Vĩnh Phúc: Cần siết chặt quản lý việc lợi dụng dự án để khai thác đất trái phép.

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 23:36, 03/03/2017

(Moitruong.net.vn) –Những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xuất hiện nhiều dự án nuôi trồng thủy sản nhằm phát triển kinh tế địa phương. Nhưng trên thực tế hiệu quả mang lại từ các dự án này chẳng thấy đâu, chỉ có điều dễ nhận thấy nhất đó là tài nguyên đất đai từ các dự án này ngang nhiên được chở vào các nhà máy, công ty để sản xuất gạch.

Vĩnh Phúc xuất nhiện nhiều điểm khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng núp bóng dự án nuôi trồng thủy sảm

Qua tìm hiểu của PV Moitruong.net.vn trên địa bàn các huyện Yên Lạc như xã Hồng Phương, Yên Phương, Đồng Cương, Bình Định…huyện Tam Dương có Hoàng Đan, Hoàng Lâu… huyện Lập Thạch có xã Tử Du, Bàn Giản…huyện Vĩnh Tường, huyện Tam Đảo đều xuất hiện các dự án nuôi trồng thủy sản.

Khi chúng tôi đến thực địa hỏi chủ dự án nuôi trồng thủy sản đều cho biết chúng tôi đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt cho cải tạo nạo vét để đảm bảo nguồn nước nuôi trồng thủy sản. Các dự án thông thường phê duyệt độ sâu từ 1,5 đến 2,5m. Tuy nhiên khi đến thực địa tại các dự án không chỗ nào làm đúng quy đinh. Thường họ sẽ đào sâu gấp 2 hoặc gấp 3 lần.

Thấy những điều bất thường như vậy, chúng tôi hỏi một vị chủ dự án tên Nguyễn Văn T được ông cho biết: Khi mới hình thành dự án thôi, đã có người vào đây hỏi mua tận nơi rồi. Họ mua về bán cho các nhà máy gạch Tuyel. Chẳng biết lời lãi thế nào, nhưng các ông ý nhanh lắm. Nhiều ông đến cùng một lúc nên phải thương lượng mãi mới nhường nhau đấy.

Khi chúng tôi hỏi, dự án của ông T có giấy phép tận thu nguồn đất thừa đó không? Thì ông T cho biết: Có đâu, việc tôi có dự án thì tôi nạo vét, việc vận chuyển thì mấy người vào mua đó tự lo. Họ quan hệ rộng lắm nên không sao!?

Thiết nghĩ, Ngày 29/11/2016, chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; trong đó đáng chú ý là quy định về điều kiện để hộ kinh doanh được khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác tận thu khoáng sản.

Cụ thể, phải có báo cáo kinh tế kỹ thuật khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò và phê duyệt trữ lượng phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản của tỉnh, thành phố nơi có khoáng sản; có kế hoạch bảo vệ môi trường kèm theo văn bản phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền theo quy định; quy mô công suất khai thác không quá 3.000 m3 sản phẩm là khoáng sản nguyên khai/năm.

Ngoài ra, để được thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, hộ kinh doanh phải đáp ứng một số điều kiện như: Được UBND cấp tỉnh lựa chọn theo quy định; Có hợp đồng với tổ chức có đủ điều kiện hành nghề thăm dò khoáng sản; Có đề án thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định và phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có khoáng sản; Diện tích khu vực đề nghị thăm dò không quá 01 ha.Cũng theo Nghị định này, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với vật liệu xây dựng (cát, sỏi, sạn) là 5%; 3% với than bùn và các loại vật liệu xây dựng thông thường còn lại, cát trắng, sét chịu lửa, đá vôi nguyên liệu xi măng; mức thu với khoáng sản vật liệu xây dựng còn lại, nhóm khoáng kim loại, nhóm khoáng sản nhiên liệu (than các loại, trừ than bùn), nhóm khoáng sản đá quý, đá bán quý là 2%… Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/01/2017.

Trên thực tế, việc khai thác khoáng sản trên địa bàn thời gian gần đây đã có nhiều biểu hiện thiếu sót trong các khâu khai thác. Mà còn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vùng có dự án.

Vậy ai đã “tiếp tay” cho các đơn vị khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường một cách ngang nhiên như vậy? Moitruong.net.vn xin giành lại câu trả lời cho UBND tỉnh vĩnh phúc, cùng các cơ quan chức năng liên quan.

Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục phản ánh nội dung trên và các điểm mỏ lấy đất san lấp các công trình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có đúng quy định.

Việt An