Hà Nội: Nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm
Môi trường xã hội - Ngày đăng : 20:00, 03/01/2023
Mới đây, UBND Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 336/KH-UBND về công tác ATTP TP Hà Nội năm 2023. Hiện, các cơ quan chức năng, quận, huyện, thị xã của TP đang vào cuộc đồng bộ với quyết tâm cao đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ATTP đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
Liên quan đến vấn đề này, TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, Sở Y tế là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP của TP nên có trách nhiệm tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo hoạch định những vấn đề có tính chiến lược để chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác quản lý ATTP.
Để bảo đảm quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm theo quy định, Sở đã giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội quản lý, thu hồi giấy chứng nhận đối với cơ sở không đủ điều kiện ATTP.
Đồng thời, đơn vị tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra để xử lý nghiêm cơ sở vi phạm; kiểm soát chặt chẽ, giám sát chất lượng các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường. Ngoài ra, xây dựng và thực hiện tốt chương trình, dự án, đề án, mô hình điểm ATTP, khống chế ngộ độc thực phẩm, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm.
Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu, chỉ tiêu, 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành y tế quản lý trên địa bàn quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn được kiểm tra, giám sát định kỳ, trong đó 84,4% tỷ lệ cơ sở đạt điều kiện ATTP. 100% vụ ngộ độc thực phẩm báo cáo được điều tra, xử lý kịp thời. Khống chế tỷ lệ ngộ độc thực phẩm cấp tính dưới 7 ca/trên 100.000 dân. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, giám sát hậu kiểm, xét nghiệm và lấy mẫu kiểm nghiệm ATTP.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm tra chất lượng, ATTP đối với thực phẩm lưu thông nhiều trong dịp Tết, sản phẩm rượu, nhất là các loại rượu được sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc. Kết quả kiểm nghiệm sẽ được thông báo rộng rãi để người tiêu dùng biết, tránh sử dụng những sản phẩm không bảo đảm an toàn.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, năm 2022, Hà Nội ghi nhận không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra trên địa bàn, xảy ra 5 trường hợp ngộ độc methanol; 5 trường hợp sự cố về ATTP (phản ứng với phụ gia thực phẩm), đã được điều tra và xử lý kịp thời.
Trong khi đó, theo Bộ Y tế, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, trong đó 18 người tử vong. Vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao cũng là lúc gia tăng nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Chính vì vậy, người tiêu dùng cần cẩn trọng hơn khi chọn mua, bảo quản, tiêu thụ thực phẩm để bảo đảm an toàn cho sức khỏe và phòng, chống ngộ độc.