Mây, tre đan Phú Vinh điểm sáng bảo vệ môi trường trong chương trình OCOP

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 15:00, 20/01/2023

Trước đây khi nhắc đến làng nghề mây, tre đan Phú Vinh thuộc xã Phú Nghĩa – Chương Mỹ – Hà Nội, ai cũng nghĩ đến ô nhiễm môi trường từ việc ngâm tre, mây đến việc sấy nguyên liệu bằng lưu huỳnh. Tuy nhiên, ngày nay Phú Vinh đang là một làng nghề truyền thống được đánh giá cao trong việc thực hiện chương trình OCOP, một chương trình trọng điểm của quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2022.

Làng nghề độc đáo cho sản phẩm OCOP

Làng nghề mây, tre đan Phú Vinh từ lâu đã nổi tiếng với hàng trăm sản phẩm mây tre đan đẹp mắt, tinh tế, mẫu mã, thể loại khác nhau. Bằng sự sáng tạo, khéo léo của mình, người dân làng nghề không chỉ làm ra những vật dụng hàng ngày như: khay, đĩa, rổ, rá,…mà còn thể hiện nét tài hoa trong những món đồ lưu niệm đẹp mắt, đòi hỏi kỹ thuật cao như: khung ảnh, đồ trang trí, tranh chân dung, hoành phi, câu đối,…và cả những sản phẩm nội thất cho những ai ưa sự độc đáo như: bàn ghế, bình hoa, đèn ngủ,… . Niềm đam mê và tình yêu với nghề được thể hiện trên từng sản phẩm của những người thợ. Chính vì vậy sản phẩm của Phú Vinh không chỉ có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây còn là địa điểm du lịch được nhiều du khách tìm đến.

Theo nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung, với tiềm năng, thế mạnh phát triển nghề mây tre giang đan, Chương Mỹ có điều kiện thuận lợi để thực hiện Chương trình OCOP. Vì vậy, các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề đã không ngừng sáng tạo mẫu mã sản phẩm OCOP từ mây tre giang để tạo ra các sản phẩm thủ công đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật. Hiện tại, sản phẩm OCOP mây tre đan Phú Vinh đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và được yêu thích, đánh giá cao. Trong đó, có nhiều sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao như: Bộ đèn đan vảy rồng, bát bộ ba, khay để hoa quả...

Để có một sản phẩm hoàn thiện, các công đoạn sản xuất mây tre đan đòi hỏi sự cẩn thận, cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu. Đối với mặt hàng này nguyên liệu chính là cây song, cây mây. Cây mây phải chọn cây có gióng đều, thông thường phải đạt độ dài năm mét, khi chẻ và đan mới dễ dàng.

may-tre-dan.jpg
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung đang giới thiệu sản phẩm với khách

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung chia sẻ: Chẻ nan mây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thợ có tay nghề cao. Tùy theo từng sản phẩm mà người thợ có cách chẻ nan riêng, sợi nan lúc thì chẻ thành từng ống tròn, lúc chẻ thành bảy hoặc chín nan mỏng. Thân cây mây là thân tròn, phía bên trong lại có lõi nên chẻ không khéo sẽ bị lạng chỗ dày, chỗ mỏng. Với cách chẻ lột, người thợ sẽ có cách lấy được cả phần cật và lõi của cây mây. Kỹ thuật chẻ nhiều nan mỏng đều tay thì phải người thợ có kinh nghiệm mới làm được.

Hiện nay, kỹ thuật chẻ lẻ khi làm nan sợi tre, mây của người Việt được đánh giá có tính ứng dụng khoa học, sáng tạo cao. Khi chẻ mây tre, người ta phân ra nhiều loại. Loại sợi to thường dùng để đan các sản phẩm thông thường; còn sợi nhỏ dùng để làm những mặt hàng cao cấp, cầu kỳ…

Sau công đoạn chẻ, các nan được đem chuốt để có những sợi mây mượt mà, phẳng bóng. Bàn chuốt được người làng nghề tự tạo nên hết sức đơn giản, chỉ bao gồm một tấm sắt tây, đục nhiều lỗ kích thước khác nhau được kẹp bằng bốn đoạn tre.

Để cho sản phẩm có độ đa dạng về màu sắc, người làng nghề Phú Vinh còn có bí quyết tạo màu riêng. Các nan mây sau khi chẻ, phơi khô, sấy sẽ được nhúng vào các chậu lá cây sòi băm nhỏ đã được nấu sôi. Sợi nan được nhúng vào nước khoảng 15-20 lần sau đó phơi trong nắng cho khô. Các nan nhúng nước sồi sẽ có mầu vàng đều. Muốn màu đen óng ả, các nan mây được đem ngâm bùn ao từ ba đến năm ngày.

Đây là cách tạo màu hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất giúp cho sản phẩm mây tre đan của Phú Vinh luôn là những sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe người sử dụng và có độ bền màu cao tới 30-40 năm.

Giải bài toán nhiên liệu đẩy lùi ô nhiễm

Hiện xã Phú Nghĩa có 90% số hộ làm nghề mây tre đan với hàng trăm tổ hợp, cơ sở sản xuất, công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên xuất khẩu các mặt hàng mây tre đan. Việc các hộ sản xuất tham gia vào chương trình OCOP không những góp phần duy trì, bảo tồn và phát triển làng nghề mà còn đẩy mạnh tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng.

Làng nghề Phú Vinh mỗi năm cần hàng trăm tấn nguyên liệu là mây, tre, giang, các loại cỏ tế, bèo... trong khi nguyên liệu tại Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu nên các hộ sản xuất phải nhập hàng từ nhiều nơi khác, chủ yếu ở Thanh Hóa, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn...

z3975266374987_c0d4992202c354548ffa9e1030fdeb90.jpg
Không chỉ truyền nghề cho người dân trong xã, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung còn mày mò ra mẫu mã mới đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Trước đây nguồn nhiên liệu tại chỗ được phục vụ cho nghề đều được các người dân làng nghề chặt đốn, ngân trong các con mương, ao, hồ trong làng sau đó mới sấy tẩm, gây ô nhiễm môi trường. Ngày nay việc ngâm nhiên liệu mây, tre không còn nữa vì nguyên liệu nhập về đều đã qua sơ chế.

Điểm mạnh của sản phẩm mây tre đan là làm từ tự nhiên, thân thiện với môi trường, không chỉ tốt cho sức khỏe người sử dụng mà còn tốt cho cả nhân công chế tác. Hơn nữa, nhiều sản phẩm còn đạt độ bền cao. Sự phát triển sáng tạo trong khâu sản xuất ở Phú Vinh cũng đem lại đa dạng các sản phẩm đưa tới cộng đồng. Bằng việc phát triển phù hợp với trào lưu hạn chế sử dụng đồ nhựa, sắt nhằm bảo vệ môi trường như nhiều nước trên thế giới đang kêu gọi; thì nhu cầu với sản phẩm làm từ mây tre đan lại càng tăng mạnh. Từ việc cung cấp sản phẩm trang trí nội thất đến cả những chiếc làn xách tay, túi xách tay, hộp cơm, kệ đựng đồ, đèn lồng… Đặc biệt, sản phẩm mây tre đan của Việt Nam còn có đặc thù riêng là không mang tính công nghiệp, gần như toàn bộ đều bằng thủ công.

Ngoài việc mở rộng phát triển kinh tế, người dân làng nghề đã và đang đưa sản phẩm hàng hóa của làng nghề Phú Vinh ra thị trường thế giới. Xuất khẩu sang các nước Tây Âu, khu vực này bỏ đồ nhựa. Bên cạnh đó duy trì thị trường nội địa. Trong năm 2020 dị+ch bệnh nên chỉ bán trong thị trường nội địa cũng thu 20% giá trị. Trước đây 100% xuất khẩu. Nội địa thay đổi phương pháp sản xuất; sáng tạo các làn đựng hoa quả, làn xách rau. Cải tiến lối đan đẹp và chắc, giảm giá thành để phù hợp với người Việt. Sáng tác các tác phẩm theo dân gian người Việt. Người Nhật một ngày ít nhất một người dân tiêu thụ 1 đôi đũa tre, 1 hộp đựng cơm, 1 hộp đựng rau, 1 lót bàn tất cả bằng mây hoặc tre.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, làng nghề mây tre giang đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), để giải quyết khan hiếm nguồn nguyên liệu, các hộ sản xuất ở Phú Vinh đã ứng dụng nhiều vật liệu mới vào sản xuất để giảm nguyên liệu tự nhiên như các loại sợi nhân tạo, sợi chuối nguyên liệu có nhiều trong tự nhiên... Về lâu dài, ông Trung mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ đào tạo về kỹ thuật, phát triển các đề tài nghiên cứu khoa học để phát triển và khai thác đa dạng nguồn nguyên liệu nhằm thay thế một số loại nguyên liệu bị khan hiếm hoặc khắc phục hạn chế nhược điểm một số loại nguyên liệu nhằm cung ứng cho thị trường nguồn nguyên liệu đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội nhấn mạnh, tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu, thời gian tới, thành phố tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trong việc cho thuê đất, tích tụ đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung. Bên cạnh đó, xây dựng chuỗi liên kết ổn định với vùng nguyên liệu từ các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm mang lại hiệu quả cho cả hai phía. Thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp chế biến sản phẩm mây tre, đổi mới dây chuyền công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm chế biến, nhất là sản phẩm là nguyên liệu đầu vào của các làng nghề Hà Nội từ mây tre theo hướng cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm... Dự kiến đầu năm 2023, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ khảo sát, làm việc với một số tỉnh, thành phố trong cả nước để kết nối vùng nguyên liệu cho các làng nghề của Thủ đô.

Hải Anh