Hương vị Tết miệt vườn

Môi trường du lịch - Ngày đăng : 07:30, 25/01/2023

Miền Tây miệt vườn nhờ những nét riêng của thiên nhiên hoang dã, ruộng đồng mênh mông, kênh rạch chằng chịt, đã tạo nên những nét văn hóa đặc sắc. Hương vị Tết cũng là một nét chấm phá độc đáo trong dòng chảy văn hóa miền Tây sông nước.

Hương vị Tết với vườn cây trĩu trái

Cần Thơ, nơi được mệnh danh Tây Đô - nổi tiếng được thiên nhiên ưu đãi, là vùng đất màu mỡ, với ngút ngàn màu xanh, cây lá, ruộng đồng tươi tốt, nhiều sông rạch, vườn cây ăn trái đủ chủng loại sum sê trĩu quả:

“Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về”

Thiên nhiên đã ban tặng cho miền đất trù phú, hiền hòa bên bờ sông Hậu - nơi ẩn chứa chiều sâu văn hóa Nam Bộ. Người Cần Thơ làm chơi ăn thiệt, đời sống sung túc nên dân miệt vườn ăn Tết cũng rất rôm rả.

huong-vi-tet-miet-vuon.jpg
Tết miền Tây thì không thể thiếu bánh tét

Người Cần Thơ và người miền Tây nói chung ăn Tết không chỉ chờ đến dịp đầu Xuân năm mới, những món ăn đặc trưng nhất mới được bày ra mà từ những tháng cuối năm, mọi sự chuẩn bị cho cái Tết tươm tất, đủ đầy nhất đã được người thôn quê dự tính.

Tết không gì thú vị bằng những chuyến về chơi miệt vườn đi dưới vườn cây trĩu trái và thưởng thức những món ăn đặc sản. Đến miệt vườn, mới cảm nhận hết sức quyến rũ của nó. Xoài bắt đầu chín vàng lơ lửng trên những cành cây, sapôchê tròn lẳn đong đưa, bưởi Năm Roi thanh ngọt, vú sữa căng phồng bóng láng, mận hồng đào đỏ tươi, mọng nước, cam quýt ngọt ngào óng chuốt. Trái cây miệt vườn nức tiếng thơm ngon:

Bưởi nào ngon bằng bưởi Ô Môn
Vú sữa nào ngọt bằng vú sữa Cần Thơ

Xuân về, miệt vườn khởi sắc, ruộng vườn bát ngát bao la. Vạn vật như bừng lên sức sống. Tiếng chim ca ríu rít trong vườn cây đầy trái chín, thỏa thích ngắm nhìn những vườn trái cây bạt ngàn xanh ngát, tận hưởng hương vị các loại trái cây chín như: Nhãn, sa bô, sầu riêng, chôm chôm, bòn bon... ngọt ngào chắt ra từ phù sa sông Hậu. Như nhà văn Nguyễn Tuân nói: “Chỉ cần với tay đã có trái ăn liền”.

Không quá cầu kỳ, khuôn sáo mà đậm đà bản sắc


Cứ Tết đến, người dân miệt đồng lại chộn rộn để đón Tết đến gõ cửa từng nhà. Trong ánh nắng chan hoà đầu Xuân, mọi người chia nhau nhổ cỏ, quét dọn, lau chùi, sơn phết các phần mộ cho thật tươm tất. Người lớn đốt nén nhang mời ông bà tổ tiên về đón mừng năm mới, cầu an cho người quá cố, cầu phước cho người sống được vui vẻ bình an. Trên bàn thờ đặt giữa nhà khói hương nghi ngút. Mâm ngũ quả sặc sỡ, đủ các sản vật trồng vườn nhà rất đẹp mắt. Trên bàn thờ, người dân miền Tây còn chưng cặp dưa hấu trên bàn thờ. Điểm xuyến cho ngôi nhà còn có cây Mai vàng nở bông vàng rực.

Từ ngày 23 tháng Chạp, miền quê rộn ràng hẳn lên. Người dân nơi đây tranh thủ tát mương, chụp đìa, dỡ chà để bắt cá... làm thức ăn dự trữ trong ba ngày Tết. Vào nhà vườn lúc này thấy bà con xôn xao lo chuẩn bị ăn Tết, nhà thì tráng bánh tráng, quết bánh phồng. Nhà thì chặt chuối chín sau vườn, ép phơi khô, rồi làm dưa kiệu, làm mứt dừa. Có nhà tát mương bắt cá "rộng" lại để đó. Còn cá lóc, cá chạch phơi làm khô. Người dân còn rọc dây chuẩn bị gói bánh tét để cúng giao thừa và cúng mùng 3… Xung quanh nhà thì trồng hoa vạn thọ, hoa cúc, phía sau vườn còn có những liếp rau, cải, rồi giàn bầu bí xanh mơn mởn. Những con gà, con vịt được nuôi, vỗ béo cho kịp Tết ăn và đãi khách. Thức ăn miệt vườn không đòi hỏi cao lương mĩ vị. Sau mùa nước nổi, cá vào tận trong kênh rạch, chỉ cần một chiếc xuồng ba lá cùng một người chèo, người còn lại cầm vợt sâu lòng vục trong nước một loáng đã nặng tay cá. Nào cá linh, cá rô, cá sặc rằn, cá lóc… nhảy lấp lánh vảy bạc trong nắng giữa khoang xuồng. Những con cá linh, sặc rằn… mang về móc ruột, rửa sạch, cho vào nồi kho lạt với vài trái me sống cùng hành hương xắt khúc. Giằm me cho chua, giằm ớt xanh cho cay và sẽ có một bữa ăn, chẳng bậc vương giả nào có được, dù giản dị chỉ chấm với những đoạn bông súng trắng tinh và những cánh bông điên điển vàng tươi màu nắng, giòn, ngon lạ.

Tết miền Tây thì không thể thiếu bánh tét. Hầu như nhà nào cũng phải có một nồi bánh tét trước đêm giao thừa. Dù có bận bịu đến đâu, người dân ở quê cũng tự tay làm bánh tét chứ không mua sẵn ngoài chợ. Nhà đông con cháu thì làm riêng một nồi. Những gia đình ít người thì hùn nguyên liệu như gạo nếp, đậu xanh, thịt... để cùng gói, cùng nấu chung một nồi, sau đó chia ra. Trong lúc gói, của người nào thì làm dấu nhận dạng riêng. Trong cái không khí lành lạnh, người người quây quần bên bếp lửa hồng ấm áp canh chừng nồi bánh tét, vừa uống nước trà, vừa trò chuyện râm ran suốt đêm. Bánh tét thường được người dân miền Tây dâng cúng tổ tiên trong ngày Tết. Trong tâm linh, bánh tét là biểu tượng của nghề trồng lúa nước. Còn trong ý nghĩa phồn thực, bánh tét là sáng tạo của ông cha ta trong nghệ thuật ẩm thực. Mỗi mối dây thắt chặt trên đòn bánh là thể hiện ý tưởng về mối giềng quan hệ, tình đoàn kết. Hai đòn bánh cột thành cặp, năm mới tặng nhau với lời chúc đủ đôi chẳng cặp.

Ngày 30 Tết là thời khắc đặc biệt quan trọng. Lúc này, mọi nhà chuẩn bị mâm cỗ để cúng rước ông bà về chung vui với con cháu trong 3 ngày Tết. Tối giao thừa, bầu trời miền sông nước đen như mực, trên các kênh rạch xuồng máy lũ lượt ngược xuôi để kịp về nhà đón giao thừa. Tết về, người miền Tây còn có thú du Xuân bằng thuyền hoặc xuồng ba lá rất đặc biệt. Khoan thai theo những mái chèo trong những con rạch đỏ nặng phù sa quanh co luồn vào các nhánh sông chằng chịt, với những rặng cây bần trầm mọc ven sông, bụi ô rô mọc hoang bên bờ đất, ghe thuyền đi qua những mảnh vườn, người ta sẽ được ngắm những trái xoài bắt đầu chín vàng lơ lửng trên những cành cây, sapôchê tròn lẳn đong đưa, bưởi Năm Roi thanh ngọt, vú sữa căng phồng bóng láng, mận hồng đào đỏ tươi, mọng nước, cam quýt ngọt ngào óng chuốt. Trên chiếc xuồng lá khoan thai, trong cái say nồng của không khí Tết rộn ràng, không thể thiếu hương vị những ly rượu đặc sản: Rượu ngâm từ trái chùm ruột, chuối và rắn. Chất men cay nồng cùng vị chua chua, ngòn ngọt của trái chùm ruột hấp dẫn lạ, vị gắt nhưng hậu ngọt miên man lan thắm cổ họng. Vừa thưởng thức món ngon vật lạ lại vừa được nghe tiếng đàn giọng hát những bản vọng cổ mùi rệu, những điệu lý thân thương, gọi là đờn ca tài tử, một loại hình văn hoá đặc sắc của miền Tây. Những câu vọng cổ ngọt ngào cùng tiếng đàn bầu, đàn kìm… nghe nao nao lòng. Lại thêm những cô thôn nữ mặc áo bà ba, xuống giọng ca bài: “Dạ cổ hoài lang” ngọt và êm như ru. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Nhất Thống ở Sa Đéc - Đồng Tháp, trong cách ăn, cách mặc và cách chơi trong ba ngày Tết ở miệt vườn cũng có những nét riêng: “Thức ăn người miệt vườn trong ngày Tết làm gì thì làm cũng có vài con khô. Khô nướng thơm, rồi rượu đế. Còn bánh thì từ bột với nếp mà phổ biến nhất là bánh in, gọi là gõ bánh in. Nếp rang lên rồi trộn đường là làm bánh. Về hoa thì ở vườn không phải hoa này hoa kia mà đặc trưng là vạn thọ và hoa mai. Còn chơi là kêu lô tô, thời gian dài mà ít tiền. Quần áo thì đơn giản lắm, người già thì áo bà ba, trẻ con thì bộ đồ mới là xong. Tết ở vườn có những cái có hòa nhập nhưng cũng có nét riêng”.

Và như thế, không khí, hương vị Tết miệt vườn không quá cầu kỳ, khuôn sáo mà giản đơn phóng khoáng, ấm áp gia đình, thắm đượm tình làng nghĩa xóm.

Ngân An