Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an): Đấu tranh hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:30, 23/01/2023

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm về môi trường có những diễn biến phức tạp. Vi phạm pháp luật môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm diễn ra trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển bền vững của đất nước, xâm phạm nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân như gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, thực phẩm kém an toàn... đã trở thành mầm mống mất an ninh trật tự, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế của đất nước.
cuc-canh-sat-moi-truong-1.jpg
Thiếu tướng Trần Minh Lệ: - Cục trưởng Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05), Bộ Công an

Thực tế đó đã đặt ra nhiệm vụ cấp thiết cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và lực lượng Cảnh sát môi trường (CSMT) đóng vai trò chủ công, nòng cốt trên lĩnh vực này.

Nhân dịp đầu Xuân Quý Mão 2023, Phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có buổi phỏng vấn Cục trưởng Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05), Bộ Công an về những kết quả đạt được trong năm qua và kế hoạch hoạt động của lực lượng CSMT trong năm 2023.

PV: Năm qua, Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) về môi trường đã lập được nhiều chiến công, xin ông cho biết một số kết quả mà lực lượng đạt được trong thời gian qua?

Thiếu tướng Trần Minh Lệ: Năm 2022, cả nước bước sang giai đoạn kiểm soát, thích ứng an toàn với dịch Covid-19, đẩy mạnh sản xuất phục hồi kinh tế. Theo đó, tình hình vi phạm pháp luật về môi trường có xu hướng gia tăng trở lại trong một số lĩnh vực, địa bàn so với thời gian trước và trong dịch. Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an về nhiệm vụ công tác Công an năm 2022, C05 đã tập trung chỉ đạo các đơn vị thuộc Cục và hệ lực lượng triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp công tác để phát hiện, nhận diện và tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Trên cơ sở nhận diện, đánh giá tương đối sát, đúng tình hình, trong năm 2022, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã tập trung tham mưu cho lãnh đạo Bộ và chỉ đạo hệ lực lượng triển khai các kế hoạch, biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Nổi bật là: (1) Đã hoàn thiện Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học” và tham mưu cho Bộ trình Chính phủ; tham mưu cho Bộ Công an ban hành Thông tư số 51/TT-BCA ngày 09/11/2022 hướng dẫn trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm có liên quan đến tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; (2) Tham mưu cho Bộ và trực tiếp chỉ đạo địa phương giải quyết một số điểm nóng về ô nhiễm trên các hệ thống thủy lợi lớn, lưu vực sông; có 50 văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ để tham mưu, đề xuất giải quyết các vấn đề nổi lên; (3) Tổ chức phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng liên quan đến các dự án trọng điểm quốc gia, qua đó có văn bản kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý và chấn chỉnh vi phạm trong lĩnh vực này; (4) Chỉ đạo hệ lực lượng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí gắn với thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; (5) Triển khai thực hiện Chiến dịch phòng, chống sản xuất, vận chuyển, mua bán trái phép thực phẩm, đồ uống giả, kém chất lượng và cao điểm bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán, Tết Trung thu 2022; Chủ động, linh hoạt trong tổ chức các hoạt động trao đổi, phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, trong đó, đã ký Thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Vũ trụ - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về khai thác, cung cấp sử dụng dữ liệu ảnh, sản phẩm viễn thám phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường...

Lực lượng Cảnh sát môi trường đã đẩy mạnh công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, nâng cao tỷ lệ xử lý hình sự và tăng cường thực hiện thẩm quyền điều tra; tập trung đấu tranh, xử lý các vụ việc lớn trong các lĩnh vực xã hội quan tâm, tăng cường xử lý hình sự để tạo sự răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa vi phạm, toàn lực lượng đã kiểm tra, phát hiện 28.812 vụ/ 30.257 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm (tăng 4.046 vụ = 16,34% so với năm 2019 và tăng 2.448 vụ = 9,29% so với năm 2021). Khởi tố, đề nghị khởi tố 557 vụ/700 đối tượng (tăng 217 vụ = 63,82% so với năm 2019 và tăng 203 vụ = 57,34% so với năm 2021), trong đó, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường Công an các địa phương trực tiếp khởi tố 69 vụ. Xử phạt, đề nghị xử phạt VPHC 26.139 vụ/27.104 đối tượng (tăng 4.819 vụ = 22,6% so với năm 2019 và tăng 2.813 vụ = 12,06% so với năm 2021) với tổng số tiền 373,025 tỷ đồng (tăng 103 tỷ đồng = 38,16% so với năm 2019 và tăng 28,505 tỷ đồng = 8,27% so với năm 2021).

Có thể nói, qua thực tiễn công tác, lực lượng Cảnh sát môi trường đã khẳng định bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Những kết quả, thành tích trên đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với lực lượng Công an.

PV: Thời gian qua, những vi phạm về xả thải ra môi trường của doanh nghiệp còn khá phức tạp. Xin đồng chí Thiếu tướng cho biết về một số thủ đoạn, cách thức của nhóm đối tượng này?

Thiếu tướng Trần Minh Lệ: Trên thế giới có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất gắn với việc bảo vệ môi trường và coi đó là chiến lược trọng tâm quyết định đến sự phát triển bền vững của mình. Ở nước ta hiện nay, chỉ có được một số ít doanh nghiệp mà chủ yếu là những doanh nghiệp lớn làm được điều này nhưng lại thiếu chiến lược phát triển bền vững. Bên cạnh đó, hàng nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ chưa chú trọng thực hiện trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường.

Gần đây, các phương tiện truyền thông thường xuyên nhắc đến: Ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ trái đất nóng lên,… Tại Việt Nam, bên cạnh các doanh nghiệp có sáng kiến và thực hiện tốt các chính sách về môi trường thì hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của nhiều tổ chức, doanh nghiệp được người dân, báo chí và các cơ quan chức năng phát hiện, tố giác và bị xử lý, thậm chí có doanh nghiệp đã phải tạm thời đóng cửa. Hiện nay, nhiều khu công nghiệp tại Việt Nam, vấn đề bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Doanh nghiệp chỉ chú trọng đến mục đích kinh doanh mà không tìm hiểu những kiến thức cơ bản cũng như chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức đến vấn đề bảo vệ môi trường. Hệ thống xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn chưa được hoàn thiện đồng bộ…

Qua thực tiễn công tác đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, chúng tôi thấy ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp còn rất hạn chế, thể hiện ở một số điểm sau:

- Không xây lắp, xây lắp không đúng, không vận hành, không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý nước thải theo nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

- Lắp đặt các đường ống với mục đích xả trộm nước thải không qua xử lý ra môi trường.

- Không thực hiện, thực hiện không đúng một trong các nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu trong quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

- Vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường, thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

PV: Ngoài “xả thải” hoạt động phòng, chống tội phạm về môi trường còn có những “điểm nóng” nào nữa, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Trần Minh Lệ: Trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát môi trường đã triển khai công tác nghiệp vụ trên 12 lĩnh vực, 43 chuyên đề cụ thể về những vấn đề phức tạp, nổi lên trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, trong đó có chuyên đề xả nước thải chưa qua xử lý, là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nước ở nhiều hệ thống sông ngòi, kênh rạch trên địa bàn cả nước, trong đó có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, trong năm 2022, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã trực tiếp và chỉ đạo, phối hợp với Công an thành phố Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý vi phạm nhằm giảm thiểu ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, đồng thời qua đó để tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhân rộng công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các “điểm nóng” vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường các hệ thống sông trên địa bàn cả nước, nhất là các lưu vực sông lớn.

Triển khai kế hoạch đấu tranh, C05 đã tổ chức khảo sát thực tế cả dưới sông và trên bờ dọc tuyến kênh chính, thống kê điểm xả thải và đánh giá kết quả quan trắc môi trường, xác định các khu vực, điểm ô nhiễm chính. Trên cơ sở kết quả khảo sát, C05 đã chủ trì tổ chức hội nghị với các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc các bộ và 4 địa phương liên quan để đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp tổng thể nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Trên cơ sở thống nhất chung, C05 đã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ có báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, C05 đã bám sát và thường xuyên đôn đốc, có các văn bản đề nghị các bộ, UBND các địa phương tích cực chỉ đạo, giải quyết tình trạng ô nhiễm.

Đồng thời với công tác tham mưu, kiến nghị, C05 đã thường xuyên đôn đốc Công an các địa phương, qua đó đã tạo khí thế đấu tranh, phát hiện, xử lý đến tận Công an cấp huyện, cấp xã. Kết quả thực hiện công tác kiểm tra, Công an các đơn vị, địa phương đã kiểm tra 461 vụ việc, xử lý vi phạm hành chính 325 vụ với tổng số tiền phạt trên 14,2 tỷ đồng. Trong đó, ngoài xử phạt tiền, đã xử phạt bổ sung và đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với một số cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, tạo được sự răn đe chung.

Từ những bài học kinh nghiệm bước đầu trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, C05 sẽ tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhân rộng công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các “điểm nóng” vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường các công trình thủy lợi, hệ thống sông trên địa bàn cả nước, nhất là các hệ thống thủy lợi lớn như Bắc Nam Hà, Dầu Tiếng, La Mơr, lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu, sông Đồng Nai...

cuc-canh-sat-moi-truong-2.jpg
Các lãnh đạo Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường tại buổi Triển khai công tác năm 2023

PV: Trong quá trình đấu tranh với tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đối mặt với những khó khăn gì?

Thiếu tướng Trần Minh Lệ: Trong năm 2022, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả lớn trong công tác, lực lượng Cảnh sát môi trường vẫn còn gặp một số khó khăn vướng mắc:

(1) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường còn nhiều bất cập, mặc dù đã được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, tuy nhiên việc áp dụng vào thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn.

(2) Tổ chức bộ máy của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường ở cấp huyện vẫn chưa có Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường nên công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện vẫn còn khó khăn.

(3) Công tác phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài ngành về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường có nơi, có lúc còn lúng túng, bị động do chưa có kinh nghiệm và chưa rõ về cơ chế; công tác phối hợp trong phát hiện, điều tra, xử lý chưa thống nhất; một số cấp, ngành chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường chưa tương xứng với diễn biến tình hình;

(4) Các đối tượng vi phạm pháp luật về BVMT phần lớn là có trình độ chuyên môn cao do đó phương thức thực hiện tội phạm rất tinh vi, thậm chí còn dùng nhiều thủ đoạn nhằm che dấu hành vi vi phạm hoặc chống đối, cản trở gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng.

PV: Trong năm tới, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường sẽ có những kế hoạch hoạt động thế nào trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm?

Thiếu tướng Trần Minh Lệ: Năm 2023, dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật (VPPL) về môi trường tài nguyên ATTP tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là một số lĩnh vực trọng điểm như an toàn thực phẩm; xử lý chất thải; khai thác tài nguyên, khoáng sản… để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác PCTP và VPPL về môi trường, lực lượng CSMT đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc Hội, Chính phủ, Bộ Công an về công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Tổ chức sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch chuyên đề đang tổ chức thực hiện. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, dự báo, đánh giá đúng tình hình, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đối với hệ lực lượng tại Công an các địa phương.

Hai là: Tập trung nắm, dự báo tình hình phức tạp về tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên an toàn thực phẩm để chủ động phát hiện xử lý sớm không để xảy ra các “điểm nóng” gây mất ANTT. Mở các đợt cao điểm tăng cường đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và các chuyên đề trọng tâm, gây bức xúc trong xã hội. Tập trung phát hiện, xử lý vi phạm trong các lĩnh vực: quản lý chất thải nguy hại; xử lý nước thải, chất thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt; phòng ngừa sự cố môi trường; khai thác, bảo vệ rừng; khai thác cát sỏi lòng sông; vệ sinh an toàn thực phẩm...

Ba là: Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ, chủ động nghiên cứu, rà soát những vướng mắc, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát môi trường, nhất là trong việc áp dụng pháp luật hình sự, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Đồng thời tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho cán bộ chiến sĩ, nhất là việc thi hành Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Bốn là: Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài ngành Công an nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm.

Năm là: Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, việc chấp hành quy chế, quy trình công tác, điều lệnh CAND; có hình thức khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác.

Lực lượng Cảnh sát môi trường cần bám sát khẩu hiệu hành động của toàn lực lượng CAND “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch, Cuộc vận động lớn của Bộ về 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh có Sáu điều dạy CAND (11/3/1948 - 11/3/2023) và 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023).

Xin cảm ơn Cục trưởng, chúc Cục trưởng và các cán bộ chiến sĩ Cảnh sát môi trường mạnh khỏe và gặt hái được nhiều thành công trong năm 2023!

Thu Thủy – Thu Hà