Làn điệu ngày xuân: Những nghệ nhân giữ "hồn" Then nơi địa đầu tổ quốc
Môi trường du lịch - Ngày đăng : 07:30, 26/01/2023
Then trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào vùng cao phía Bắc
Then là sinh hoạt văn hóa gắn với các nghi lễ tâm linh, diễn ra các sự kiện quan trọng của người Tày, Nùng, Thái ở một số tỉnh vùng cao phía Bắc như: Lễ cầu mùa, cầu yên, cấp sắc... đồng bào dùng tiếng đàn Tính để thay lời muốn nói, bày tỏ nỗi niềm... Khi thực hành nghi lễ, người hát Then không thể thiếu các dụng cụ như đàn Tính, chùm xóc nhạc, quạt, thẻ âm dương, kiếm. Đàn Tính được coi là nhạc cụ mang “hồn” dân tộc, là cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh...
Hát Then không chỉ giải quyết vấn đề tín ngưỡng, mà còn răn dạy con người; ngợi ca đạo đức; phê phán thói hư tật xấu; thể hiện tình yêu nam nữ hay ngợi ca tình yêu thiên nhiên, đất nước…
Mỗi mùa Xuân đón một năm mới, nghi thức Then lớn nhất trong năm được thực hiện trong ngày lễ hội Lồng Tồng của người Tày. Chủ lễ là một thầy Then có uy tín sẽ đại diện dân bản dâng lễ vật và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm êm cho dân bản. Trong nghi lễ này có các hoạt động diễn xướng đặc trưng như: Hát Then, hát Cọi, Lượn, múa diễn xướng... Các bài hát đa dạng chủ đề ca ngợi mùa Xuân, đất nước và phong cảnh quê hương. Trong các bài múa của Then Tày thường mô tả lại các hoạt động sinh hoạt hằng ngày như chèo thuyền, chặt cây, múa quạt, hái lúa... Hát Then, đàn Tính mang tính chất lễ và hội, bên cạnh các yếu tố tâm linh, cầu mùa, giải hạn cầu phúc... hát Then với giai điệu da diết còn là hình thức để giải trí, giãi bày tâm tình, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước của người Tày. Từ giai điệu chung chỉ với một cây đàn Tính các nghệ nhân đã có thể biến tấu ra các bài Then với nhiều chủ đề khác nhau tùy cảm hứng và tùy thời điểm sáng tạo của người nghệ nhân. Trong không khí dân gian bên cạnh các làn điệu Cọi, Si, Lượn hát Then vẫn được người dân thể hiện theo cách ngẫu hứng hoặc có chủ ý tùy theo thời điểm của các dịp lễ, Tết, hoặc đám cưới...
Vào ngày 12/12/2019, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại Bogotá, thủ đô nước Cộng hòa Colombia, "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Việc ghi danh giúp đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái và cộng đồng các dân tộc của 11 địa phương có di sản Then nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của Then trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, để từ đó có những biện pháp thiết thực và hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị của di sản gắn với phát triển ngành kinh tế du lịch Việt Nam.
Để điệu Then vang mãi
Các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật hát Then nói riêng, các nghệ nhân đóng vai trò quan trọng, họ chính là các di sản “sống” lưu giữ, truyền dạy để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương. Những cống hiến của các nghệ nhân Then góp một phần quan trọng để nghi lễ thực hành then của dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Là người trực tiếp tham dự tại Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại thành phố Tuyên Quang, nghệ nhân Nguyễn Văn Chự, dân tộc Tày (xã Phương Độ, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang) kể lại: “Tôi vinh dự và tự hào khi là người được tham dự trực tiếp Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tối 3/9/2022 tại thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Đây là sự kiện có rất nhiều ý nghĩa đối với những người nghệ nhân chúng tôi, chúng tôi rất tự hào là những người đã giữ được bản sắc văn hóa dân tộc Tày hát Then đến bây giờ”.
Với ông Nguyễn Văn Chự, có lẽ tình yêu với Then như một duyên “trời định”. Năm nay 69 tuổi, mà thâm niên gắn bó với Then của ông đã xấp xỉ 50 năm, miệt mài sưu tầm, lưu giữ những điệu Then cổ. Giờ đây ông vẫn đều đặn thực hiện các nghi lễ Then, không chỉ ở tỉnh Hà Giang mà nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia biểu diễn Then tại các liên hoan hát Then, đàn Tính do địa phương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Đi cùng với niềm tự hào là trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn Then của các nghệ nhân, những năm qua, ông Nguyễn Văn Chự cho biết, riêng cộng đồng dân tộc Tày nói chung, dân tộc Tày Hà Giang nói riêng, thường dùng những làn điệu hát Then cổ trong lễ thượng thọ, làm lễ cầu an, cầu mùa, lễ đầu năm, đưa vong những người đã khuất, cúng tổ, tất cả các hội hè, như lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Then đầu năm. Xã Phương Độ (Tp. Hà Giang) hiện có 5 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào Tày chiếm 76%, sống tập trung tại 2 thôn Hạ Thành và thôn Tha. Đây là những thôn được công nhận Làng văn hóa du lịch cộng đồng. Cho tới nay, nhiều giá trị văn hóa truyền thống vẫn được người dân nơi đây gìn giữ khá tốt, trở thành ưu thế để phát triển du lịch. Nổi bật có thể kể đến hát Then, đàn Tính, hát Cọi,... Tuy nhiên, một số loại hình đang đứng trước nguy cơ bị mai một, nguyên nhân là do thế hệ trẻ ít chú ý đến bản sắc văn hóa, trong khi lớp nghệ nhân cao tuổi đang dần mất đi. Thấy được điều này, ông Nguyễn Văn Chự đã phối hợp với UBND xã Phương Độ mở lớp dạy hát Then, đàn Tính tại chính ngôi nhà ông đang ở. Lớp học có hơn 40 học viên đến từ 2 thôn Hạ Thành, thôn Tha với nhiều lứa tuổi, trong đó học viên cao tuổi nhất là 68 tuổi. Để lớp học thành công hơn, ông Chự còn mời thêm nghệ nhân Nguyễn Xuân Hữu từ xã Quang Minh, huyện Bắc Quang lên cùng truyền dạy.
“Hiện nay, nghi lễ thực hành Then ở Hà Giang đối với người Tày đang lưu giữ rất tốt. Tôi cũng mở lớp dạy Then, ví dụ như Then mới và Then cổ, về Then cổ tất cả các nghi lễ tôi vẫn truyền dạy lại cho những người sau để tiếp nối người đi trước để thực hiện đúng được cái nghi lễ hát Then của người Tày Hà Giang, muốn lưu giữ được những điều này, thì chúng tôi đang mở những lớp dạy hát Then, dành cho những người đam mê làn điệu Then, biết được dân tộc Tày mình thế nào và cũng như trao truyền cho thế hệ sau. Chúng ta không thể để cho điệu Then mai một. Để lưu giữ điệu Then nhất là dân tộc Tày, thì ngay những người nghệ nhân, bản thân tôi cũng như mọi người luôn muốn được tất cả các ngành các cấp, quan tâm hơn nữa, giúp đỡ nhiều hơn liên quan đến vấn đề về hát Then để giữ được làn điệu Then về sau này”, ông Chự bộc bạch.
“Với trách nhiệm của người nghệ nhân phải giữ được bản chất của hát Then, giữ được tất cả những giai điệu khỏi bị mai một, tất cả những người làm công việc về hát Then, tất cả những người nghệ nhân đã được góp nhặt công sức để giữ được làn điệu Then vang mãi thì phải cố gắng, làm sao để vượt qua được tất cả. Hiện nay có rất nhiều loại then và cũng có rất nhiều người mê tín dị đoan, những người không hiểu được và đi sai về Then, mọi người góp sức để giữ được làn điệu Then đúng theo ý nghĩa của Then. Người nghệ nhân phải biết sàng lọc thế nào là đúng làn điệu văn hóa Then”, ông Chự nhận định.
“Thực hành Then của dân tộc được ghi danh tôi vui lắm, đây là vinh dự tuyệt vời đối với những nghệ nhân cũng như thầy Then, những người trực tiếp thực hành Then, nó là niềm tự hào rất lớn, cái bản sắc của mình được công chúng trên toàn thế giới người ta biết đến”, đó là tâm sự của anh Nguyễn Xuân Hữu (huyện Bắc Quang, Hà Giang), một trong số ít những người nghệ nhân trẻ tuổi say mê, gìn giữ và phát triển những làn điệu Then.
Anh Nguyễn Xuân Hữu nhấn mạnh, với việc di sản Then được ghi danh, anh thấy trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ di sản đặc biệt này, “Với cá nhân là một nghệ nhân trẻ, tôi luôn sẵn sàng góp công sức của mình đi truyền dạy hát Then, đàn Tính, tôi mong muốn được các cấp, ban, ngành lưu tâm, ủng hộ, cũng như hỗ trợ kinh phí để có thể duy trì lớp học. Để Then phát triển song song với đời sống hiện đại, tôi sẽ tổ chức biểu diễn nghi lễ Then vào những dịp phù hợp với từng hạng mục, với Then mới đồng hành với Then cổ các dịp Lễ, Tết và hội hè. Then mới dựa vào chất liệu của Then cổ, nhưng được đặt lời mới để phù hợp với cuộc sống hiện đại bây giờ, ví dụ như bài hát Then mới, những bài về nông thôn mới, những bài ca ngợi về Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, về tình yêu đôi lứa, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới để phù hợp với cuộc sống hiện tại”.
“Để Then phát triển hơn, rất mong các ngành, các cấp sẽ mở nhiều lớp truyền dạy hát Then đàn Tính, nhu cầu học hát Then của người dân hiện nay rất nhiều. Tuy nhiên, cần phải có các cấp, các ban, ngành đứng ra hỗ trợ nghệ nhân mở lớp truyền dạy và tổ chức các buổi sinh hoạt hoặc là những buổi tập huấn về Then thì những làn điệu hát Then này mới được lưu giữ và tồn tại, và có thể là phát những bài Then trên truyền hình, vô tuyến, trên mọi hình thức truyền thông đại chúng”, Anh Hữu nói.
Trăn trở nhất đối với những người nghệ nhân là làm thế nào để Then, đặc biệt là Then cổ không rơi vào quên lãng theo thời gian. Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác đang đứng trước nguy cơ bị mai một, nguyên nhân là thế hệ trẻ ít chú ý đến bản sắc văn hóa, “chạy theo thương mại nhiều quá” trong khi lớp nghệ nhân cao tuổi đang dần mất đi…
“Là một nghệ nhân, theo tôi hai loại Then cổ và Then mới cần phải giữ gìn song song. Muốn giữ được Then cổ thì phải có làn điệu Then mới, mà muốn có được những làn điệu Then mới thì mình phải biết được Then cổ và ý nghĩa của Then cổ như thế nào, phải tồn tại song song với nhau thì làn điệu Then mới sáng được và vang được mãi”, ông Nguyễn Văn Chự bộc bạch.
Với việc UNESCO chính thức ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các nghệ nhân rất vui mừng, phấn khởi. Bao nhiêu năm gắn bó với Then, gảy bao cây đàn Tính, giờ đã đến lúc hát Then – đàn Tính cần có sự đầu tư thích đáng và bài bản hơn.
Việc ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” chính là thương hiệu quốc gia mà thế giới dành cho chúng ta, qua đó góp phần giới thiệu với bạn bè quốc tế về những di sản văn hóa đặc sắc miền núi phía Bắc của Việt Nam, góp phần làm cho khu vực này tăng thêm sức hấp dẫn, cuốn hút đối với du khách. Việc khẳng định, tôn vinh giá trị của di sản Then, giúp đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái và cộng đồng các dân tộc của 11 địa phương có di sản Then nhận thức một cách đầy đủ hơn về giá trị của Then trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc để từ đó có những biện pháp thiết thực và hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị của di sản gắn với phát triển ngành kinh tế du lịch nước nhà.
Đi cùng với niềm tự hào là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” không chỉ đối với các bậc tiền nhân, với tổ tiên người Việt, mà còn trước cộng đồng quốc tế, với nền văn minh nhân loại.
Những làn điệu Then sẽ mãi là niềm tự hào của văn hóa Việt Nam, đóng góp làm giàu có thêm kho tàng văn hóa nhân loại. Chúng ta mong rằng di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh, cùng hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú của cả nước và các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc giữ gìn, bồi đắp, trở thành động lực và nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.