Nhà khoa học nữ tâm huyết với môi trường, mong muốn cống hiến nhiều hơn cho Thủ đô

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 07:30, 24/01/2023

Đã bước sang tuổi 80, nhưng PGS.TS Bùi Thị An vẫn hăng say với công việc, những dự án, đề tài khoa học, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới; góp phần phát triển Thủ đô Hà Nội - nơi bà được học tập, trưởng thành.

>> Những biện pháp bảo vệ môi trường sống

Trong không khí những ngày lập Xuân, tôi có dịp gặp gỡ, trao đổi với PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội. Ấn tượng đầu tiên là giọng nói thanh thoát và tác phong làm việc nhanh nhẹn của nhà khoa học đã ở tuổi xưa nay hiếm. Xung quanh căn nhà của PGS.TS Bùi Thị An được trồng nhiều cây xanh và các loài hoa, có lẽ, đây là nơi nuôi dưỡng nhiều ý tưởng, sáng kiến khoa học và những ấp ủ, tâm huyết của bà đối với Thủ đô.

co-an-1.jpg
PGS.TS Bùi Thị An tích cực tham gia, đóng góp vào công tác tư vấn, phản biện xã hội


Từ nhà nghiên cứu khoa học đến đại biểu dân cử


PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ, bà sinh ra ở Nam Định nhưng chuyển lên Hà Nội học tập từ năm 1958 và cũng trưởng thành từ đây. Trong thời gian công tác, bà chủ yếu làm nghiên cứu khoa học ở Viện Kỹ thuật nhiệt đới, nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chỉ sau khi nghỉ hưu, bà mới có cơ hội được cống hiến nhiều hơn cho Hà Nội.

Là đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (2004-2011) và đại biểu Quốc hội khóa XIII (2011-2016) của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, bà đã dành trọn tâm sức để tham gia các hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của Thủ đô và đất nước. Trở thành đại biểu dân cử, bà Bùi Thị An luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, với các phát biểu, chất vấn làm “nóng” nghị trường.

PGS.TS Bùi Thị An nhận định, công tác khoa học thực nghiệm cần cụ thể nhưng cũng cần khái quát. Cũng như làm Đại biểu Quốc hội của một địa phương nhưng cần phải khái quát lên ý kiến của đa số cử tri cả nước. Là đại biểu dân cử thì vấn đề đầu tiên đặt ra là phải nêu lên được tiếng nói, nguyện vọng của người dân. Thứ hai, phải thu thập, xác minh, phân tích được nhiều ý kiến, thông tin của đại đa số cử tri. “Khi tôi đã phát biểu trên nghị trường thì thông tin phải chuẩn, tôi nói là các đồng chí kiểm tra đi, nhưng thực tế tôi đã xác minh, kiểm tra rồi. Những vấn đề mà người dân hỏi thì đại biểu phải biết, phải tìm hiểu, nghiên cứu luật để giải đáp, hoặc chất vấn các ngành để tìm ra nguyên nhân và có hướng giải pháp. Tôi gửi chất vấn là gửi đến cùng, và theo dõi đến cùng, chứ không phải là “bưu tá” chỉ để chuyển thư”, PGS.TS Bùi Thị An thẳng thắn.

co-an-2.jpg
PGS.TS Bùi Thị An là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu được trao tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2022

Thường xuyên theo dõi các kỳ họp Quốc hội gần đây, nhất là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được cử tri quan tâm, PGS.TS Bùi Thị An cho biết: “Bây giờ là thế giới phẳng, các thông tin được lan truyền nhanh chóng và rộng rãi. Các tư lệnh ngành cơ bản nắm rõ những vấn đề mà cử tri và dư luận quan tâm, đồng thời đưa ra được các giải pháp. Tôi cho rằng Quốc hội đã chọn những chủ đề “nóng” để thảo luận, nhưng các đại biểu cần đặt vấn đề, đặt câu hỏi “sắc” hơn, các tư lệnh ngành cần trả lời thẳng thắn, và quyết liệt trong chỉ đạo thì mới làm hài lòng cử tri được.”

Nhiệt tình tham gia công tác xã hội ở tuổi 80


Hơn 60 năm công tác và cống hiến cho nghiên cứu khoa học, ở cái tuổi đáng lẽ đã được nghỉ ngơi nhưng PGS.TS Bùi Thị An vẫn hăng say làm việc, đam mê khoa học và mong muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội. Hiện nay, bà đảm trách nhiều cương vị khác nhau như: Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội; Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng; Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.Hà Nội; Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội…

PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ: “Tôi tham gia rất nhiều tổ chức, đoàn thể, thời gian dành cho công việc rất nhiều, nhưng tôi không bỏ bê gia đình. Có lẽ vì nghiên cứu khoa học nhiều năm, nên tôi làm gì cũng lên kế hoạch khoa học, đảm bảo các công việc gia đình, sau đó mới tham gia công việc xã hội. Vì vậy, gia đình luôn ủng hộ, hỗ trợ tôi để tham gia tích cực hơn nữa vào các hoạt động vì cộng đồng. Thời gian làm đại biểu dân cử, có lúc cả tuần không về nhà, nhưng trước khi đi, tôi đã phải chuẩn bị đảm bảo cho gia đình mới yên tâm được.”

Trong vai trò là Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, PGS.TS Bùi Thị An đã tham gia nhiều hoạt động khoa học nghiệp vụ, phát triển cộng đồng và bình đẳng giới, phục vụ cho sự phát triển bền vững của Thủ đô. Có nhiều dự án, đề tài khoa học về vấn đề xã hội, nông nghiệp, nông thôn, mà bà đã tham gia như: Xử lý ô nhiễm nước hồ Thành Công bằng phương pháp sinh học và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư sống quanh hồ; xử lý ô nhiễm nước hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bảo đảm độ sạch bền vững...

Trong quá trình hoạt động khoa học, PGS.TS Bùi Thị An cũng từng là Chủ nhiệm đề tài của nhiều dự án về môi trường Thủ đô như: Xác lập cơ sở khoa học để xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch sinh thái nông nghiệp tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ; Điều tra, đánh giá chất lượng nguồn nước tưới các vùng rau màu ngoại thành Hà Nội và đề xuất các giải pháp tạo nguồn nước tưới an toàn; Điều tra mức độ ô nhiễm môi trường nước sinh hoạt của Hà Nội và đề ra các giải pháp xử lý…

Trao đổi về các chính sách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là các quy định mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, áp dụng từ tháng 01/2022, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng: “Trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 có rất nhiều điểm mới, trong đó có một yếu tố rất quan trọng, đó là cộng đồng dân cư. Điều này rất phù hợp với Nghị quyết XIII của Đảng đó là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Cộng đồng dân cư vừa có trách nhiệm bảo vệ môi trường, vừa được thụ hưởng những gì tốt đẹp mà môi trường trong lành mang lại. Một vấn đề mới được cử tri quan tâm, đó là việc thu phí rác thải và xử phạt khi người dân không phân loại rác. Tôi cho rằng cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, để người dân hiểu và làm theo. Các đơn vị môi trường cần nhanh chóng cải tiến, có phương án thu gom, xử lý hiệu quả, đáp ứng được các quy chuẩn. Cái này cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các đoàn thể, doanh nghiệp thì mới thực hiện hiệu quả được.”

Năm thứ 10 trên cương vị là Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị An đã tích cực đóng góp cho sự phát triển của Hội, luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ… Tổ chức nhiều buổi tập huấn, tọa đàm liên quan đến các chủ đề: An toàn thực phẩm, môi trường không khí, môi trường và sức khỏe, chăm sóc trẻ em,…

“Hội Nữ trí thức Hà Nội đã quy tụ được nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đã về hưu, có nhiều người từng là đại biểu dân cử. Mặc dù, mỗi người hoạt động trong một lĩnh vực khác nhau, nhưng có thể bổ trợ, hướng dẫn cho nhau trong công tác tư vấn, phản biện, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực giúp xây dựng, phát triển Thủ đô. Trong thời gian dịch Covid-19, chúng tôi đã có nhiều kiến nghị gửi đến chính quyền thành phố, được lãnh đạo thành phố lắng nghe, kịp thời điều chỉnh những bất cập trong việc lấy mẫu test Covid-19, đưa người đi cách ly tập trung,… Chúng tôi xác định tham gia những vấn đề nhỏ nhưng bám sát cuộc sống của người dân, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân”, PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.

Công dân Thủ đô ưu tú 2022


Từ những kết quả nghiên cứu khoa học, sự tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, đã giúp PGS.TS Bùi Thị An được nhiều người dân tin tưởng, yêu mến, được chính quyền thành phố đánh giá cao. Tại Hội nghị tổng kết 30 năm phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” (1992-2022), vinh danh công dân Thủ đô ưu tú năm 2022, PGS.TS Bùi Thị An là một trong 10 cá nhân được trao tặng danh hiệu cao quý “Công dân Thủ đô ưu tú.”

PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ: "Tôi luôn có tình yêu tha thiết với Hà Nội. Dù quê gốc ở Nam Định nhưng Hà Nội là nơi tôi học tập và trưởng thành, thành phố đã cho tôi tri thức, cho tôi cảm hứng để làm việc. Tôi cảm thấy rất xúc động bởi những cống hiến đóng góp của mình đã được nhân dân và chính quyền TP.Hà Nội ghi nhận. Đây là phần thưởng rất giá trị và cao quý đối với tôi. Điều này càng thôi thúc tôi phải cố gắng, tiếp tục cống hiến cho Thủ đô ngày một phát triển bền vững, văn minh và xanh, sạch, đẹp hơn."

Trên cương vị Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị An đã và đang tham gia tư vấn, đóng góp ý kiến cho Thành phố về nhiều lĩnh vực, những vấn đề nóng và được xã hội quan tâm như: Tìm nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề tự cháy của các xe cơ giới; vấn đề về ma túy học đường, nhận diện và các biện pháp phòng ngừa....

Đánh giá về những cống hiến của PGS.TS Bùi Thị An, ông Đàm Văn Huân - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Hà Nội cho biết, PGS.TS Bùi Thị An là người luôn nhiệt huyết, có những góp ý thẳng thắn, khách quan. Bằng kiến thức, kinh nghiệm và lòng nhiệt tình với hoạt động của MTTQ Thành phố và trách nhiệm với cử tri, nhân dân Thủ đô, bà đã tích cực tham gia các hoạt động giám sát và phản biện của MTTQ Thành phố tổ chức. PGS.TS Bùi Thị An đã nghiên cứu, bám sát tình hình thực tế với nhiều ý kiến đóng góp có giá trị cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội; các ý kiến đóng góp đưa ra rất xác đáng, có trách nhiệm với cử tri và nhân dân Thủ đô. Nhiều ý kiến của bà đã được MTTQ Thành phố tổng hợp để kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách của Thành phố.

"Có thể nói, đóng góp của PGS.TS Bùi Thị An đã góp phần quan trọng trong việc làm tròn trách nhiệm giám sát và phản biện của MTTQ Thành phố và giúp các hoạt động này ngày càng được nâng lên về mặt chất lượng và đạt hiệu quả cao", ông Đàm Văn Huân khẳng định.
Với những thành tích và đóng góp của mình, PGS.TS Bùi Thị An đã nhiều lần được Nhà nước ghi nhận: Huy chương chống Mỹ hạng Nhì; Huy chương Vì sự nghiệp khoa học công nghệ; Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ; danh hiệu “Người tốt, việc tốt” thành phố (năm 2016); 3 Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố (năm 2017, 2021, 2022); 3 Bằng khen Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (năm 2016, 2018, 2019); Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương. Năm 2020, được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội tặng Bằng khen về thành tích trong hoạt động của Hội đồng tư vấn của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội.

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, PGS.TS Bùi Thị An cho biết: “Với chức năng tư vấn, phản biện các vấn đề xã hội, thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào vấn đề xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội, bởi vì nông thôn mới ở Thủ đô khác với các tỉnh, thành. Các tiêu chí về quản trị nông thôn, văn hóa, giáo dục, môi trường,… đều có những yếu tố đặc thù. Thực hiện tốt được các tiêu chí đó, thì thị trường tiêu thụ sản phẩm, đời sống của người dân mới phát triển, để người dân “không ni-lông, và không ly hương”. Cái đó góp phần phát triển nền công nghiệp không khói, hạn chế phát thải, theo đúng định hướng và cam kết của Chính phủ.”

Nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, Ban Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống xin được kính chúc PGS.TS Bùi Thị An thật nhiều sức khỏe, trí tuệ luôn minh mẫn để tiếp tục đóng góp, xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung ngày càng giàu mạnh, phát triển bền vững.

Thế Đoàn