Các địa phương tập trung gieo cấy lúa Đông Xuân đúng khung thời vụ
Kinh tế - Ngày đăng : 17:38, 31/01/2023
Bắc Giang gieo cấy hơn 200 ha lúa
Theo ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang), đến ngày 30/1, toàn tỉnh đã gieo cấy được hơn 200 ha lúa chiêm xuân, không có hiện tượng mạ chết do thời tiết giá lạnh.
Cụ thể, đến chiều 30/1, toàn tỉnh có hơn 40% diện tích lúa chiêm xuân (khoảng 18,8 nghìn ha) có nước, trong đó nông dân đã gieo cấy được hơn 200 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Tân Yên, Việt Yên; gieo mạ được 1,2 nghìn ha. Cùng với đó, các địa phương đã trồng được 815 ha lạc, 23 ha ngô, 60 ha khoai lang cùng gần 1 nghìn ha rau các loại.
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, dù nhiệt độ những ngày qua xuống thấp về đêm, sáng sớm (có thời điểm xuống dưới 10 độ C) song nhờ chủ động che phủ ni-lông nên không xảy ra tình trạng mạ bị chết, diện tích lúa mới cấy không bị ảnh hưởng. Việc thu hoạch cây vụ đông, trồng các loại cây trồng khác cũng bảo đảm tiến độ.
Vụ chiêm xuân năm nay, toàn tỉnh gieo trồng 67,7 nghìn ha, trong đó diện tích lúa là 47 nghìn ha (97% trà xuân muộn), còn lại là lạc (5,7 nghìn ha), rai các loại (7,2 nghìn ha), ngô, khoai lang và cây khác.
“Theo kế hoạch, trà xuân muộn sẽ cấy tập trung trong tháng 2 và kết thúc trước 10/3. Hiện các địa phương đang tập trung cấy trà xuân sớm và chăm sóc mạ cho trà xuân muộn. Để bảo đảm mạ phát triển tốt, chúng tôi hướng dẫn các địa phương thường xuyên thăm đồng, nắm bắt diễn biến thời tiết để khuyến cáo người dân. Trong đó đề nghị 100% diện tích mạ được che phủ ni-lông, áp dụng kỹ thuật gieo mạ dày xúc, mạ sân, mạ trên nền đất cứng, mạ khay và chỉ mở che phủ ni-lông khi nhiệt độ ngoài trời trên 18 độ C”, ông Đặng Văn Tặng nói.
Huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa khắc phục sự khắc nghiệt của thời tiết
Sau Tết Nguyên Đán Qúy Mão, bà con nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc đã tập trung xuống đồng gieo cấy lúa xuân để bảo đảm đúng khung thời vụ tốt nhất. Tính đến ngày 30-1 toàn huyện đã cấy được gần 50% diện tích.
Theo kế hoạch, vụ xuân năm 2023 huyện Vĩnh Lộc gieo trồng 6.713,5 ha cây trồng các loại, trong đó cây lúa 4.770,8 ha; cây ngô 702,2 ha, còn lại là các cây trồng khác. Đến ngày 18-1-2023, toàn huyện gieo xong mạ để cấy cho 4.770,8 ha.
Năm nay huyện Vĩnh Lộc chỉ đạo các địa phương áp dụng khoa học-kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp một cách mạnh mẽ, nhằm giảm áp lực về lao động; đồng thời hướng dẫn Nhân dân chăm sóc cây trồng, vật nuôi, tập trung lấy nước giữ ấm cho diện tích lúa đã cấy.
Theo dự báo, vụ chiêm xuân năm nay sẽ gặp nhiều bất lợi về thời tiết đầu vụ, vì vậy để tránh các đợt rét đậm, rét hại vào thời điểm cây lúa mới cấy, hồi xanh, bén rễ và sâu bệnh cuối vụ, huyện Vĩnh Lộc đang chỉ đạo các địa phương phải thực hiện nghiêm khung lịch thời vụ, sử dụng các giống lúa lai nhằm bảo đảm hiệu quả và năng suất.
Hà Tĩnh gieo cấy xong trên 45.000 ha lúa xuân
Từ ngày mùng 7 tháng Giêng, chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Đông Đoài, xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên) luôn tất bật ra đồng từ sáng sớm đến tối muộn để tháo nước, làm lại đất, xuống giống vụ lúa xuân.
Chị Thủy chia sẻ: “Nhờ chủ trương chuyển đổi ruộng đất nên hơn 1,9 mẫu lúa được dồn về 2 đồng gần nhau, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức. Thời tiết rét đậm nhưng ban ngày có nắng nên bà con đỡ cực hơn. Gia đình chủ yếu gieo thẳng các giống Xuân Mai, Khang dân 18, Bắc Thịnh nên thời vụ tập trung từ ngày 28/1 đến ngày 8/2”.
Những ngày này, ông Trần Văn Hinh (xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên) hết thuê máy về làm đất, sửa sang bờ bao, xuống giống rồi lại chuẩn bị thuốc để phun trừ cỏ. Vụ này, ông gieo cấy trên 1 mẫu ruộng, chủ yếu là các giống chủ lực có chất lượng cao như Bắc Thịnh, VNR20…
Ông Hinh chia sẻ: “Thời tiết có nắng như thế này thì trong vài ngày tới là tôi cơ bản xuống giống xong số diện tích của gia đình. Sản xuất trên cánh đồng chuyển đổi nên thời vụ tập trung, gieo cấy nhanh chóng hẳn. Tôi với vợ làm 1 khổ ruộng rộng gần 6 sào đất tại cánh đồng mẫu trong vòng 1,5 ngày là xong”.
Trên khắp cánh đồng của huyện Cẩm Xuyên, bà con đang “chạy đua” với thời tiết, tranh thủ những ngày nắng ráo để hoàn thành số diện tích gieo cấy còn lại trong khung lịch thời vụ. Vụ xuân 2023, huyện Cẩm Xuyên gieo cấy trên 9.570 ha, là địa phương có diện tích sản xuất lớn nhất toàn tỉnh với các giống chủ lực như Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, Khang dân 18, Bắc Thịnh, Xuân Mai, TH3-3…. Từ ngày 26/1 - 8/2 là thời vụ gieo cấy cao điểm nhất của bà con nông dân trên địa bàn huyện.
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Văn Danh, huyện đã gieo cấy được hơn 9.000 ha. Địa phương đã chủ động triển khai có hiệu quả đề án, nghị quyết, cơ chế chính sách về tập trung, tích tụ ruộng đất của tỉnh, huyện và chính sách hỗ trợ của Chính phủ về tổ chức sản xuất, phát triển các mô hình cánh đồng lớn. Huyện thực hiện sản xuất theo cánh đồng lớn với diện tích 1.800 ha; xây dựng mô hình tập trung, chuyển đổi ruộng đất lần ba hơn 900 ha ở 12 xã, thị trấn.
Thời điểm hiện nay cũng đang là thời vụ gieo cấy tập trung của bà con nông dân huyện Thạch Hà. Ông Nguyễn Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Trị (huyện Thạch Hà) cho biết: “Xã tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn, một số vùng có ứng dụng trình diễn thử nghiệm máy cấy, máy phun thuốc trừ sâu. Theo lịch thời vụ thì trong khoảng 4 ngày nữa, xã sẽ hoàn thành xuống giống cho hơn 200 ha đất sản xuất lúa”.
Tại các huyện như Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, TX Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh… khí thế sản xuất cũng đang nô nức trên khắp các cánh đồng. Bà Phan Thị Mai (thôn 3, xã Ân Phú, huyện Vũ Quang) chia sẻ: “Gia đình có 7 sào thì đã xong được 4 sào rồi. Cũng may ra tết nắng ấm nên bà con đi làm được nhanh chóng. Vừa gieo cấy vừa chuẩn bị làm đất để làm cây trồng cạn nên chúng tôi luôn tay, luôn chân, không có thời gian ngơi nghỉ”.
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, toàn tỉnh đã gieo cấy được gần 45.000/hơn 59.000 ha. Nhờ tập trung ra đồng và thời tiết thuận lợi, từ ngày 26/1 đến nay, diện tích gieo cấy đã tăng lên hơn 20.000 ha. Các địa phương có tiến độ gieo cấy lớn là Can Lộc, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, TX Hồng Lĩnh… Còn khoảng 2 - 3 ngày nữa, Hà Tĩnh sẽ hoàn thành gieo cấy khoảng 85% diện tích lúa xuân. Khung thời vụ từ ngày 3 - 8/2 chỉ còn số ít diện tích thuộc nhóm giống có thời gian sinh trưởng từ 110 - 115 ngày, gồm Xuân Mai, BT09, Lai thơm 6, PC6, TH3-3, SV181…
Ngành chuyên môn khuyến cáo, toàn tỉnh tiếp tục rét đậm, có nơi rét hại dù trời có nắng; sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm đang khá lớn. Vào ban đêm, nhiệt độ có thể xuống thấp từ 11-13 độ C. Vì thế, bà con nông dân vẫn cần phải chủ động phòng rét cho lúa, nhất là đối với diện tích gieo mạ, cần kéo phủ kín nilong vào ban đêm; chủ động theo dõi để bổ sung mạ vào diện tích lúa bị hư hỏng do thời tiết; theo dõi nước tưới, các yếu tố dịch bệnh đầu vụ đối với số diện tích đã có từ 4 - 5 lá mầm.