Những làng hương miền Trung “thổi hồn” vào văn hóa Việt

Môi trường xã hội - Ngày đăng : 16:30, 20/01/2023

Thắp nén tâm nhang, đốt cây hương trầm là nét đẹp, là đời sống tín ngưỡng văn hóa tâm linh của người Việt có từ bao đời. Ðây được coi là sự hiện hữu của truyền thống, gần gũi và có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Làn khói hương trầm không chỉ mang trong đó hương thơm thanh khiết, nhẹ nhàng, dịu dàng, mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Những ngày cuối năm không khí sản xuất hương trầm ở các làng nghề hương của 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh lại trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Với người Việt, trong đời sống tinh thần và văn hóa tâm linh, khói hương trầm không thể thiếu. Từ lúc nào, những cây hương cùng làn khói trắng đã trở nên quen thuộc với đời sống người Việt. Người Việt quan niệm khói hương trầm lan tỏa sẽ là nhịp cầu vô hình kết nối thế giới thực tại và thế giới tâm linh của trời, đất, các vị thần và với ông bà tổ tiên. Vì vậy, việc đốt trầm trên bàn thờ gia tiên hay đền, chùa, đình, miếu… là một nét đẹp truyền thống không thể thiếu, đặc biệt là vào những ngày lễ Tết. Khói hương trầm lan tỏa giúp con người ta cảm thấy an yên, ấm áp. Nén hương lúc này mang giá trị tâm linh sâu sắc, là lòng thành kính dâng lên các bậc tổ tiên, thông qua nén hương con người ta muốn gửi gắm, nguyện cầu những điều còn dang dở với ước muốn hạnh phúc và bình an.

Tết đến - Xuân về cuộc sống mỗi người lại trở nên tất bật hơn, hối hả hơn, ai ai cũng sửa sang, lau dọn lại nhà cửa, chỉnh trang bàn thờ tiên tổ, tảo mộ, tri ân… để đón một năm mới khang trang, ấm no hạnh phúc. Và trong mỗi gia đình, điều không thể thiếu được đó là những nén hương trầm thơm dịu dàng, ấm cúng để kết nối giữa cõi thực và hư vô. Cũng trong những ngày cuối năm này, khi cái rét đầu đông chớm về cũng là lúc người dân làng nghề làm hương miền Trung đang tất bật vào mùa sản xuất hương trầm để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong cả nước.

Hương trầm Quỳ Châu - Món quà từ thiên nhiên của núi rừng Tây Bắc Nghệ An

Nhắc đến hai tiếng Quỳ Châu người ta nhớ ngay đến mùi vị hương trầm mỗi khi Tết đến, Xuân về. Thật vậy, những ngày cuối năm này khi cái rét đầu đông chớm về cũng là lúc người dân làng nghề nơi đây đang tất bật vào mùa sản xuất hương trầm để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong cả nước.

lang-huong-anhe-2.jpg
Những bó hương thơm phức đang được người dân làng Báo Ân tranh thủ thời tiết hửng nắng để phơi phong, khô khén kịp xuất hàng dịp Tết.

Với đặc thù điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết đã ban tặng cho địa phương một nguồn nguyên liệu phong phú và có chất lượng cao. Hàng năm người dân bản địa đã khai thác sử dụng để sản xuất ra cây hương trầm nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh và nét bản sắc văn hóa của người Việt mỗi khi Tết đến, Xuân về. Người ta cũng xem đây là một loại thảo dược để xua đuổi tà khí của năm cũ, cải thiện môi trường không khí đón năm mới, có tác dụng đối với sức khỏe con người.

Qua quá trình phát triển của cơ chế thị trường, cây hương trầm Quỳ Châu đã trở thành một mặt hàng truyền thống phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán cho khách hàng cả nước. Nguyên liệu chính để làm hương trầm là rễ cây hương bài, có mùi thơm dịu, mọc nhiều ở vùng núi xứ Nghệ. Sau khi lấy về, người ta đem rửa sạch, phơi khô, rồi nghiền nát thành bột mịn để trộn làm bột hương. Ngoài rễ cây hương bài, nguyên liệu làm hương trầm nơi đây còn có các loại hoa hồi thảo quả, quế chi, trầm xô, bã mía và một vài vị thảo mộc đặc biệt được giữ kín riêng của làng nghề. Chân hương được làm từ những cây nứa trong rừng. Công đoạn làm chân hương cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm thì mới tạo được thân hương có thế uốn đẹp sau khi đốt.

Với truyền thống hơn 40 năm nay, Làng nghề hương trầm Quỳ Châu không chỉ gìn giữ đươc nét văn hóa dân tộc Việt Nam mà còn tạo thu nhập ổn định cho nhiều gia đình ở vùng cao thoát nghèo. Vào những ngày giáp Tết, khắp các ngả đường của thị trấn Tân Lạc và những bản làng xa xôi của huyện Quỳ Châu, đâu đâu cũng nghe một mùi hương thơm thoang thoảng, ngọt ngào, quyến rũ. Làng nghề hương trầm Quỳ Châu hiện có hàng trăm hộ gia đình làm nghề, riêng thị trấn Tân Lạc là 96 hộ.

Hương trầm được sử dụng rộng rãi trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Đặc biệt cứ mỗi dịp đón Tết, nhà nhà lại mong có nén hương trầm ấm áp thắp lên bàn thờ gia tiên, sưởi ấm thời khắc sum vầy gia đình. Từ chất lượng sản phẩm mang nét đặc trưng của làng nghề, hương trầm Quỳ Châu đã được tỉnh Nghệ An cấp bằng công nhận thương hiệu sản phẩm. Đồng thời được cấp Giấy chứng nhận hương sạch không hóa chất, an toàn cho người sử dụng.

Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 1 hợp tác xã và 7 làng nghề sản xuất hương trầm thuộc 5 xã, thị trấn. Riêng thị trấn Tân Lạc có 1 hợp tác xã và 4 làng nghề. Hộ sản xuất hương trầm Hà Loan là một trong những hộ còn may mắn nối nghiệp gia truyền do gia đình là một trong những người sản xuất hương trầm đầu tiên tại Quỳ Châu. Khởi đầu sản xuất từ vài trăm, vài nghìn búp hương để phục vụ cho bà con nhân dân khối xóm. Đến nay thương hiệu hương trầm Quỳ Châu do cơ sở Hà Loan sản xuất đã thực sự có uy tín trên thị trường cả nước và là cơ sở có quy mô sản xuất thủ công lớn nhất trên huyện Quỳ Châu. Mỗi năm sản xuất trên 4 triệu nén hương, tổng giá trị sản xuất trên 2 tỷ đồng/năm. Năm 2022 ước tính sản xuất khoảng 5 triệu nén hương, tổng giá trị sản xuất 2,5 tỷ đồng, lãi 500 triệu đồng, qua đó tạo việc làm mùa vụ cho khoảng 30 lao động, với mức thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Với sự phát triển của cây hương trầm, năm 2009, khối 2 thị trấn Tân Lạc được UBND tỉnh Nghệ An công nhận Làng nghề hương trầm truyền thống. Là làng nghề nổi tiếng, các sản phẩm hương trầm của Quỳ Châu không chỉ bán rộng rãi trong thị trường cả nước mà còn được xuất đi nhiều nước trên thế giới để phục vụ bà con kiều bào xa Tổ quốc.

Ông Võ Văn Tịnh, Chủ tịch Thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu, Nghệ An cho biết: “Thị trấn Tân Lạc nhờ có nghề làm Hương trầm nên đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ. Bình quân tổng số sản xuất doanh thu từ hương trầm của thị trấn Tân Lạc đạt khoảng 28 tỷ đồng. Sản lượng hương trầm bình quân hàng năm khoảng 57 triệu que”.

Hương trầm Quỳ Châu là niềm tự hào của miền quê xứ Nghệ, hương có mùi thơm dễ chịu, ấm cúng, được làm từ thảo mộc tự nhiên nên khách hàng rất ưa chuộng. Hương trầm Quỳ Châu ngoài thanh lọc không khí còn mang đến cảm giác thư thái yên bình ngay từ lần đốt đầu tiên. Với mùi thơm ngào ngạt quyến rũ, xuất xứ từ núi rừng xứ Nghệ với thương hiệu hương trầm Quỳ Châu, không chỉ đem niềm vui không khí Tết sum vầy gia đình ở khắp mọi miền, mà còn thắp lên ước mơ của người dân làng nghề làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Hương trầm Quỳ Châu là món quà từ thiên nhiên của núi rừng Tây Bắc Nghệ An ban tặng cho mọi người mỗi khi Xuân về, Tết đến thật đúng là:

“Hương trầm, đặc sản Quỳ Châu

Tàn quăn, cháy đượm, thơm lâu, ngọt ngào.

Bánh chưng, ngũ quả, hoa đào.

Quyện mùi Hương quý, dạt dào tình Xuân”

Kết nối tinh hoa của đất trời, “Thủ phủ” nghề sản xuất hương Thạch Mỹ, Lộc Hà, Hà Tĩnh hối hả vào vụ

Thôn Báo Ân nằm ở phía Đông Bắc xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà. Làng nghề làm hương thôn Báo Ân có diện tích tự nhiên 98,67 ha với 252 hộ dân trong đó có 51 hộ gia đình, 201 nhân khẩu, 107 lao động tham gia làm hương. Với địa thế thuận lợi về giao thông nên từ lâu, làng nghề có thế mạnh sản xuất hương thương mại.

Những ngày cuối năm, phóng viên chúng tôi đến thăm ngôi làng có cái tên rất gần gũi như chính làng nghề của họ vậy, làng có tên “Báo Ân”. Đi trên những con đường làng, hay dọc ven cánh đồng, hình ảnh dễ bắt gặp nhất lúc này là những hàng hương thơm phức đang được người dân tranh thủ thời tiết hửng nắng đưa ra nơi thoáng mát, sạch sẽ, an toàn để phơi phong, khô khén kịp đóng hàng xuất đi dịp Tết. Tại các cơ sở sản xuất, người dân lao động đang miệt mài nhồi bột, đứng máy, đóng hàng… để cho ra những sản phẩm ưng ý nhất, chất lượng nhất đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tiếng máy, tiếng nói, tiếng cười của người lao động tạo nên một bầu không khí sản xuất vui tươi, sôi nổi, hứa hẹn một vụ mùa nhiều thành quả, đón Tết Nguyên đán hạnh phúc, ấm no.

lang-huong-a1.jpg
Hương trầm Quỳ Châu là niềm tự hào của miền quê xứ Nghệ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, anh Trần Đình Khánh, là một trong những hộ sản xuất hương lớn của làng Báo Ân cho biết: “Nghề làm hương tại làng Báo Ân đã có gần 60 năm nay, trải qua quá trình lưu giữ và phát triển, nghề làm hương mang lại thu nhập khá ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn. Hiện nay, rất nhiều các cơ sở sản xuất hương tại làng Báo Ân có quy mô sản xuất lớn, mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh, không dừng lại ở việc sản xuất nhỏ lẻ. Chỉ tính riêng hộ gia đình chúng tôi, bình quân mỗi ngày sản xuất hơn 3.000 búp hương thẻ, giá bán mỗi búp giao động từ 4.000 đồng đến 30.000 đồng, tùy số lượng que và chất lượng hương. Riêng lượng hàng để phục vụ Tết cổ truyền, gia đình tôi phải thuê thêm nhân công đóng gói mới kịp xuất ra thị trường”.

Người dân Thạch Mỹ không bao giờ quên công lao của ông Phạm Văn Kiểm, trước làm ở Bộ Vật tư. Sau những ngày đi sơ tán, ông Kiểm đã bén duyên với người con gái ở làng làm hương nổi tiếng thuộc huyện Thạch Thất, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) là bà Trần Thị Lý. Năm 1963, ông, bà rời Hà Nội về Thạch Mỹ sinh sống. Nghề làm hương đã cùng bà về Thạch Mỹ từ đây. Sau khi về quê bà đã sản xuất hương và truyền nghề cho những người dân trong làng từ đó đến nay nghề hương được duy trì và phát triển.

Trước kia, khi chưa có các máy móc hiện đại, để tạo ra được thành phẩm buộc phải trải qua nhiều công đoạn bằng tay. Từ công đoạn vuốt, xe cọng hương đến nhúng, kết dính hương vào tăm... tất cả đều thao tác thủ công nên năng suất còn thấp. Sau quá trình nghiên cứu, tham quan học hỏi, nhằm đưa chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, hình thức mẫu mã đẹp, người dân đã biết đầu tư thiết bị máy móc tự động. Việc đưa máy móc vào trong sản xuất vừa giải phóng được sức lao động vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó giá thành cũng tăng đáng kể.

Để cho ra sản phẩm hương có mùi thơm đặc trưng, người thợ trộn chung hỗn hợp gồm: Bột vỏ cây quế, bột cưa, bột dẻo cùng nước, xoay mịn theo tỷ lệ nhất định. Để tạo ra những cây hương có chất lượng, người thợ phải trải qua các công đoạn trộn nguyên liệu, se nhang, phơi khô và đóng gói. Thông qua máy kết dính, cọng hương được cho ra với số lượng hàng chục cọng mỗi phút. Trung bình mỗi năm, làng nghề thôn Báo Ân cho ra thị trường khoảng 800 tấn sản phẩm các loại.

Ông Lê Tiến Lương – Chủ tịch UBND xã Thạch Mỹ cho biết: “Làng hương Báo Ân thuộc xã Thạch Mỹ chúng tôi đến nay đã có gần 60 năm. Trước đây, sau những vụ nông nhàn, bà con lại tổ chức làm hương bằng hình thức thủ công nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình. Cứ như vậy, thế hệ đi trước truyền nghề lại cho thế hệ đi sau, dần hình thành nên làng nghề hương như ngày nay. Khác với trước đây, người dân chỉ tranh thủ lúc nông nhàn, thì ngày nay họ lại xem đây là nghề nghiệp chính, đầu tư máy móc thay thế sức lao động của con người mang lại nguồn thu nhập ổn định. Chính vì có đầu tư, có sự hướng dẫn của các cấp, các ngành, nên những năm gần đây, nghề làm hương của làng Báo Ân ngày càng phát triển, sản xuất ra các mặt hàng phục vụ đời sống sinh hoạt tâm linh cho người dân địa phương và mọi miền Tổ quốc. Tính đến thời điểm này, số hộ sản xuất hương của thôn Báo Ân là 51 hộ tham gia sản xuất, tổng số lao động 107 người. Thu nhập bình quân của một hộ trong năm: 41,5 triệu đồng/năm, trong đó thu nhập từ làm nghề 31 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của một lao động/01 tháng từ hoạt động làm nghề: 4-5 triệu đồng/lao động/tháng. Thị trường tiêu thụ các huyện trong tỉnh và địa bàn cả nước”.

Khác với những ngày thường, dịp cận Tết, do nhu cầu tăng cao đột biến nên những ngày cuối năm không khí sản xuất của làng hương lại càng trở nên nhộn nhịp, tất bật. Các gia đình đều huy động tối đa lực lượng tham gia vào dây chuyền sản xuất, từ bố mẹ, vợ chồng, con cái đều phải xắn tay vào làm. Hàng năm, vào các dịp Tết Nguyên đán, trừ chi phí, bình quân các gia đình làm nghề sản xuất hương tại làng Báo Ân thu lại từ việc bán hương giao động khoảng 10-30 triệu đồng/hộ.

Mỗi nén hương, là mồ hôi, là công sức là tâm huyết bao đời của người dân làng Báo Ân gửi gắm vào đó. Xác định được cây hương là nét đẹp văn hóa, là sợi dây kết nối tâm linh giữa người đang sống và người đã khuất. Do đó, người làng Báo Ân luôn đặt cái tâm đối với nghề. Đầu Xuân năm mới khi thắp nén hương cháy hết từ đầu đến cuối, tàn hương uốn cong, hương thơm phảng phất dịu dàng mang cả tình cảm của thế giới thực đến với thế giới tâm linh, đó chính là văn hóa tâm linh của người dân Việt. Làng hương Báo Ân Thạch Mỹ đã góp phần gìn giữ phong tục, tập quán của người Việt.

Dịp cuối năm, đi mua sắm chuẩn bị cho Tết, không ai không mua vài nén hương về thắp cho ông bà, tổ tiên mình. Nén hương được thắp lên, mọi người cảm thấy ấm lòng. Nén hương lúc này không còn là thứ hàng hóa bình thường, mà nó đã trở thành một sản vật tinh thần không thể thiếu của người dân Việt. Cùng với những phong tục truyền thống khác, nén hương đã góp phần tạo nên và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Dân gian vẫn quan niệm rằng dù mâm cao cỗ đầy mà thiếu nén hương thơm vẫn được xem là chưa trọn vẹn. Bản thân mỗi chúng ta cũng đã ít nhiều quen với việc thắp hương, dâng hương, cho dù không mê tín, nhưng chúng ta đều tin rằng nén hương và hương thơm của nó mang lại cảm giác ấm áp cho tâm hồn con người, hướng con người ta đến một mục đích cao nhất đó là vươn tới những giá trị Chân – Thiện – Mỹ.

Mặc dù lợi nhuận mang lại không nhiều như những ngành nghề khác, nhưng chính những làng hương miền Trung đã “thổi hồn” vào văn hóa Việt, một nền văn hóa đậm đà bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam.

Ngọc Trâm - Kế Hùng