mà còn làm sạch đất, làm sạch không khí, giúp điều hòa khí hậu... “Với mục tiêu kiến tạo đô thị sinh thái, xây dựng thành phố môi trường, thành phố cần thay đổi cách tiếp cận như đề cập trên đây để tiếp cận sự phát triển bền vững”, PGS.TS. Võ Văn Minh đề nghị.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, trong quá trình hoàn chỉnh dự thảo Đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn trong thiên tai đến năm 2030 để trình UBND thành phố phê duyệt, những vấn đề liên quan đến đợt mưa lịch sử xảy ra vào ngày 14/10 đã được phân tích, đánh giá và cập nhật, bổ sung, để xây dựng thành phố an toàn, phát triển bền vững.

Chia sẻ thêm về giải pháp căn cơ chống ngập úng trong đô thị, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho rằng, trong quá trình thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt trong thời gian đến, sẽ ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa việc bê-tông hóa nếu không thật sự cần thiết. Đồng thời, lựa chọn chu kỳ lặp lại trận mưa tính toán cao hơn trong đồ án quy hoạch cao độ nền và thoát nước mưa nhằm tăng khẩu độ cống thoát nước. Sở Xây dựng đề nghị UBND thành phố làm việc với các đơn vị trong Sân bay Đà Nẵng để nạo vét, nghiên cứu cải tạo mở rộng và xây dựng mới các hồ điều hòa và phối hợp xây dựng phương án điều tiết nước tại các hồ điều hòa để giảm áp lực cho hệ thống thoát nước của thành phố...

Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng, để bảo đảm nguồn nước cho thành phố trong mùa khô năm 2023, đơn vị đang đôn đốc các đơn vị liên quan đưa vào vận hành Nhà máy nước Hòa Liên và sớm hoàn thành thi công Dự án nâng công suất Trạm bơm phòng mặn An Trạch từ 210.000m3/ngày lên 420.000m3/ngày để đưa vào vận hành. Về lâu dài, đơn vị tham mưu UBND thành phố triển khai đầu tư các nhà máy nước mới và hạ tầng cấp nước theo quy hoạch...

Nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Vạn Thắng nhìn nhận, trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng, nguy cơ gây tác động (nhiễm mặn) tại vị trí khai thác nước thô trên sông Cẩm Lệ của Nhà máy nước Cầu Đỏ và các tác động từ thượng nguồn, thành phố cần triển khai đầu tư giải pháp trạm bơm và đường ống để thu và dẫn nước thô trên sông Thu Bồn ở xã Đại Hòa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) về Đà Nẵng. Đây là giải pháp an toàn và bền vững về nguồn nước sinh hoạt cho thành phố trong tương lai.

Vũ Thành