Đi tìm lời giải tình trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải - Bài 1: Vì sao bị ô nhiễm nặng?
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 11:30, 28/12/2022
>> Những biện pháp bảo vệ môi trường sống
Với tổng chiều dài tuyến sông chính khoảng 232km, Bắc Hưng Hải là hệ thống kênh, đập, trạm bơm, đê điều nhằm phục vụ việc tưới tiêu và thoát ứng cho một vùng tứ giác nước được giới hạn bởi sông Hồng ở phía Tây, sông Đuống ở phía Bắc, sông Thái Bình ở phía Đông, và sông Luộc ở phía Nam và mỗi tỉnh thành Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương đều có một phần địa bàn của mình trong tứ giác này vì thế hệ thống thủy lợi này được đặt tên là Bắc Hưng Hải (BHH).
Mặc dù cuối năm 1958, hệ thống mới bắt đầu được xây dựng nhưng ngay từ trong quá trình chuẩn bị và xây dựng hệ thống này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vài lần tới công trường thăm, động viên và kiểm tra. Việc đào kênh, đắp đê chủ yếu được thực hiện bởi sức người. Hệ thống máy bơm do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa viện trợ. Sau 7 tháng kể từ ngày Thủ tướng Phạm Văn Đồng cuốc nhát đầu tiên khởi công xây dựng Cống Xuân Quan (Hà Nội), đại công trình thủy lợi điều phối tưới tiêu BHH đã hoàn thành.
Kể từ khi hệ thống thủy lợi BHH đi vào hoạt động đã giải quyết được nỗi ám ảnh của nông dân nhiều địa phương trước cảnh nhiều vùng thường xuyên phải chịu cảnh thiếu nước tưới trong khi những vùng trũng thấp lại trở thành rốn lũ. Và điều căn bản nhất là BHH đã giải quyết dứt điểm được tình trạng khó khăn trong việc điều tiết nước phục vụ sản xuất do hệ thống thủy lợi manh mún. Giá trị sản xuất nông nghiệp cũng từ đó được nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã và đang đạt được, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa khá nóng thời gian qua cùng với tình trạng gia tăng cơ học dân số nhanh chóng đã và đang tạo sức ép rất lớn lên môi trường sống tại nhiều vùng lãnh thổ Việt Nam. Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên các tuyến sông, kênh mương đã trở thành nỗi lo lớn, gây nên nhiều hệ lụy đến cuộc sống của người dân và môi trường sinh thái.
Trên các tuyến sông, kênh mương chính thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cũng không tránh khỏi tình trạng ô nhiễm và đang ngày một trở lên nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng vạn người dân các địa phương. Không chỉ vậy, sản xuất của cư dân trên hệ thống thủy lợi này cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Theo báo cáo điều tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường 2020, hệ thống thủy nông nhân tạo Bắc Hưng Hải có chức năng tưới cho 146.000 ha đất canh tác, cấp nước phục vụ hoạt động của một số khu công nghiệp tập trung trên 4.420 ha, cấp nước sinh hoạt cho 3,1 triệu người; tiêu úng ngập cho 214.932 ha; duy trì dòng chảy trên các trục sông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm cạn kiệt nguồn nước, cải thiện môi trường sinh thái.
Giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bằng sông Hồng, nhưng tình hình ô nhiễm nước, tình hình vi phạm bảo vệ công trình trong hệ thống thủy nông BHH ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận hành tưới, tiêu, cấp nước cho sản xuất, dân sinh và các ngành kinh tế. Theo kết quả quan trắc, phân tích mẫu nước sông hệ thống BHH trong các năm 2016, 2017, 2018 và 2019 cho thấy, nước hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải đã bị ô nhiễm từ nhiều năm qua, thông số ô nhiễm chủ yếu là các chỉ tiêu hóa sinh, hàm lượng chất ô nhiễm gia tăng nhất là vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm).
Vì sao ô nhiễm?
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên hệ thống Bắc Hưng Hải ngày càng nghiêm trọng là phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung; nước thải công nghiệp từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nước thải chăn nuôi, từ các làng nghề. Ngoài ra, dòng sông này còn phải tiếp nhận nguồn nước bị ô nhiễm từ các sông trong khu vực chảy vào như sông Cầu Bây thuộc thành phố Hà Nội; các nhánh sông Bần Vũ Xá, sông Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ của tỉnh Hưng Yên; kênh T2, sông Sặt và sông Cửu An của tỉnh Hải Dương… làm gia tăng tình trạng ô nhiễm.
Số liệu điều tra của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) cho thấy, tỉnh Hưng Yên là địa bàn có lưu lượng xả thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải lớn nhất với hơn 101.000m3/ngày, đêm; tiếp đến là tỉnh Hải Dương với khoảng 58.000m3/ngày, đêm. Tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 3 về lưu lượng xả thải với hơn 12.100m3/ngày, đêm. TP Hà Nội là địa phương có lưu lượng xả thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải thấp nhất với gần 8.000m3/ngày, đêm.
Ông Lương Xuân Chính - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đánh giá ô nhiễm nước trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã tăng lên hàng năm cả về phạm vi và mức độ, đặc biệt là ô nhiễm chất hữu cơ, nitrit, amoni và vi sinh vật. Toàn hệ thống có 83 kênh chính và kênh nhánh bị ô nhiễm, trong đó 40/83 kênh mương bị ô nhiễm rất nghiêm trọng và nghiêm trọng, nước kênh đen đặc, mùi hôi thối, không có sinh vật nào có thể sinh sống; 23/83 kênh, mương bị ô nhiễm ở mức trung bình có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp; 20/83 kênh, mương bị ô nhiễm nhẹ có thể tạo nguồn cấp nước sinh hoạt nhưng phải xử lý theo quy định, chủ yếu là các kênh, mương lấy được nước từ các sông ngoài.
Điều đáng nói là nước thải ô nhiễm từ các kênh trên chảy vào kênh trục Bắc Hưng Hải rồi sang các địa phương khác, gây ô nhiễm diện rộng. Toàn hệ thống có 22 huyện, thành phố với 383 xã, thị trấn, thì có tới 172 xã, thị trấn bị ảnh hưởng bởi kênh, mương ô nhiễm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng.
Vì nguồn nước không bảo đảm nên nhiều gia đình phụ thuộc vào nguồn cấp từ hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cũng không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Chị Trịnh Thị Minh Loan, một hộ dân ở xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) cho biết, gia đình có hơn 2 sào đất nông nghiệp, trước đây thường gieo cấy lúa. Nay nước sông Cầu Bây ô nhiễm, sản xuất khó khăn nên gia đình đã cho người dân bên huyện Văn Giang qua thuê để trồng cây ăn quả. “Tôi thấy họ cũng phải khoan giếng lấy nước, chứ nước sông Cầu Bây thì không thể dùng được” - chị Loan chia sẻ.
Theo Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Gia Lâm Phạm Gia Hân, do nguồn nước sông Cầu Bây bị ô nhiễm nên vào vụ Xuân hàng năm, đơn vị phải vận hành trạm bơm Vàng, tiếp nước từ sông Đuống để tạo dòng chảy pha loãng. Chất lượng nguồn nước cấp cho hàng ngàn héc ta được cải thiện nhưng cũng làm gia tăng đáng kể chi phí điện năng vận hành hệ thống công trình thủy lợi.
Chất lượng nguồn nước đáng báo động
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có tổng số 83 tuyến sông, kênh mương chính. Số liệu điều tra được thực hiện bởi Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) cho thấy, có đến 40/83 tuyến đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguồn nước đen đặc, bốc mùi hôi thối, không có sinh vật nào sống được. Đối với 43 tuyến sông, kênh mương chính còn lại thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, có 23 tuyến bị ô nhiễm ở mức độ trung bình. Với 20 tuyến bị ô nhiễm nhẹ, nguồn nước vẫn còn có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu, sản xuất.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) Nguyễn Việt Anh thông tin thêm, giai đoạn từ năm 2018 - 2021, Bộ NN&PTNT đã giao các đơn vị trực thuộc thực hiện quan trắc chất lượng nước vào mùa kiệt (từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau) trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải để phục vụ sản xuất vụ Xuân. Kết quả giám sát 10 - 12 điểm cố định, nơi có các nguồn thải lớn xả vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, cho thấy có đến 70 - 80% tổng số điểm bị ô nhiễm nặng. Các địa điểm này gồm: Cống Xuân Thuỵ (sông Cầu Bây thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội); cống Ngọc Đà (sông Kiên Thành, kênh Đồng Dù thuộc huyện Văn Lâm, Hưng Yên) và cống Bình Lâu (kênh T2 thuộc phường Thanh Bình, TP Hải Dương).
Theo đánh giá chung của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), nguồn nước trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp nước tưới cho 110.000ha đất canh tác, nước phục vụ nuôi trồng thủy sản cho 12.000ha; làm suy giảm chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt cho hơn 3 triệu người dân và các khu công nghiệp tập trung thuộc 4 tỉnh, TP gồm: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội. Đồng thời, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường sinh thái trên hệ thống lưu vực.
Một trong những nguyên nhân khiến hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hà ô nhiễm nghiêm trọng là do nước thải công nghiệp chưa an toàn. Số liệu điều tra của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) cho thấy, trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải hiện có ít nhất 20 khu công nghiệp đang hoạt động. Hà Nội có hai khu công nghiệp là Hà Nội - Đài Tư và Sài Đồng B (cùng thuộc quận Long Biên). Hầu hết các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, công suất hoạt động vẫn còn rất nhỏ so với công suất cấp nước.
Đơn cử như Khu công nghiệp Thăng Long II tại tỉnh Hưng Yên, công suất cấp nước theo thiết kế là 18.000m3/ngày đêm nhưng nhà máy xử lý nước thải chỉ có công suất 3.000m3/ngày đêm; hay Khu công nghiệp VSIP tại tỉnh Hải Dương, có nhà máy cấp nước với công suất 120.000m3/ngày đêm nhưng trạm xử lý nước thải chỉ đạt 5.500m3/ngày đêm…
Khảo sát thực tế cho thấy, tình trạng nguồn nước thải ra tại các cống xả từ khu, cụm công nghiệp tại nhiều địa phương đang bị ô nhiễm nặng. Cụ thể, tại cống xả của Cụm công nghiệp Tân Quang (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) và Khu công nghiệp Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm, Hà Nội), nguồn nước dẫn vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nhuộm một màu đen kịt, bằng mắt thường cũng cảm nhận được mức độ ô nhiễm rất nghiêm trọng.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quang Bùi Văn Thông cho biết, cụm công nghiệp Tân Quang có khoảng 80 DN đang hoạt động, mặc dù có nhà trạm xử lý nước thải nhưng nguồn nước thải đổ vào hệ thống BHH vẫn nhuốm một màu đen và bốc mùi khó chịu.
Trong khi việc kiểm soát ô nhiễm tại các khu, cụm công nghiệp vẫn là dấu hỏi lớn, thì hoạt động xả thải của các DN không phép thực sự đáng lo ngại. Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện nay trên 83 tuyến sông, kênh mương trục chính thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, có hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp chưa được cấp phép xả thải. Trong khi đó, việc quản lý, xử lý của chính quyền các địa phương chưa thực sự quyết liệt.
Nguy cơ từ hoạt động xả thải của các làng nghề cũng hết sức đáng lo ngại. Thống kê trên diện tích phục vụ của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải hiện có khoảng 100 làng nghề, với nhiều lĩnh vực có nguồn thải tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm như: Chế biến thực phẩm, dệt may, chế tác kim hoàn, mây tre đan… Nước thải của các làng nghề hầu hết đều đổ ra kênh mương, dẫn vào sông nhánh, trục chính, rồi đổ vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Cùng với những tác nhân gây ô nhiễm môi trường được đề cập ở trên, nhiều ý kiến nhà quản lý đồng tình rằng, có đến 60% nguồn xả thải gây tác động đến ô nhiễm đại thủy nông Bắc Hưng Hải đến từ các hoạt động dân sinh. Tại 4 tỉnh, thành thuộc lưu vực hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (bao gồm cả Hà Nội), nguồn nước thải này hầu như chưa được xử lý.
Theo niên giám thống kê các đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2019, dân số thuộc 4 tỉnh, thành nằm trong vùng ảnh hưởng của lưu vực hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và Hà Nội là hơn 3 triệu người. Dự báo đến năm 2030, số dân ở khu vực trên sẽ vào khoảng 3,5 triệu người. Điều này sẽ khiến lượng nước xả thải dân sinh gia tăng mạnh.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) Nguyễn Việt Anh cho rằng, ngoài yếu tố xả thải vượt quy chuẩn của các DN, nguyên nhân không thể bỏ qua khiến hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm là các khu đô thị, khu dân cư tập trung và các làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Hầu hết các làng nghề hiện chưa được cấp phép xả thải vào hệ thống thủy lợi. Nước thải từ các hoạt động dân sinh, sản xuất ngang nhiên đổ thẳng xuống sông ngòi, kênh mương, khiến tình trạng ô nhiễm đại thủy nông Bắc Hưng Hải ngày một trầm trọng hơn.
"Hệ thống sông Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có chín dòng sông, kênh (chiếm 25% tổng số sông, kênh điều tra, khảo sát trên địa bàn tỉnh Hưng Yên) bị ô nhiễm rất nghiêm trọng; 12 dòng sông, kênh ô nhiễm nghiêm trọng; 15 dòng sông, kênh ô nhiễm trung bình. Năm 2015 và 2016, khi lấy 165 mẫu nước mặt, phân tích 19 chỉ tiêu về môi trường, kết quả cho thấy 100% mẫu nước mặt có chỉ tiêu phân tích vượt quy chuẩn kỹ thuật; trong đó, có nhiều chỉ tiêu vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ vài lần đến hàng chục lần..." (Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên)