Đi tìm lời giải tình trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải - Bài 2: Biện pháp tháo gỡ
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 08:30, 29/12/2022
>> Những biện pháp bảo vệ môi trường sống
Xây dựng hệ thống quy định pháp luật về bảo vệ môi trường
Nhận thức được nguy cơ tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường đến phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã sớm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xây dựng hệ thống quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và triển khai nhiều chương trình phòng chống, xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường ngoài thực tiễn, đặc biệt là với hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Tại Công văn số 3372/VPCP-NN, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để quản lý chặt chẽ chất lượng môi trường nước tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, đảm bảo chất lượng nước đạt quy chuẩn, phòng, chống và ngăn chặn được các đối tượng, các hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường nước trái phép. Bộ Công an nghiên cứu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành địa phương trong quá trình theo dõi, nắm tình hình trong thời gian tới để có đề xuất giải pháp đảm bảo phù hợp, khả thi.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương liên quan nghiên cứu Báo cáo của Bộ Công an, trong đó tập trung tăng cường, đẩy nhanh triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, các công việc, giải pháp theo thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý ngay các hành vi, hoạt động, các đối tượng, cơ sở xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, đẩy nhanh đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường trên địa bàn, đẩy nhanh công tác tuyên truyền cho doanh nghiệp, người dân tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Hà - Phó Trạm trưởng Trạm Quản lý công trình thủy lợi Xuân Quan (Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải), vào giai đoạn mùa khô (từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau), mực nước sông Hồng hạ thấp; lượng nước đưa vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải thông qua công trình đầu mối Xuân Quan rất thấp, tình trạng ô nhiễm trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải thường gia tăng. Điều này cho thấy tình trạng ô nhiễm phụ thuộc vào lượng nước cấp.
Trong khi đó hệ thủy sinh vật có tác dụng làm giảm ô nhiễm nhưng do việc duy trì bảo dưỡng, khơi thông dòng chảy trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải chưa được thực hiện thường xuyên khiến hệ thủy sinh vật phát triển mạnh, vô hình chung trở thành tác nhân gây tái ô nhiễm.
Hệ thống đại thủy nông Bắc Hưng Hải là công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 11.000 ha đất canh tác; tạo nguồn cấp nước phục vụ chăn nuôi và sinh hoạt hàng triệu người dân ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương… Từ đó, góp phần quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước và cải thiện môi trường sinh thái. Tuy nhiên, tình trạng xả thải ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi này đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, hủy hoại môi trường dòng sông và đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân.
Theo kết quả quan trắc của Viện nước Tưới tiêu và môi trường trong năm 2021, lấy mẫu tại 10 điểm trên kênh trục Bắc Hưng Hải, tất cả đều bị ô nhiễm. Trong đó nhiều vị trí cống xả ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng.
Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải Trần Thế Trường cho biết: theo thống kê, trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải hiện có hơn 1.700 điểm xả thải, với lưu lượng >=5m3/ngày đêm; trong đó có 828 điểm xả thải công nghiệp và 538 điểm xả thải dân sinh. Tuy nhiên, đây chỉ là số lượng điểm xả thải được cấp phép, còn số điểm xả thải thực tế vào các tuyến nhánh, kênh mương có thể còn lớn hơn rất nhiều."
Để ngăn chặn hoạt động xả thải bẩn ra hệ thống Bắc Hưng Hải, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã đồng loạt phối hợp với cơ quan công an thuộc 4 địa phương, thực hiện nhiều cuộc truy quét, kiểm tra xử lý hàng loạt trường hợp xả thải vi phạm.
Ngày 10/10/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ký Quyết định số 2625/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Theo đó, kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có mục tiêu kiểm soát có hiệu quả ngay tại nguồn các đối tượng có hoạt động xả nước thải, góp phần từng bước ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước, hướng tới mục tiêu đạt yêu cầu sử dụng về chất lượng và trữ lượng của nguồn nước, phục vụ có hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị có liên quan trong bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng và quản lý nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư đẩy nhanh việc cải tạo, phục hồi hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Kế hoạch đã xác định 6 nhiệm vụ triển khai từ quý IV/2022 đến năm 2025 gồm:
(1) Tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá nguồn thải nước thải và hiện trạng môi trường nước mặt;
(2) Tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có hoạt động xả nước thải vào hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải;
(3) Quan trắc, đánh giá diễn biến chất lượng nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải;
(4) Xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt hệ thống Bắc Hưng Hải và cơ chế chính sách cải tạo, phục hồi nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải;
(5) Đầu tư hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường như: công trình thu gom, xử lý nước thải; trạm quan trắc nước thải liên tục tự động, nạo vét, khơi thông dòng chảy;
(6) Tổ chức cuộc họp về tổ chức thực hiện, đánh giá định kỳ kết quả thực hiện Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Tại Kế hoạch này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Môi trường ( nay là Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường) là đầu mối tổng hợp chung, có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện; định kỳ tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng kết quả, những khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình triển khai. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan và các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ 1, 2, 3 và 6 của Kế hoạch.
Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan và các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động xây dựng thuyết minh đề cương, dự toán kinh phí phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình Bộ phê duyệt. Tổ chức thực hiện Nhiệm vụ 4 của Kế hoạch. Định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất gửi báo cáo kết quả thực hiện theo tiến độ, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và các đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ về Tổng cục Môi trường để tổng hợp chung.
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, phân công, giao các đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung tại các nhiệm vụ của Kế hoạch, đảm bảo chất lượng, tiến độ. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho các tổ chức, cá nhân nhằm tăng cường tính tự giác, chủ động thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận định: “Việc hệ thống thủy lợi ô nhiễm ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Bởi môi trường là tiêu chí quan trọng trong tiêu chí đánh giá các xã về đích nông thôn mới”.
Cũng vì mục tiêu xây dựng nông thôn mới nên khi đề cập đến việc xử lý dứt điểm ô nhiễm ở sông Cầu Bây, đại diện UBND quận Long Biên cho biết đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải sinh hoạt An Lạc (phường Cự Khối) và Phúc Đồng trên địa bàn. Trong năm 2022, quận tiếp tục rà soát các họng xả nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn để đánh giá mức độ ô nhiễm... đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra việc xả thải đối với một số cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, thực hiện Luật Thủy lợi, Sở NN&PTNT không tiếp nhận hồ sơ đối với các tổ chức, cá nhân xả nước thải vào công trình thủy lợi liên tỉnh (hệ thống Bắc Hưng Hải) trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã có văn bản gửi Sở TN-MT đề nghị phối hợp, cung cấp thông tin về cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, kể cả công trình thủy lợi liên tỉnh Bắc Hưng Hải, từ đó có biện pháp quản lý, kiểm tra phù hợp.
Ông Trịnh Thế Trường, Chủ tịch Cty TNHH MTV Bắc Hưng Hải thừa nhận việc ô nhiễm trầm trọng tại kênh Bắc Hưng Hải và cho rằng: Các tổ chức, cá nhân xả nước thải chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật vào hệ thống công trình thủy lợi diễn ra phổ biến dẫn đến ô nhiễm nước trong hệ thống ngày càng trầm trọng, nhất là vào mùa cạn. Tuy nhiên, không thể cấm các địa phương xả nước chưa đủ tiêu chuẩn qua kênh cấp 1 mà cần phải sớm thống kê các nguồn xả thải để có hướng xử lý phù hợp.
Liên quan về điều hòa phân phối nguồn nước, dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi đã quy định hàng năm, Bộ TN&MT chỉ đạo cơ quan chuyên môn công bố kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông, trên cơ sở kịch bản nguồn nước, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương theo thẩm quyền chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng nước. Ngoài ra, dự thảo quy định bổ sung khi lưu vực sông dự báo xảy ra hạn hán, thiếu nước, quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương xây dựng phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước để chỉ đạo lập kế hoạch khai thác, sử dụng nước cho phù hợp.
Dự kiến nội dung chính của phương án điều hòa, phân phối nguồn nước dự thảo trong Nghị định hướng dẫn gồm: Xác định lượng nước có thể khai thác trên lưu vực sông các theo kịch bản nguồn nước; nhu cầu sử dụng nước của các ngành; thứ tự ưu tiên sử dụng nước của các ngành, địa phương; thứ tự các đối tượng khai thác, sử dụng nước phải hạn chế lượng nước khai thác, sử dụng tương ứng với kịch bản nguồn nước; phương án vận hành các công trình điều tiết trên lưu vực sông để đáp ứng nhu cầu nước theo kịch bản; phương án luân phiên nguồn nước có thể khai thác theo kịch bản nguồn nước; trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương theo kịch bản nguồn nước.