Tây Ninh: Hàng trăm cây rừng bị khoan lỗ “hạ độc”
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 02:00, 10/03/2017
(Moitruong.net.vn) Từ đầu tháng 3/2017 đến nay, lực lượng bảo vệ rừng, thuộc khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã phát hiện 124 cây rừng tự nhiên bị kẻ xấu đầu độc.
Theo ông Mang Văn Thới, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh chia sẻ với báo chí, hiện đơn vị đang phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng củng cố hồ sơ để đưa ra khởi tố điều tra vụ “bức tử” hàng trăm cây rừng tự nhiên bằng chất độc, vừa được phát hiện tại khu rừng này.
“Với thủ đoạn tinh vi này, sau thời gian 15 ngày, cây rừng cho dù to lớn cỡ nào, thì cũng khô, héo lá chết dần, không thể nào cứu chữa được” – ông Thới cho biết.
Cây rừng tại tiểu khu 43 bị vạt vỏ, khoan lỗ, đổ thuốc độc. Ảnh: TTXVN
Khurừng phòng hộ Dầu Tiếng(huyện giới Tân Châu, Tây Ninh) có tổng diện tích cần bảo vệ là 18.885 ha, trong đó có 12.852 ha rừng tự nhiên, trên 6.032 ha là rừng trồng. Do có đặc điểm địa hình phức tạp, diện tích rộng lớn, nằm trên nhiều làng, xã ven khu vực biên giới; xen kẽ với khu rừng còn tồn tại nhiều rẫy mì (sắn), cao su, cây ăn quả, chòi nhà dân ở tạm…lấn chiếm đất rừng chưa được giải quyết dứt điểm; trong khi lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng, nên tại đây thường xuyên xảy ra tình trạng lén lút chặt cành, khoanh gốc cây, đốt cháy rừng, nay còn thêm thủ đoạn “bức tử” cây rừng bằng thuốc hóa học một cách tinh vi, để lấn chiếm đất rừng làm rẫy.
Trước đó vào năm 2016 ở Lâm Đồng cũng xảy ra vụ cây rừng bị đầu độc
Cụ thể vào chiều ngày 11/10, cả cánh rừng thông hơn 50 năm tuổi, rộng hàng chục héc ta bị xâm hại nghiêm trọng. Tại các khoảnh 2, 3 (do Công ty nhựa Khang Thịnh quản lý) và 4, 5, 6 (do Công ty Hà Phong quản lý) đang có nhiều vạt rừng, với hàng trăm cây thông trên 50 năm tuổi đang chết đứng vì bị ken gốc, đốt gốc, khoan lỗ đổ hóa chất.
Ông Nguyễn Đình Gắn, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban lâm nghiệp xã Lộc Ngãi, cho biết tình trạng ken đổ hóa chất để lấn rừng lấy đất sản xuất tại khu vực nói trên diễn ra âm ỉ từ nhiều năm qua và từ đầu tháng 9.2016 đến nay, khu vực này lại trở thành “điểm nóng” phá rừng.
Phạm Huyền (t/h)