Nguyên nhân nào khiến bão tuyết xuất hiện liên tục tại Mỹ?
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:30, 02/01/2023
Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới Petteri Taalas nhấn mạnh, biến đổi khí hậu không chỉ làm tăng nhiệt độ toàn cầu mà còn góp phần làm cho các hiện tượng thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn, bao gồm La Nina.
Nước Mỹ trải qua tuần lễ Giáng sinh lạnh nhất trong 40 năm, gần như tất cả các tiểu bang đều chìm trong giá rét. Cơ quan Thời tiết Quốc gia gọi đây là sự kiện ngàn năm có một.
Cơn bão mùa đông khiến hàng chục triệu người đang phải đối mặt với cái lạnh thấu xương, bão tuyết và mất điện. Tuyết dày, gió mạnh khiến tầm nhìn có lúc bằng 0, giao thông tê liệt.
Tình hình thời tiết xấu xảy ra đúng vào thời điểm hàng triệu người trên nước Mỹ chuẩn bị đáp chuyến bay về nhà đón Giáng sinh cùng gia đình, khiến sức ép đối với ngành hàng không càng lớn. Khoảng hơn 8.000 chuyến bay trong ba ngày qua đã bị hủy khiến nhiều kế hoạch gặp gỡ, sum họp dịp nghỉ lễ cuối năm bị hủy bỏ. Đến nay, đã có ít nhất 9 người thiệt mạng ở Mỹ do cơn bão mùa đông này.
Ông Joe Biden - Tổng thống Hoa Kỳ khuyến cáo: "Cơn bão, thời tiết lạnh khắc nghiệt, nơi có màu đỏ sẫm thì còn dưới âm 18 độ C, đây thực sự là một cảnh báo thời tiết rất nguy hiểm. Vì vậy, tôi khuyên mọi người hãy chú ý đến các cảnh báo của địa phương".
Theo Cơ quan thời tiết quốc gia, nguyên nhân của đợt bão tuyết là do tác động của biến đổi khí hậu khiến không khí lạnh từ Bắc cực được đẩy sâu xuống lục địa Bắc Mỹ với tốc độ nhanh chóng, khiến nền nhiệt xuống dưới mức đóng băng.
Nhà khí hậu học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), ông Michael Mann cho biết biến đổi khí hậu và các trận bão tuyết có một số mối liên hệ khá chặt chẽ. Chẳng hạn, các vùng nước như hồ hoặc đại dương ấm lên sẽ ảnh hưởng đến lượng tuyết rơi.
Tại Mỹ, hiện tượng gọi là “tuyết rơi do hiệu ứng hồ” đã xảy ra tại vùng Great Lakes ở khu vực giáp giới với Canada.
Thành phố Buffalo, nằm bên bờ của một trong những hồ tại vùng này, đã chịu ảnh hưởng nặng nề do trận bão tuyết cuối tuần qua, đúng vào dịp Giáng sinh.
Không khí lạnh từ phía Bắc gặp hơi nước ấm bốc lên từ các hồ này gây ra hiện tượng đối lưu, dẫn đến tuyết rơi dầy đặc.