Hương sắc miền Tây ngày Tết

Môi trường du lịch - Ngày đăng : 12:00, 25/01/2023

Hưởng trọn hương phù sa của hai con sông Tiền, sông Hậu, mảnh đất miền Tây trù phú với những vựa trái cây lớn nhất cả nước và những làng hoa trăm loại khoe sắc nhất là vào dịp Tết đến, Xuân về.

Tạo ra sắc màu, sản vật Tết

Người dân miền Tây Nam Bộ đón Tết sau mùa thu hoạch lúa, trái cây. Ở những miền quê, mùa Xuân dẫu không thiếu trăm hoa khoe sắc nhưng người ta chỉ thật sự cảm nhận không khí Tết qua mùi rơm rạ nồng ấm theo những cơn gió Xuân tràn về.

Vào thời điểm cận Tết ở miền Tây có rất nhiều làng hoa với nhiều loại hoa đẹp và lạ. Làng hoa Sa Đéc, thủ phủ hoa miền Tây bên bờ sông Tiền, tại xã Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đang bước vào mùa đẹp nhất năm, không khí mua bán, thu hoạch của người dân rộn ràng.

mien-tay.jpg
Vào thời điểm cận Tết ở miền Tây có rất nhiều làng hoa với nhiều loại hoa đẹp và lạ

Nhiều du khách tìm đến đây để ngắm cảnh, chụp ảnh, mua hoa trưng Tết hay trải nghiệm cuộc sống người dân làng hoa truyền thống.

Đến làng hoa, du khách có thể đi xe điện tham quan hoặc di chuyển bằng xe máy, ghé các nhà vườn trồng hoa xem quy trình chăm sóc hoa kiểng. Làng hoa Sa Đéc hiện có nhiều khu vui chơi giải trí miệt vườn, trưng bày hoa và bày trí tiểu cảnh, điểm check-in, hàng ẩm thực dân dã cho du khách thưởng thức.

Một điểm ngắm hoa thú vị khác ở miền Tây bạn nên ghé thăm vào dịp cận Tết là làng hoa Cái Mơn, thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Không kém cạnh làng hoa Sa Đéc, làng hoa Cái Mơn ngoài trồng những loài hoa đặc trưng ngày Tết như vạn thọ, hoa giấy, cúc đại đóa, cúc mâm xôi, thược dược, cẩm chướng… có thêm sự góp mặt của những dòng hoa kiểng được tạo hình tứ linh độc đáo. Vào những ngày này, trên khắp các nẻo đường ở làng hoa Cái Mơn đều ngập tràn sắc hoa đẹp đến mê mẩn.

Một điểm thú vị nữa ở Làng hoa Cái Mơn là các loại hoa thường được trồng theo từng khu. Nếu bạn thích sắc vàng của hoa vạn thọ hãy đến khu Phước Mỹ Trung, còn yêu hoa cúc thì khu Long Thới là nơi dành cho bạn. Đặc biệt, muốn check-in với những vườn hoa giấy muôn màu muôn sắc đang bung nở bắt mắt thì bạn nhất định phải đến khu Phú Sơn.

Những vườn hoa giấy rực rỡ sắc cam, trắng, hồng trải dài mênh mông ở nơi này hứa hẹn giúp kho ảnh của team mê hoa thêm phần đặc sắc.

Nếu có một ngày vui chơi tại Tiền Giang, bạn có thể ghé thăm Làng hoa Tân Mỹ Chánh ở TP. Mỹ Tho. Nghề trồng hoa Tết tại đây đã duy trì và phát triển hơn 30 năm.

Cứ vào tháng Chạp, du khách về Tiền Giang lại thấy không khí Xuân với sắc hương rực rỡ của mào gà, vạn thọ, cúc mâm xôi, dạ yến thảo, dừa cạn, cát tường... Trung bình mỗi dịp Tết, làng hoa xuất hàng trăm nghìn giỏ hoa cung cấp cho thị trường hoa Tết tại TP. HCM và các tỉnh thành lân cận.

Làng hoa cách TP. HCM khoảng 80 km, mất gần 2 tiếng di chuyển. Du khách có thể đến đây bằng xe khách chuyến TP. HCM - Mỹ Tho, xe ô tô cá nhân hay xe máy với đường đi thuận tiện. Du khách có thể tham quan, chụp ảnh, ghé mua hoa về trưng Tết trong nhà với giá phải chăng.

Ngoài ra, làng hoa còn nằm gần các điểm du lịch nổi tiếng ở Tiền Giang như "tứ linh cồn - Long, Lân, Quy, Phụng" nằm giữa sông Tiền; Khu du lịch Thới Sơn trên cù lao Lân có hệ thống miệt vườn cây trái trù phú quanh năm; chùa Vĩnh Tràng lớn nhất tỉnh Tiền Giang, mang nét kiến trúc độc đáo giao thoa văn hóa Đông - Tây hội tụ; Điền Lan Thôn Trang nơi có vườn phong lan lớn tại khu vực phía Nam...

Thuộc xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang năm nào gần Tết làng hoa An Thạnh cũng đua nhau khoe sắc, duy trì một nét đẹp văn hóa và đã trở thành một điểm đến du lịch mới của An Giang. Hình thành trên 20 năm, làng hoa An Thạnh, đã trở thành một trong những làng nghề truyền thống đặc trưng của huyện Chợ Mới cung cấp nhiều loại hoa cho thị trường trong tỉnh vào mỗi dịp Tết.

Cồn hoa nằm ven sông Hậu nước ngọt phù sa nên thuận tiện cho bà con tưới tiêu, chăm sóc và vận chuyển đi tiêu thụ dịp Tết. Người dân tự trồng và bán không qua trung gian nên giá hoa rất hợp lý, phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn và mua hoa chưng Tết của du khách. Hiện nay, làng hoa An Thạnh có khoảng 30 – 40 hộ trồng hoa, với diện tích 2ha. Mang nhiều màu sắc, chủ yếu là các giống hoa phổ biến được người dân lựa chọn trưng trong những ngày Tết, như: Hoa cúc, vạn thọ, hoa hồng, hoa cát tường, cúc Đài Loan, cúc tiger, hoa dừa cạn, tử la lan, cúc sao băng, cúc tây, hoa xác pháo, hoàng yến, cẩm nhung…

Chợ nổi miền Tây ngập tràn sắc hoa ngày giáp Tết


Cứ vào dịp cuối năm, chợ nổi lại đông đúc, nhộn nhịp hẳn lên với lung linh sắc Tết, tạo nên nét đặc trưng cho văn hóa chợ của miền sông nước.

Với hơn 54.000 km chiều dài của sông rạch, miền Tây Nam Bộ chứa đựng một nền văn minh văn hóa sông nước đặc trưng không nơi nào ở Việt Nam có được, đặc biệt là những khu chợ nổi trên sông, đã gắn liền với đời sống nhân dân hàng mấy trăm năm nay từ thời khẩn hoang lập ấp. Ở miền Tây, chợ nổi bao đời nay là nơi sinh hoạt, mua bán trao đổi hàng hóa của những người dân bến nước và trở thành một địa điểm du lịch văn hóa đặc biệt mà thật đáng tiếc nếu ai về miền Tây lại không tham quan chợ nổi trên sông.

Khoảng 15 tháng Chạp, chợ nổi đã tấp nập ghe xuồng để phục vụ cho dịp Tết. Ngày Tết, giá hàng hóa trên chợ nổi cao hơn ngày thường một chút, nhất là các loại rau, củ, quả và hoa để trưng bày trong gia đình. Tuy nhiên, so với chợ trên đất liền, hàng trên chợ nổi vẫn có giá rẻ hơn. Mỗi ngày, chợ đón hàng ngàn lượt tàu bè từ khắp nơi đến mua bán đủ những hàng hóa thiết yếu trong ngày Tết như: Bánh mứt, hoa quả, vải vóc, quần áo… Cả quãng sông dài vài km tấp nập ghe thuyền, người mua kẻ bán đông đúc, tắc cả một đoạn sông.

Cây bẹo cắm trên đầu ghe là dấu hiệu giúp người đi chợ nổi đất phương Nam nhận biết ghe đó bán hàng gì. Nhưng với những ghe hoa của miền chợ nổi thì không cần phải thế. Chính màu sắc rực rỡ của hoa với mai vàng, cúc trắng, vạn thọ... mang sắc Xuân rất đặc trưng của sông nước miền Tây đã đủ sức thu hút người đi chợ.

Từ đầu tháng Chạp, các lái hoa đã chọn bến để họp chợ. Những ghe hoa khác đến nhóm dần rồi hình thành chợ hoa sáng rực một khúc sông. Điều đặc biệt của khu chợ nổi độc đáo này là thời gian nghỉ Tết rất ngắn. Khoảng mùng Hai Tết, chợ nổi đã “chiều khách” trở lại vì nhu cầu mua hàng đã có. Đó là những chàng trai, cô gái, khách nước ngoài du Xuân bằng đường sông rất cần đồ ăn thức uống sẵn có như bún, cháo, cà phê và những món quà đặc trưng của chợ nổi...

Chợ nổi miền Tây thu hút khá đông du khách đến tham quan, theo thống kê, chỉ tính riêng tại chợ nổi Cái Răng đã có khoảng 300 - 500 khách mỗi ngày và tăng gần gấp đôi vào những ngày giáp Tết nhờ ở gần trung tâm thành phố. Những ngày giáp Tết, không khí Xuân ấm áp trên chợ nổi càng thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của du khách về chợ nổi trên sông.

Nhật Ánh