Cần có tầm nhìn quy hoạch về đảm bảo nguồn nước, công trình thủy lợi, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 15:51, 08/01/2023

Đóng góp ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, về khai thác nguồn nước, hệ sinh thái rừng, tác động của biến đổi khí hậu, đại biểu Khang Thị Mào đưa ra 3 ý kiến.
khang-thi-mao.jpg
Đại biểu Quốc hội Khang Thị Mào đưa ra 3 ý kiến về đảm bảo nguồn nước, công trình thủy lợi, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất.

Đóng góp ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng về khai thác nguồn nước, hệ sinh thái rừng không hiệu quả, tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.

Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu Khang Thị Mào cho rằng, cần phải đảm bảo an toàn hồ đập, an ninh nguồn nước. Theo đó, cần có tầm nhìn quy hoạch về đảm bảo nguồn nước, công trình thủy lợi; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên nước. Bên cạnh đó, cần sớm quy hoạch ngành quốc gia, kiểm soát nguồn nước, đê điều, cung cấp nguồn nước sạch...

Từ những thực tế trên, đại biểu Khang Thị Mào nêu một số ý kiến:

Thứ nhất, sớm hoàn thiện lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến tài nguyên nước theo Kết luận số 36 ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị.

Thứ hai, thực hiện có kế hoạch đầu tư dài hạn của ngân sách nhà nước đối với công tác bảo vệ, kiểm soát nguồn nước, hệ thống đê điều, hệ thống thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sạch, trong đó ưu tiên nhiệm vụ cấp bách trữ nước, chuyển nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu. Trước tiên, bố trí đủ nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp một số hồ, đập hư hỏng nặng, bảo đảm an toàn hồ, đập. Các nguồn nước mưa, lũ bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước cần thực hiện cơ chế thị trường đối với giá dịch vụ nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm, từng bước tính đủ theo quy định của Luật Thủy lợi về giá nước phục vụ sản xuất và đời sống, có lộ trình hỗ trợ hợp lý cho nông dân, cho hộ nghèo, hộ yếu thế theo xu thế giảm dần sự bao cấp của Nhà nước.

Thứ ba, tăng cường công tác bảo vệ và nâng cấp chất lượng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn, sớm nghiên cứu nâng cấp mức hỗ trợ vẫn bảo vệ rừng phù hợp với chất lượng từng loại rừng thông qua việc đa dạng hóa và mở rộng các nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng phù hợp với quy hoạch, quy định của pháp luật để khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng, nhất là tại các địa phương miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên và là nơi có tỷ lệ che phủ rừng cao.

Cần giải pháp cụ thể để sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: cho rằng cần bổ sung quan điểm tổ chức không gian phát triển liên quan đến tài nguyên và khoáng sản. Dự thảo nghị quyết nêu quan điểm phải sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và khoáng sản.

Về vấn đề này, Nghị quyết 39 năm 2019 và Nghị quyết số 10 năm 2022 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả, việc chế biến, sử dụng khoáng sản còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết. Do đó, trong thời gian tới cần có giải pháp cụ thể để khai thác, sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính....

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung về đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường trong mục tiêu phát triển đến năm 2030. Theo đó, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân trong mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để đạt được những mục tiêu này cần xây dựng các chỉ tiêu định lượng về đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường trong Quy hoạch tổng thể quốc gia làm căn cứ để xây dựng quy hoạch, kế hoạch triển khai trong thực tiễn. Nghị quyết 29 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định một số chỉ tiêu cụ thể trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường đến năm 203. Do đó, đại biểu đề nghị cần thể chế hóa các chỉ tiêu nói trên vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng cho rằng phải bổ sung dự án biến đổi khí hậu trong danh mục các dự án quan trọng của quốc gia tại phụ lục kèm theo Quyết định. Kết quả giám sát về biến đổi khí hậu của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy việc xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính là hết sức cần thiết. Cử tri cũng đề nghị cần tiếp tục tăng cường hiệu quả đầu tư các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là dự án có tính liên vùng, đa mục tiêu và tránh dàn trải. Tuy nhiên, trong danh mục dự án quan trọng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 kèm theo dự thảo Nghị quyết chưa đề cập đến các dự án quan trọng như dự án phát triển rừng ven biển, rừng đầu nguồn, dự án đập ngăn mặn, xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính,… Do đó, đề nghị Chính phủ bổ sung những dự án này vào phụ lục danh mục các dự án quan trọng của quốc gia.

ng-tam-hung.jpg
Ông Nguyễn Tâm Hùng- Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra quan điểm: Cần nghiên cứu rõ vấn đề tài nguyên, khoa học công nghệ để đảm bảo sự phát triển của đất nước.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho biết các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch tại Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mang tính định hướng về một số giải pháp là chủ yếu.

Vấn đề đất đai, tài nguyên, nhất là tài nguyên không tái tạo, khoa học công nghệ và nguồn lực cần được nghiên cứu rõ, cụ thể để bảo đảm sự phát triển lâu dài của đất nước. Do đó, đề nghị Chính phủ cần có chính sách cụ thể để cụ thể hóa các vấn đề này khi được Quốc hội thông qua.

Mặt khác, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Chính phủ cân nhắc, xem xét bổ sung đánh giá thực trạng phân bố không gian sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ của quốc gia để bảo đảm tính hợp lý, phù hợp với tiềm năng, lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương để trong thời kỳ quy hoạch có phương án điều chỉnh hợp lý. Đặc biệt là phân bố các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, các vùng sản xuất tập trung cần bổ sung đánh giá việc thành lập các vùng kinh tế trọng điểm, các hành lang kinh tế hợp lý, phát huy được sức mạnh của các vùng, các hành lang kinh tế trong quy hoạch...

Cùng với phân bố không gian sản xuất, quy hoạch, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng cần đánh giá sự phù hợp trong việc phát triển, phân bố đô thị, dân cư; đánh giá tình hình chuyển dịch cơ cấu dân cư, lao động giữa các vùng, những vấn đề xã hội phức tạp phải quan tâm giải quyết. Đồng thời bổ sung đánh giá thực trạng phát triển kết cấu hạ tầng, sự hợp lý của phân bố cơ sở hạ tầng giữa các vùng, địa phương trong các quy hoạch trước đây. Phân tích, làm rõ thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng trong giai đoạn vừa qua phù hợp với tình hình phát triển của vùng kinh tế, phân bố dân cư.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết nêu rõ Việt Nam sẽ phát triển các hành lang kinh tế Bắc Nam gắn với cao tốc Bắc Nam và Quốc lộ 1a, hành lang kinh tế Đông Tây và hình thành các vùng động lực ưu tiên của quốc gia. Theo đó, tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đạt 50% vào năm 2030 và từ 70 đến 75 % năm 2050. Như vậy, quy mô của hệ thống đô thị tất yếu sẽ tăng, hệ thống đô thị sẽ hình thành mạng lưới liên kết hệ thống chặt chẽ, do đó hạ tầng phải phát triển trước một bước làm cơ sở cho phát triển đô thị.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm có định hướng về xu thế phát triển và dịch chuyển không gian lớn cấp quốc gia của hệ thống đô thị. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất theo khu vực, chức năng, căn cứ pháp lý quy hoạch của các ngành, lĩnh vực liên quan về đất đai để từ đó đưa ra chỉ tiêu sử dụng đất theo khu vực, chức năng; bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất khu du lịch.

Ánh Dương