Bình Định: Người dân đổ xô trồng keo trên đất nông nghiệp
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 01:53, 17/03/2017
(Moitruong.net.vn) – Tại các thôn Thạch Long 1, Thạch Long 2, Trí Tường và Lộc Giang, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, có nhiều đám keo trồng tự phát trên đất trồng mía, mì, đậu phộng gây ảnh hưởng đến các diện tích đất lúa nằm bên cạnh.
Ở thôn Thạch Long 2, xã Ân Tường Đông (Hoài Ân), việc trồng cây keo nằm xen kẽ với đất trồng lúa đã làm giảm năng suất lúa
Khi được hỏi đa số bà con trồng lúa, cho rằng: Việc trồng keo trên đất màu, gần đất canh tác lúa khiến năng suất của những đám lúa cạnh bên bị giảm năng suất.
Thông tin trên báo Bình Định, Ông Trần Hữu Lợi, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Đông, thừa nhận: “Những năm gần đây, trồng cây nông sản ngắn ngày không có lợi, thậm chí có vụ còn lỗ vốn trong khi trồng keo lai cho thu nhập khá, nên nhiều hộ tự ý trồng keo trên đất nông nghiệp. Hiện, toàn xã có hơn 10 ha keo trồng trên đất nông nghiệp. Việc này không những làm sai mục đích sử dụng đất, vi phạm Luật Đất đai mà còn có nguy cơ phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, gây nhiều tác động tiêu cực về sau”.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho biết: “Những năm gần đây, cây mì, cây mía bị thất sủng do giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định; ngược lại, cây nguyên liệu giấy như keo, bạch đàn có giá, thấp nhất cũng được hơn 1 triệu đồng/tấn, nên nhiều gia đình đổ xô trồng keo. UBND huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn vận động, nhắc nhở, nhưng vì lợi ích trước mắt người dân vẫn làm. Tuy chưa thống kê chính xác diện tích đất nông nghiệp đã bị sử dụng trái mục đích, nhưng hầu hết các xã, thị trấn đều trồng với tổng diện tích khá lớn.
Cần phải xử lý cương quyết
Ông Nguyễn Văn Hòa, UBND tỉnh đã quy hoạch đất trồng lúa và quy hoạch cho sản xuất cây lâm nghiệp cho biết: Do đó, việc người dân đưa cây keo trồng trên đất quy hoạch cho sản xuất lúa, hoa màu sẽ dẫn đến những hệ lụy về sau. Để xảy ra tình trạng này trách nhiệm thuộc về các địa phương. Về hướng xử lý, ông Hòa nói: “Đối với diện tích trồng lúa đã được quy hoạch nhưng không đảm bảo nước tưới, huyện yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng cạn phù hợp như mía, mì, đậu… hoặc chuyển đổi mô hình trồng cỏ để phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập cho hộ gia đình. Dứt khoát không được trồng keo”.
“Phòng TN – MT huyện đang đôn đốc UBND các xã, thị trấn sớm kiểm tra, lập danh sách để có cơ sở tổng hợp, báo cáo UBND huyện xem xét, xử lý. Phòng yêu cầu địa phương vận động người dân phá bỏ cây keo đã trồng trên đất nông nghiệp, sử dụng đất đúng quy hoạch. Việc ngăn chặn, xử lý sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng cần phải kiên quyết làm để tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch sử dụng đất”, ông Nguyễn Văn Rô, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Hoài Ân, nêu quan điểm.
Nguyễn Phương