Xin chữ đầu năm - Nét đẹp văn hóa truyền thống cần gìn giữ và phát huy

Môi trường xã hội - Ngày đăng : 10:30, 25/01/2023

Xin chữ, cho chữ là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến Xuân về. Những câu đối, bức thư pháp không chỉ dừng lại là nghệ thuật viết chữ đẹp, sự am hiểu của các ông đồ về Nho giáo, mà qua đó còn thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc đã có từ ngàn đời nay cần được gìn giữ và phát huy.

“Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua”… Đây là những câu thơ trong bài “Ông Đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên đã trở nên quen thuộc với bao thế hệ người Việt Nam từ khi còn đi học, về một hình ảnh đẹp - hình ảnh thầy Đồ cho chữ, tặng chữ mỗi độ Tết đến, Xuân về. Từ xa xưa, chữ viết luôn được người Việt coi trọng và gìn giữ… Với mỗi người Việt Nam, ngày Xuân năm mới là ngày khởi đầu mang theo nhiều điều tốt đẹp, niềm tin và hy vọng về một năm vạn sự như ý. Tục xin chữ - cho chữ, có lẽ bắt nguồn từ những người hiếu học, trân trọng nét chữ đẹp, nên ngày Xuân xin về, như xin một thứ phúc lộc may mắn.

ong-do.jpg
Thầy đồ Nguyễn Phú Hưng đang tỉ mỉ viết những bức thư pháp đầy ý nghĩa chào năm mới

Xin chữ đầu năm chứa đựng trong đó những giá trị nhân văn, văn hóa sâu sắc. Nói về điều này, thầy đồ Nguyễn Phú Hưng, CLB Thư Pháp Quảng Nhân, thuộc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo, đồng thời là thành viên của Nhân Mỹ Học Đường một nơi đào tạo Hán Nôm tại Hà Nội chia sẻ: Xin chữ đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt mỗi dịp Tết đến Xuân về, thông qua việc xin chữ mỗi người sẽ gửi gắm những ước muốn, dự định của mình cho cả năm nhận được nhiều may mắn, bình an, phúc thọ tràn đầy. Xin chữ, cho chữ bắt nguồn từ việc, các nhà nho xưa kia coi đây là thú chơi, viết tặng nhau những bức thư pháp, câu đối, bài thơ, bài phú… nhân dịp đầu Xuân năm mới, mừng thọ, mừng tân gia, mừng duyên mới.

Cũng vì ngày đó, người dân không được học hành nhiều như bây gờ nên việc tìm đến người hay chữ, viết đẹp để xin chữ trở thành một phần không thể thiếu vào những dịp quan trọng như Tết cổ truyền của dân tộc. Do vậy mà người hay chữ, đặc biệt những người có học lại tu dưỡng đạo đức tốt gọi là người đức độ luôn được đánh giá rất cao, được người đời kính trọng.

Thông qua từng con chữ thầy đồ viết tặng, người xin chữ có thêm động lực phấn đấu để hiện thực hóa những ước mơ, dự định cho bản thân và gia đình trong năm mới.

Với những ý nghĩa tốt đẹp đó mà không gian cho chữ có lẽ cũng vì thế mà có phần giản dị, mộc mạc nhưng vô cùng trang nhã, hoài cổ, không có sự hiện diện của sự xô bồ, ồn ào bên ngoài, để từ người cho chữ hay xin chữ cảm thấy tâm thanh thản, nhẹ nhàng, lúc đó con người ta quay về với cái thiện, về cội nguồn dân tộc.

Hình ảnh những ông đồ mặc áo dài, đội khăn đóng, bày “mực tàu giấy đỏ”, giấy vàng trở nên thân thuộc biết bao mỗi dịp đầu Xuân năm mới. Màu đỏ tượng trưng cho rực rỡ của tương lai, huy hoàng, màu vàng xưa kia là màu dành cho vua chúa. Những con chữ rồng bay, phượng múa được viết trên nền giấy vàng, đỏ như một lời chúc của người cho chữ cũng như ước nguyện của người xin chữ sẽ đón những may mắn, thành công rực rỡ trong năm mới. Có thể thấy rằng, tục lệ xin chữ đầu năm như một món quà tinh thần vô giá không thể thiếu trong những ngày đầu Xuân năm mới của người Việt.

Xuất phát từ việc gửi gắm những mong muốn mọi điều tốt đẹp sẽ thành hiện thực trong năm mới, người đi xin chữ trước khi đến gặp các ông đồ đã đặt niềm tin vào những con chữ muốn xin hoặc nói lên những nguyện vọng để các thầy viết tặng những con chữ, lời chúc phù hợp.

Chúng ta cũng có thể hiểu rằng xin chữ đầu năm cũng gắn liền với việc đi lễ, đi chùa cầu nguyện, qua đó gửi gắm những ước mơ của mỗi người vào từng con chữ. Chữ nho được trích từ kinh điển và được lấy trong tứ thư, luận ngữ nên hàm chứa ý nghĩa sâu xa, mỗi chữ đều mang theo lời chúc một năm mới nhiều điều tốt đẹp.

ong-do-1.jpg
Trường Tiểu học Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội)đã xin chữ các thầy để tặng các em học sinh có thành tích xuất sắc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Các cháu học sinh, các sĩ tử đi thi thường xin chữ “chăm học, hiếu học, hay đăng khoa, đỗ đạt…” với mong muốn mình có thể trở thành những người thi đỗ đạt điểm cao.

Người kinh doanh, khai trương cửa hàng thường muốn xin chữ phát, thịnh, thành (Thành đạt, thịnh vượng, phát tài). Thậm chí khi chọn tên một thương hiệu, một doanh nghiệp, các doanh nhân cũng gửi gắm trong đó sự trường tồn, phát đạt, ăn nên làm ra do đó họ thường xin các chữ như “Hòa Phát, Hưng Thịnh, Thịnh Phát…” Gia đình mong muốn sự an lành, đặc biệt trong 2 năm xảy ra dịch Covid-19, số lượng người xin chữ “bình an” rất nhiều. Với ước nguyện các thành viên trong gia đình được bình an – đó đều là mong muốn bình dị, nhưng bao hàm nhiều ý nghĩa vì bình an không chỉ thiên tai, chiến tranh mà ngay trong thời bình và dịch bệnh bùng phát. Vì có yên ổn mới có phát đạt, phát triển và thành công, thầy đồ Phú Hưng chia sẻ. Chữ “nhẫn” để nhắc nhở mỗi người luôn phải nhường nhịn nhau thì gia đình mới hòa thuận, gia đạo ấm êm.

Chữ “hiếu” là con cháu phải hiếu nghĩa với ông bà. Khi ông bà hoặc cha mẹ và các bậc bề trên trong gia đình tặng chữ hiếu cho con cháu như lời răn dạy con cháu phải hiếu thuận, kính trọng người trên. Xưa kia, đối với người quân tử luôn coi trọng hiếu đễ. Hiếu là sự kính trọng ông bà, cha mẹ, là sự kính cẩn phụng dưỡng tận tâm tận lực báo đền công ơn cha mẹ, Đễ là nết hạnh, là sự kính trọng của người em với anh/chị/người bề trên, Chữ “thọ”: Trong gia đình, con cháu luôn cầu mong ông bà/cha mẹ được sống lâu thường xin chữ thọ, khang, khang lạc (sống vui sống khỏe).

Chữ “tài”: Là tài năng có sẵn, năng khiếu khi được hun đúc, dạy dỗ, tu tập sẽ phát triển; Tài còn mang nghĩa là tài lộc, tài vật với mong muốn của cải đề huề, làm gì cũng thắng lợi.

Chữ “duyên”: Là sợi dây liên kết mọi sự vật, sự việc. Trong quan niệm của Phật giáo, những thứ liên quan đến nhau đều là duyên. Mọi sự gặp gỡ đều là duyên. Từ đó mà nói đến nghĩa của duyên tình có thể là ánh mắt hay nụ cười đều được gọi là cái duyên của một con người.
Chữ “phúc”: Đây là chữ được mọi người xin nhiều bởi trong chữ phúc chứa đựng mọi điều tốt lành; Trong trường hợp khi nhà có cô con dâu ngoan, người Việt thường nói nhà có phúc quá; Gặp sự cố mà vượt qua thì người ta nói là ôi phúc to quá!… Từng đó ý nghĩa cho thấy chữ phúc là tốt lành, bình an, may mắn… vì thế mà nhiều gia chủ dán chữ “ngũ phúc lâm môn - năm cái phúc” trước cửa nhà mong muốn gia đình “phúc, thọ, khang, ninh” – khỏe mạnh, sống lâu, hòa thuận”.

Từng chữ được trích ra từ trong kinh điển không cần dài dòng nhưng lại hàm chứa trong đó rất nhiều nội hàm sâu sắc mà ở đó là những ước nguyện hết sức chính đáng của mỗi người, mỗi hoàn cảnh. Không phải việc xin chữ tự nhiên thành mà bởi những người xin chữ đã gửi gắm niềm tin vào đó từng con chữ để có thêm động lực, quyết tâm phấn đấu đạt được mục tiêu và nguyện vọng đã đặt ra trong năm mới.

Giữ gìn nét văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau


Tục xin chữ đầu năm tưởng như có lúc bị mai một do nhiều điều kiện tác động. Thầy Hưng cho biết, gần đây các CLB, cá nhân các thầy cũng làm nhiều việc để tuyên truyền cho đông đảo mọi người, trong đó có các bạn trẻ hiểu giá trị, nguồn gốc của nền Nho học, thông qua các triển lãm. Tại những dịp đặc biệt như vậy, các tác phẩm được chắt lọc từ những tinh hoa trong kinh điển một cách cô đọng giúp người học có cách tiếp cận dễ dàng hơn. Một bộ môn học kinh điển mà nếu như đưa cả cuốn sách Nho giáo để một người đọc và hiểu là điều quá khó khăn. Bên cạnh đó khi trực tiếp nhìn các thầy viết có thể khơi gợi tính ham học hỏi, niềm yêu thích làm cho người ta cảm thấy gần gũi hơn khi tiếp cận bộ môn thư pháp này.

Thời gian qua, các CLB thư pháp cũng kết hợp với các nhà trường, các chương trình hội sách bài dựng lều, chõng viết tặng chữ thư pháp cho các cháu học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác xã hội, đoàn đội dịp kết thúc năm học. Có thể kể tới trường tiểu học Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) đã đưa các cháu học sinh đội tuyển Olympic, những cháu học sinh được kết nạp đội ra làm lễ dâng hương tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, sau đó xin chữ các thầy để tặng các em, nhằm động viên, khích lệ tinh thần để các em tiếp tục cố gắng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức tốt. Đây thực sự là hoạt động ý nghĩa giúp thế hệ trẻ tiếp cận được nền nho học, đặc biệt nghệ thuật thư pháp dễ dàng hơn và bồi đắp thêm trong các em về niềm tự hào văn hóa truyền thống của dân tộc cần được giữ gìn và phát huy.

Không chỉ các trường học, một số doanh nghiệp cũng chọn tặng, tri ân khách hàng món quà văn hoá tinh thần là bức thư pháp đầy ý nghĩa và trang trọng. Hoặc trong giỏ quà Tết tặng đối tác, khách hàng, bên cạnh rượu, chè, thuốc lá, bánh mứt Tết truyền thống là món đồ vật chất cũng có bức thư pháp trang trọng tặng kèm trong đó, Qua đây, đông đảo quần chúng có thể dễ dàng tiếp cận nền Nho học, đặc biệt nghệ thuật thư pháp, giúp mọi người thêm trân quý, nhớ về nguồn cội dân tộc một cách tự nhiên nhất.

Bản thân là một người yêu thích nghệ thuật, người từng gắn bó với chiếc máy ảnh hơn 30 năm cùng công việc quay phim, đam mê âm nhạc dân tộc, từ đó mà thầy đồ Phú Hưng càng cảm thấy yêu mến văn hóa truyền thống đặc biệt với bộ môn thư pháp nên đã tìm hiểu, học hỏi và trau dồi qua năm tháng.

Thầy đồ chia sẻ: Điều này đặc biệt cần thiết với những người yêu thích thư pháp nhất là bộ môn Nho học. Bởi thư pháp không phải là môn học đơn giản nếu không muốn nói là môn học kinh điển. Đam mê đấy, thích đấy, nhìn thấy người khác viết là muốn học nhưng nếu không đủ kiên nhẫn sẽ không thể theo được bộ môn nghệ thuật này.

“Học Nho giáo” là một cách tu tập, thiền định. Vì khi đặt bút lên viết chữ, người viết phải dành tâm trí của mình vào đó. Khi cho chữ cũng chính là cho đi tình cảm chứ không đơn thuần là viết chữ. Chính điều này mới có thể tạo nên giá trị, hồn cách và nét đẹp của việc cho và xin chữ, thầy đồ Phú Hưng tâm sự.

Thầy đồ Phú Hưng cũng chia sẻ thêm rằng, tiếp xúc với bộ môn thư pháp đến nay cũng được 15 năm. Có thể nói để một người theo đuổi bộ môn thư pháp cần sự công phu, là cách để họ tu tập và như bộ môn thiền định. Nếu tâm còn dao động thì không thể tập trung cho việc học thư pháp. Môn thư pháp không chỉ là việc học thuộc lòng, mỗi con chữ mang những ý nghĩa sâu xa, nên khi xin chữ, các thầy chỉ cho một vài chữ nhưng tất cả chữ đó được trích ra từ kinh điển, luận ngữ.

Thư pháp là bộ môn nghệ thuật cũng cần đam mê. Tuy nhiên muốn thành công thì đam mê thôi chưa đủ, ta phải dành cả nhiệt huyết, đặc biệt phải kiên trì vì không phải một sớm một chiều có thể nhận về trái ngọt nếu không nỗ lực. Tất cả các thầy cho chữ phải trải qua quá trình dày công phu, luyện tập, phải tu tâm, dưỡng tính trau dồi đạo đức để những suy nghĩ ngấm vào chính cái tâm tưởng của người cho chữ, chứ không chỉ đơn thuần là viết ra những con chữ. Nên các bạn trẻ yêu thích bộ môn thư pháp cần kiên nhẫn, kiên trì, không bỏ cuộc thì mới thành công, thầy Hưng đặc biệt nhấn mạnh, đưa ra lời khuyên đến những bạn trẻ có mong muốn theo học nghệ thuật viết thư pháp.

Ngày nay, việc xin chữ cũng không còn nặng nghi lễ như thuở xưa. Tuy nhiên, hình ảnh người viết câu đối, người viết lời chúc, người viết chữ…đủ các kiểu hành, chân, triện, lệ…đủ các chất liệu giấy, gỗ, trúc, tre…; người xếp hàng, ngồi ghế chờ đến lượt, trân trọng cầm tờ giấy còn ướt mực, ngắm nét chữ “phượng múa rồng bay” cũng đủ là một hình ảnh đẹp đẽ, rực rỡ ngày đầu Xuân năm mới.

Nguyễn Lương