Sắc mai vàng ngày Tết

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 12:30, 27/01/2023

Nếu như miền Bắc Tết không thể thiếu hoa Đào thì miền Nam không thể thiếu hoa Mai. Sắc Mai là một phần làm nên ngày Tết, để người ta nhớ Tết, để người ta yêu Tết.

Sự tích cây Mai vàng ngày Tết

Mai vàng là biểu tượng của mùa Xuân phương Nam, cứ dịp Tết đến Xuân về, người dân nơi đây đều xuống phố để sắm cây Mai về trưng trong nhà.

Thế nhưng, không phải ai cũng biết và hiểu về tục chơi Mai vàng ngày Tết và vì sao người phương Nam lại trưng Tết bằng hoa Mai vàng?

Tương truyền, ngày xưa có một cô gái tên Mai, con một người thợ săn rất gan dạ và can đảm. Năm lên mười bốn, cô gái đã được cha rèn luyện trở thành một nữ hiệp sĩ vô cùng tài giỏi và tinh thông võ thuật.

Lúc ấy, có con yêu tinh rắn đến quấy phá một làng nọ, dân làng treo giải ai giết được yêu tinh sẽ được thưởng trọng hậu. Thế là hai cha con lên đường giết yêu tinh. Sau khi giết được yêu tinh trở về, danh tiếng của hai cha con vang dội và truyền đi khắp nơi.

Vài năm sau người cha lâm bệnh, sức khỏe ngày một yếu đi. Còn cô con gái đã bước qua tuổi mười tám và võ thuật càng ngày tinh thông. Năm ấy yêu tinh rắn lại xuất hiện ở một vùng nọ và dân làng đến khẩn khoản mời hai cha con đi giết yêu tinh.

Trước khi con gái lên đường, người mẹ may cho cô một bộ đồ gấm màu vàng rất đẹp và cô gái hứa ngày trở về sẽ mặc bộ đồ ấy, để mẹ có thể nhìn thấy mình từ xa.

Sau đó, hai cha con trèo non, lội suối tìm yêu tinh để tiêu diệt. Người cha vì sức yếu nên không phụ giúp được gì, nên để con gái một mình chống chọi với yêu tinh. Cuối cùng, cô gái đã giết được nó. Nhưng không may, trước khi chết, con yêu rắn đã vùng dậy dùng đuôi quấn và siết chết cô gái.

Cảm thương trước tấm lòng hiệp nghĩa của cô gái cũng như sự khóc lóc van nài của người mẹ tội nghiệp, nên ông Táo trong nhà đã khẩn khoản xin Ngọc Hoàng cho cô gái được sống lại và trở về với gia đình trong 9 ngày Tết. Thế là từ đó, cô gái được trở về nhà trong hình hài nguyên vẹn với gia đình trong 9 ngày (từ 28 tháng Chạp cho đến mùng 6 Tết thì biến mất).

Về sau khi cha mẹ và người thân qua đời hết, cô gái không trở về nhà nữa mà hóa thành một cây hoa mọc bên ngôi miếu - nơi người dân đã lập nên để cúng bái cô.

Thấy cây hoa lạ mọc lên bên miếu và cứ trổ hoa vàng suốt 9 ngày Tết, nên dân làng lấy tên cô gái đặt cho cây hoa ấy là hoa Mai. Sau đó, người dân chiết nhánh mang về trồng khắp nơi để trừ tà đuổi quỷ, mang lại may mắn cho gia đình mỗi độ Tết đến, Xuân về.

Từ đó về sau, cây mai vàng trở thành hoa chơi Tết, trưng Tết của người dân. Tục chơi hoa Mai vàng ngày Tết lâu dần đã trở thành nét văn hóa đẹp không chỉ của người phương Nam.

Sắc Mai vàng luôn hiện hữu trong mỗi gia đình phương Nam mỗi khi Xuân về

Hoa Mai đến với người dân miền Nam mỗi năm chỉ một lần vào dịp Xuân về. Nếu như mùa Xuân nơi đất Bắc là sắc hoa Đào hồng đỏ tuyệt mỹ, kiều diễm như má hồng môi son thiếu nữ thì ngày Xuân phương Nam vàng rực cánh hoa Mai quý phái nhưng cũng đầy phóng khoáng của miền nắng gió.

Cuối năm, nhìn những nụ Mai bắt đầu động đậy, tách vỏ xanh, hé màu vàng mơ màng rồi bung từng cánh một trong nắng là biết mùa Xuân phương Nam đang đến rất gần… Chính vì thế mà Mai được xem là biểu tượng của mùa Xuân và Mai, Lan, Cúc, Trúc trở thành biểu tượng cho bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông.

Mai có xuất xứ từ cây hoang dại, có khả năng thích ứng tốt với điều kiện khí hậu nhiệt đới, được phân bố nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, đặc biệt ở miền Nam nước ta và thường nở rộ hoa vào mùa Xuân với sắc hoa màu vàng là phổ biến nhất. Ngoài ra cũng còn loại Mai ra hoa màu trắng, màu hồng…

Loại Mai mà người dân miền Nam hay mua sắm trưng bày trong nhà vào dịp Tết Nguyên đán là Mai vàng. Cây Mai vàng đã gắn bó với làng quê Nam bộ từ lúc người dân biết khai hoang, lập ấp để sinh sống. Dù phải chịu nhiều nắng, gió, mưa, bão... nhưng cây Mai vẫn vững vàng theo năm tháng. Hình ảnh cây Mai chịu thời tiết khắc nghiệt, để đến cuối đông trút hết những chiếc lá trên cành cho chồi non nảy lộc và trổ hoa vàng tươi để đón mùa Xuân mới khiến người ta liên tưởng đến đức tính hy sinh cao cả của thế hệ đi trước cho tương lai thế hệ mai sau.

Từ xa xưa, người ta đã xếp hoa Mai vàng là một trong những loài hoa quý nhất trong các loài hoa. Sở dĩ như vậy, có lẽ vì Mai thường nở hoa rực rỡ vào mùa Xuân. Cứ Xuân về là Mai nở và Mai nở đón Xuân về. Quả thật, ngày Tết, nhìn cây Mai với những bông hoa vàng nở thành từng chùm chi chít bên nhau cho ta cảm giác rạo rực niềm vui, niềm hân hoan, hạnh phúc, tình yêu thương và gắn bó mọi người thân trong gia đình, dòng tộc! Đã vậy, theo quan niệm của người xưa, bông Mai vàng có 5 cánh kết thành vòng tròn tượng trưng cho Ngũ Phúc. Đó là: Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh với hàm ý hoa Mai sẽ đem lại sự giàu, sang, trường thọ, mạnh khỏe và an lành trong năm mới.

Đặc biệt, vì hoa Mai chịu đựng được mọi loại thời tiết, kể cả khắc nghiệt nên cây Mai còn luôn được xem là tượng trưng cho sự bất khuất và ý chí kiên cường; cho khí chất, phẩm cách cao thượng, liêm khiết của kẻ sỹ, của người quân tử.

Có lẽ vì thế mà Mai là một trong những loài hoa được văn chương nước Việt từ cổ xưa đến nay nhắc đến khá nhiều. Mai đi vào “thơ thiền” của sư Không Lộ thời Lý, có mặt trong “thơ thần” của Nguyễn Trãi thời Lê. Hình ảnh của hoa Mai cũng được thi hào Nguyễn Du mượn để tả về nét đẹp quý phái, đoan trang của chị em Thúy Kiều: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần. Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Đặc biệt, Chu Thần Cao Bá Quát có hai câu thơ được xem là những ngôn từ đẹp nhất, trân trọng nhất để xưng tụng hoa Mai: “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Mười năm chu du tìm gươm cổ/ Cả đời chỉ cúi lạy hoa Mai)! Rồi Thanh Hải, Chế Lan Viên, Lê Văn Thảo… những nhà thơ, nhà văn thời chống Mỹ, giữa những đau thương, khốc liệt của chiến tranh vẫn có những vần thơ, những áng văn đằm thắm, trữ tình viết về hoa Mai.

Có thể nói, đặc tính của hoa Mai là biểu trưng cho những đức tính tốt đẹp, cho sức sống và trí tuệ của người Việt Nam nên hoa Mai vàng luôn được nhiều gia đình, đặc biệt là người dân Nam bộ, lựa chọn để trang trí trong nhà mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Thiếu sắc Mai vàng thì cái Tết Nguyên đán ở miền Nam sẽ không thể trọn vẹn để gọi là Tết.

Ngọc Châu