Quảng Trị: Khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ rừng phòng hộ
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 08:19, 14/03/2017
(Moitruong.net.vn) – Hiện nay nhiều diện tích rừng phòng hộ tự nhiên nằm trên địa bàn hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đa Krông (Quảng Trị) đang bị các đối tượng ngang nhiên chặt phá. Dù đã được ngăn chặn nhưng việc khai thác gỗ trái phép, chặt phá rừng phòng hộ vẫn liên tục xảy ra, gây khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn.
Theo thông tin trên báo Nhân dân, hàng loạt cây gỗ lớn bị đốn hạ, bìa gỗ, nhánh cây nằm ngổn ngang giữa rừng, dấu vết lâm tặc vận chuyển gỗ vẫn còn rất mới. Khu vực rừng phòng hộ rộng hàng trăm héc-ta kéo dài từ Km 32 đến Km 52, quốc lộ 9, nằm trên địa bàn hai huyện miền núi Đa Krông và Hướng Hóa, là nơi bị lâm tặc khai thác gỗ nhiều nhất. Nhiều thân cây có đường kính từ 40 đến 60 cm bị cưa đổ.
Các đối tượng phá rừng đốn hạ cây, cưa thành từng đoạn rồi vận chuyển về các thôn, bản lân cận cất giấu. Tuyến đường xuyên rừng do Công ty cổ phần Năng lượng Quảng Trị mở ra để vận chuyển trang thiết bị phục vụ thi công dự án thủy điện Khe Nghi đã bị các đối tượng lợi dụng để vào chặt phá rừng phòng hộ.
Ngang nhiên chặt phá rừng phòng hộ
Một số công nhân Nhà máy thủy điện Khe Nghi cho biết, vẫn thường xuyên bắt gặp người dân chở gỗ trên đường, nhưng không đi qua cổng của đơn vị mà đi bằng đường mòn, lối tắt. Cạnh những cánh rừng phòng hộ là nương rẫy của người dân, cho nên không xác định được đâu là gỗ rừng khai thác trái phép, đâu là gỗ ở nương rẫy… Vào sâu trong rừng,phát hiện thêm hàng loạt cây gỗ lớn cũng bị đốn hạ. Nhiều gốc cây dấu cắt còn khá mới, một số thân cây được các đối tượng xẻ thành phách và vận chuyển đi cách đây chưa lâu. Thậm chí, có những cây gỗ vừa bị đốn hạ cách đây chỉ một giờ chưa kịp vận chuyển.
Chia sẻ trên báo Nhân dân, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đa Krông Trần Văn Tý cho biết: Đơn vị phát hiện việc chặt phá rừng từ năm 2016 và đã có văn bản báo cáo cũng như đề nghị các đơn vị trên địa bàn phối hợp truy quét, ngăn chặn. Khi các lực lượng đến kiểm tra thì tình trạng phá rừng tạm dừng lại, nhưng khi lực lượng rời địa bàn thì các đối tượng trở lại chặt phá. Gỗ sau khi khai thác được chất lên xe máy để vận chuyển ra khỏi rừng. Khu vực rừng nơi đây rộng nhưng chỉ có hai cán bộ bảo vệ rừng, lại không có công cụ hỗ trợ trong tay cho nên gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ…
Theo quy định, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đa Krông có hơn 30 biên chế, nhưng hiện chỉ có được một nửa số người. Riêng ở huyện Đa Krông, đơn vị được giao quản lý 12 nghìn ha rừng, nhưng chỉ có năm cán bộ bảo vệ rừng… “Sau khi đường vào Nhà máy thủy điện Khe Nghi được mở cắt qua rừng phòng hộ, người dân địa phương đã vào rừng, dùng máy cưa khai thác gỗ trái phép. Mặc dù chúng tôi đã đóng lán ở lại rừng để tuyên truyền, vận động, ngăn chặn nhưng các đối tượng phá rừng không chấp hành và còn thách thức, ngang nhiên chặt cây”, Giám đốc Trần Văn Tý ngán ngẩm nói.
Cần giải pháp đồng bộ
Đầu tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các ngành liên quan (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đa Krông, Hạt Kiểm lâm huyện Đa Krông và lãnh đạo các địa phương) tiến hành kiểm tra các khu rừng bị chặt phá ở huyện Hướng Hóa và Đa Krông để triển khai các biện pháp ngăn chặn. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, tại khu vực thi công tuyến đường Khe Van – Hướng Linh (thuộc tiểu khu 664) nhiều khu vực rừng bị chặt phá. Cụ thể, 65 cây rừng (có những cây đường kính rộng 65 cm) bị đốn hạ; khu vực thủy điện Khe Nghi có 78 cây bị đốn hạ. Đây là các khu vực rừng gần các tuyến đường giao thông đang thi công được lâm tặc sử dụng đưa máy cưa vào khai thác, vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.
Sau khi kiểm tra hiện trường, đoàn liên ngành đã tổ chức cuộc họp để làm rõ trách nhiệm của các ngành liên quan trong việc để rừng phòng hộ bị chặt phá trong một thời gian dài. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, việc mở những tuyến đường mới đã tạo điều kiện cho các đối tượng vào rừng khai thác gỗ, vì vậy các ban, ngành và địa phương phải có biện pháp cứng rắn và quyết liệt hơn để bảo vệ rừng. Tình trạng chặt phá rừng nêu trên không có sự móc nối, cấu kết giữa lâm tặc và đơn vị thi công tuyến đường. Tuy nhiên, việc phá rừng phòng hộ như đã xảy ra là nghiêm trọng, cần có giải pháp chấm dứt kịp thời. Giám đốc Võ Văn Hưng yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đa Krông tiếp tục nắm bắt, đo đếm, đánh giá lại số lượng cây bị chặt phá, diện tích rừng bị xâm hại. Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường lực lượng chốt chặn, kiểm tra, bảo vệ rừng; nếu để xảy ra tình trạng gỗ bị khai thác trái phép, vận chuyển ra khỏi rừng thì kiểm lâm địa bàn phải chịu trách nhiệm. Ngoài kiểm lâm địa bàn, cần cử một tổ kiểm lâm cơ động lên rừng phòng hộ phối hợp để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng tiếp diễn. Bên cạnh đó, phải có biện pháp xử lý nghiêm, không bao che đối với các đối tượng xâm hại đến rừng; tiếp tục tuyên truyền vận động người dân về công tác bảo vệ rừng…
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị Khổng Trung cho biết: Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đa Krông thường xuyên kiểm tra, tuy nhiên do địa bàn rộng, lực lượng mỏng cho nên tình trạng chặt phá rừng vẫn xảy ra. Chi cục đề nghị tỉnh tiếp tục cấp kinh phí để thực hiện giao khoán rừng cho người dân bảo vệ, hưởng lợi. “Việc giao đất, giao rừng cho người dân quản lý là một chủ trương đúng nhằm nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên. Về lâu dài, phải tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương”, Chi cục trưởng Khổng Trung nhấn mạnh.
Để tình trạng phá rừng phòng hộ không tiếp tục tái diễn, thời gian tới, tỉnh Quảng Trị cần chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ và có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng nêu trên, cũng như các khu vực khác trên địa bàn. Trong đó, lực lượng kiểm lâm phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ và chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, truy quét kịp thời ngăn chặn việc chặt phá rừng hoặc cấu kết, móc nối để phá hủy tài nguyên rừng. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân trong việc giữ gìn và khai thác hiệu quả tài nguyên rừng, vận động người dân cùng tham gia bảo vệ rừng. Có như vậy mới có thể chấm dứt triệt để tình trạng khai thác rừng trái phép đang diễn ra trên địa bàn.
An Nhiên (T/h)