Hà Nội: Mục tiêu đến năm 2050 có 100% xe buýt “xanh”
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 13:31, 26/12/2022
Triển khai “Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải”, Hà Nội đang hướng tới mục tiêu đến năm 2050 sẽ có 100% xe buýt sử dụng năng lượng sạch.
Đây là chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ - TTg ngày 22/7/2022, có mục tiêu tổng quát là Phát triển hệ thống GTVT xanh, hướng tới phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Đối với Hà Nội, Chương trình đã đề ra lộ trình cụ thể: Giai đoạn 2025 - 2030, toàn bộ xe buýt được đầu tư mới, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh; thị phần của vận tải công cộng tại Hà Nội phải đạt từ 45 - 50%. Đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho rằng, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong việc chuyển đổi các loại phương tiện sang sử dụng năng lượng sạch. Lộ trình như “Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải”, có tính khả thi nếu các đơn vị khai thác vận tải công cộng được hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa.
Theo ông Nguyễn Công Nhật, Tổng Giám đốc Vinbus, nếu quy đổi lượng khí thải CO2 một cây xanh hấp thụ được trong một năm, thì việc chuyển đổi một xe buýt sang sử dụng điện tương đương với trồng 3.000 cây xanh. “Đây là con số rất giá trị. Bằng cách chuyển đổi phương tiện vận tải công cộng sang loại hình sử dụng năng lượng xanh, chúng ta sẽ góp phần rất lớn bảo vệ môi trường” - ông Nguyễn Công Nhật nói.
Thực tế cho thấy Hà Nội đang là địa phương đầu tiên của cả nước đưa tuyến xe buýt điện vào hoạt động. Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã có 130 xe buýt điện, 139 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí nén CNG), chiếm 11% cơ cấu toàn phương tiện. Tuy nhiên, trên địa bàn TP vẫn còn 89% xe buýt sử dụng nhiên liệu xăng, dầu.
Các chuyên gia đều cho rằng, không có gì phải bàn cãi khi đặt ra mục tiêu thay thế toàn bộ xe buýt tại Hà Nội bằng xe sử dụng nhiên liệu sạch, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa giúp nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ, thu hút người dân đến với loại hình vận tải công cộng này. Điều cần bàn là những việc phải làm trên lộ trình từ nay đến năm 2050.
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông cộng cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, giá thành một chiếc xe buýt điện có thể cao gấp 2 - 2,5 lần một xe buýt chạy dầu. Với giá thành đó, mọi tiêu chí về khấu hao, định mức… hoạt động đều phải tính lại, vì trên thực tế mọi cơ chế đấu thầu, trợ giá, khấu hao tài sản… hiện hành chỉ xây dựng cho xe buýt sử dụng xăng, dầu.
Tổng Giám đốc Vinbus Nguyễn Công Nhật cũng cho rằng, muốn xanh hóa cả một mạng lưới xe buýt, đòi hỏi chính sách phải phù hợp với tất cả các doanh nghiệp. Nhà nước có thể hỗ trợ bằng nhiều cách khác nhau như tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay, ưu đãi về lãi suất, thuế… Đặc biệt, việc hỗ trợ lãi vay đầu tư vào xe buýt “xanh” cần thuận lợi với không chỉ doanh nghiệp mạnh mà cả các doanh nghiệp khác cũng có thể tiếp cận.
Theo các chuyên gia, với sự xuất hiện của tàu điện, quá trình đô thị hóa nhanh và mục tiêu xanh hóa toàn bộ xe buýt, thành phố Hà Nội cần một kịch bản toàn diện, hiện đại cho xe buýt. Để đầu tư, phát triển mạng lưới xe buýt “xanh”, Hà Nội cần bốn điều kiện tiên quyết sau:
Một là phải làm lại quy hoạch xe buýt. Quy hoạch chung cho toàn bộ mạng lưới xe buýt của Hà Nội trong thời điểm này đã không còn phù hợp.
Hai là quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với xe buýt điện, xe sử dụng năng lượng sạch ngoài điện. Có được khung tiêu chuẩn mới có cơ sở để đưa ra các chính sách quản lý, điều hành xe buýt “xanh”; đặc biệt là mới đưa ra được đơn giá định mức để tính toán mức trợ giá cho loại hình hoàn toàn khác biệt với xe buýt truyền thống này.
Ba là phải có hạ tầng dành riêng, bao gồm cả các trạm sạc, cơ sở sửa chữa đối với xe buýt điện hoặc khí. Hạ tầng cung cấp năng lượng, nhiên liệu cho xe buýt xanh hiện còn rất hạn chế, suất đầu tư lớn, là thách thức không nhỏ với các đơn vị vận tải.
Bốn là sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ cũng như các địa phương trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư ban đầu cũng như các chính sách ưu đãi.
Theo phân tích của lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội thì chi phí tiết kiệm được do chuyển từ xe buýt Diesel sang xe buýt điện không thể bù đắp chi phí vận hành xe buýt điện, nhất là về chi phí đầu tư ban đầu và thay pin. Xe buýt điện chủ yếu chỉ đem lại lợi ích lớn về bảo vệ môi trường đối với Thủ đô.
Bởi vậy, muốn chuyển đổi sang xe buýt điện, TP cần có chính sách nhất quán và bố trí đủ nguồn ngân sách trợ giá, đảm bảo ổn định hằng năm cho cả mạng lưới, nhằm duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng Thủ đô.
“Chỉ khi Nhà nước tạo ra cơ chế bền vững và doanh nghiệp cảm thấy họ có thể đáp ứng được thì mới có thể phát triển, bởi với các doanh nghiệp, nguồn lực của họ là hữu hạn. Thể lực và nội lực của doanh nghiệp không thể đáp ứng được nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ. Sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, địa phương không nhất thiết phải là mãi mãi nhưng có vai trò rất quan trọng trong giai đoạn chuyển đổi ban đầu” - Tổng Giám đốc Vinbus chia sẻ suy nghĩ của mình.