Văn khấn lễ tạ mộ: Phong tục về tưởng nhớ tổ tiên trong ngày Tết

Môi trường xã hội - Ngày đăng : 09:00, 20/01/2023

Phong tục tạ mộ (tảo mộ) là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt mỗi dịp Tết đến. Đây được coi là nghi thức quan trọng và thiêng liêng, thể hiện lòng hiếu kính của con cháu với tổ tiên, dòng họ.

Vào những ngày cuối năm, thường từ sau ngày 23 tháng Chạp âm lịch tới 30 Tết, có một nghi lễ mà các gia đình Việt không thể bỏ qua, đó là tục tạ mộ hay nhiều nơi gọi là rước ông bà về ăn Tết. Đây được coi là nghi thức quan trọng và thiêng liêng, thể hiện lòng hiếu kính của con cháu với tổ tiên, dòng họ, giáo dục con cháu về lòng hiếu thuận, sự biết ơn với các bậc tiền nhân.

le-ta-mo.jpg
Lễ tạ mộ là một trong những phong tục tập quán của người Việt Nam.

Người xưa có câu - "Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn", trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, cha ông dù đã mất đi nhưng vẫn luôn ở trong tâm trí của con cháu đời sau. Tục thờ cúng tổ tiên chính là biểu hiện của sự thành kính của người Việt với cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ, với đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, tục tạ mộ được truyền từ đời này sang đời khác như một dịp thiêng liêng để gia đình, con cháu hội tụ, sum vầy để dọn dẹp nơi an nghỉ của những người đã khuất trong dòng họ, giãi bày tâm tư tình cảm, chia sẻ niềm vui, nỗi lo, mong mỏi của mình với những người đã khuất.

"Dân ta có tục đi tảo mộ trước Tết. Thanh minh cũng có nhưng trước Tết cũng có và đa phần là đi trước Tết. Đi trước Tết để thăm viếng mộ phần của người đã khuất trong cả một năm. Thứ hai là có nén nhang nói lời mời tổ tiên về ăn Tết. Nhưng giờ do COVID-19 hay hoàn cảnh đặc biệt nào đó mà con cháu không về được, song vẫn nhớ đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhớ công lao dưỡng dục, dòng giống tổ tiên nên thực hiện một lễ khấn bái từ xa nhưng cũng là thể hiện tình cảm tốt đẹp", TS Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết.

Theo thời gian, tục lệ đã được các gia đình gìn giữ và thực hiện phù hợp hơn với đời sống thực tế như tích cực giữ gìn vệ sinh, làm đẹp cảnh quang nghĩa trang, hạn chế đốt vàng mã.

Văn cúng tạ mộ Tết - Lễ Chạp

Đối với con cháu ở xa, không có điều kiện về quê, ra mộ phần có thể làm lễ rước gia tiên tại nhà, bày lễ vật, hương hoa, thắp hương khấn vái vào giờ ngọ ( từ 11 - 3 giờ chiều) ngày 30 Tết, vái lạy mời tổ tiên về ăn Tết với gia đình.

"Nam mô a di đà phật (3 lần và lạy 3 lần)

– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

– Con kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế Chí đức Tôn thần, Kim niên hành binh, Công tào Phán quan.

– Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương.

– Con kính lạy Ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa Tôn thần.

– Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ Long Mạch Tôn thần, các ngài Tiền Chu tước, Hậu Huyền vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ cùng liệt vị Tôn Thần cai quản trong xứ này.

– Con kính lạy hương linh:…………………..

Hôm nay là ngày …… tháng Chạp, năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến.

Tín chủ (chúng) con là: …..Ngụ tại: …..

Chúng con sắm sanh phẩm vật, hương hoa nước quả,kim ngân bạc vàng, trình cáo Tôn thần, kính rước vong linh bản gia tiên tổ chúng con là :………. có phần mộ táng tại ……………… về với gia đình đón mừng năm mới, để cho cháu con được phụng sự trong tiết xuân thiện, báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Tôn thần, Phủ thùy doãn hứa.

Âm dương cách trở,

Chén nước nén hương,

Thành tâm kính lễ,

Cúi xin chứng giám,

Phù hộ độ trì,

Nam mô a di đà phật 3 lần và lạy 3 lần."

Sau khi thắp hương, bái lạy, người trong gia đình đốt vàng mã, thắp thêm vài nén hương ở các mộ kế bên, là những người làm bạn với ông bà ở thế giới bên kia.

Minh Minh