Hà Nội: Xử lý nghiêm hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã

Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 14:00, 01/02/2023

Nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, thời gian qua, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan.

Theo thống kê, trong 2 năm 2021 và 2022, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an thành phố đã phát hiện, đấu tranh 123 vụ việc (03 tổ chức và 154 cá nhân) vi phạm liên quan đến quy định về bảo vệ động vật nguy cấp quý hiếm và động vật hoang dã; cơ quan điều tra đã khởi tố 85 vụ án hình sự với 113 bị can về các tội danh liên quan đến hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm từ động vật nguy cấp quý hiếm.

dong-vat-hoang-da.jpg
Xử lý nghiêm việc khai thác, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã

Trong đó, mới nhất gần đây ngày 5/1/2023, Phòng Cảnh sát môi trường Hà Nội đã bắt giữ 2 đối tượng đang vận chuyển 1 cá thể hổ (đã chết bị mổ bỏ nội tạng) nặng gần 200 kg đi tiêu thụ và 2 cá thể rắn hổ mang chúa (ngâm trong bình). Căn cứ kết quả điều tra ban đầu, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sau đó bàn giao cho Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố thực hiện điều tra, xử lý theo quy định.

Cũng theo đại diện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sát về môi trường (PC05), Công an thành phố Hà Nội từ nhiều năm nay, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn, xử lý hành vi săn bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật. Đặc biệt khung hình phạt tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quy hiếm có thể lên đến 15 năm tù và phạt tiền đến 15 tỷ đồng.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm, bộ phận của động vật hoang dã đều là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 244 – Bộ Luật hình sự năm 2015 thì hành vi vi phạm quy định về bảo về động vật nguy cấp, quý hiếm có thể phải bị hình phạt tù lên đến 15 năm. Đặc biệt, hành vi quảng cáo bán trái phép động vật hay sản phẩm của các loài động vật hoang dã được coi là hàng cấm như hổ, gấu, voi, tê giác, tê tê… dù là trên internet cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 100 triệu đồng theo Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Hành vi quảng cáo kinh doanh trái phép đối với các loài động vật rừng khác cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 - 1,5 triệu đồng theo quy định tại Điều 16 Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Hoàng An