Hãy phục hồi đất ngập nước ngay từ hôm nay!
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 11:00, 02/02/2023
Bảo vệ, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước
Theo Ban Thư ký Công ước Ramsar, các vùng đất ngập nước có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho con người, từ lọc nguồn nước và cung cấp nước, đến bảo vệ chúng ta khỏi bão và lũ lụt, duy trì đa dạng sinh học và lưu trữ carbon.
Ngày Đất ngập nước Thế giới nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác động của các vùng đất ngập nước đối với nhân loại và hành tinh, để thúc đẩy các hành động dẫn đến việc bảo tồn, sử dụng hợp lý và phục hồi chúng.
Xu hướng biến mất và suy thoái của đất ngập nước đang ngày càng nghiêm trọng. Các vùng đất ngập nước đang biến mất nhanh gấp ba lần so với rừng và hơn 35% diện tích đất ngập nước đã bị suy thoái hoặc biến mất tính từ năm 1970.
Trước thực trạng trên, Ban Thư ký Công ước Ramsar đã đề nghị các quốc gia hưởng ứng, tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới vào ngày 02/02/2023 với chủ đề “Hãy phục hồi đất ngập nước ngay từ hôm nay - Hơn 35% diện tích đất ngập nước tự nhiên đã bị mất trong 50 năm qua. Lựa chọn, tiếng nói và hành động của bạn thúc đẩy xu hướng phục hồi đất ngập nước”. Hoạt động này nhằm khẳng định nhu cầu cấp thiết phải ưu tiên phục hồi các vùng đất ngập nước và kêu gọi tất cả mọi người thực hiện các hành động để phục hồi đất ngập nước bị suy thoái.
Công ước về các vùng Đất ngập nước (Công ước Ramsar, Iran, 1971) là hiệp ước quốc tế với sứ mệnh “bảo tồn và sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước thông qua các hành động của địa phương, khu vực, quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới” với sự tham gia của 172 quốc gia thành viên.
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trở thành thành viên của Công ước Ramsar từ năm 1989. Các vùng đất ngập nước có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho con người, từ lọc nguồn nước và cung cấp nước, đến bảo vệ chúng ta khỏi bão và lũ lụt, duy trì đa dạng sinh học và lưu trữ carbon. Ngày Đất ngập nước Thế giới nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác động của các vùng đất ngập nước đối với nhân loại và hành tinh, để thúc đẩy các hành động dẫn đến việc bảo tồn, sử dụng hợp lý và phục hồi chúng.
Mở rộng mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam
Vùng đất ngập nước lớn nhất của Việt Nam là châu thổ sông Cửu Long bao gồm hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt, những cánh đồng lúa bát ngát, rừng ngập mặn, rừng tràm, các bãi triều, ao nuôi tôm, cá. Ở miền Trung, các vùng đất ngập nước là các đầm phá ven biển, các hồ chứa nước nhân tạo. Ở miền Bắc, đất ngập nước là các hồ trong hệ thống lưu vực sông Hồng, những bãi triều rộng lớn, những cánh rừng ngập mặn của châu thổ. Tổng diện tích đất ngập nước của Việt Nam ước tính khoảng 7 triệu đến 10 triệu hecta.
Phần lớn thóc, gạo, cá, tôm và các loại lương thực, thực phẩm khác đều được sản xuất từ những vùng đất ngập nước, đặc biệt và từ châu thổ sông Hồng ở phía Bắc và châu thổ sông Cửu Long ở phía Nam.
Ngoài vai trò sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản, đất ngập nước còn đóng vai trò quan trọng trong thiên nhiên và môi trường như lọc nước thải, điều hoà dòng chảy (giảm lũ lụt và hạn hán), điều hoà khí hậu địa phương, chống xói lở bờ biển, ổn định mức nước ngầm cho những vùng sản xuất nông nghiệp, tích luỹ nước ngầm. Nơi đây cũng là vùng đất cư trú của nhiều loài chim di cư quý hiếm, có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái Việt Nam. Về lâu dài, các vùng đất ngập nước của Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế và xã hội.
Với nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các địa phương, năm 2020, Việt Nam công bố thành lập thêm được 2 khu bảo tồn đất ngập nước gồm Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai (Thừa Thiên-Huế) và Khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy (Thái Bình). Năm 2021, Việt Nam đề cử danh hiệu khu Ramsar cho vùng đất ngập nước Bắc Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai). Đến nay, Việt Nam đã có 47 vùng đất ngập nước được quy hoạch trên phạm vi toàn quốc…
Theo kế hoạch, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là hoàn thành việc điều tra, thống kê, kiểm kê diện tích các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; Xác lập được các vùng đất ngập nước quan trọng, các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái và xây dựng được cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước quan trọng.
Cả nước có 13 khu đất ngập nước được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar); Tăng diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng được bảo vệ trên toàn quốc. Ngoài ra, mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam được thiết lập và hoạt động có hiệu quả, trong đó chú trọng các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường; đạt mục tiêu 70% các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đến năm 2030, cả nước có 15 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar; Tăng số lượng các khu bảo tồn đất ngập nước; Phục hồi được ít nhất 25% vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái; Các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phát triển các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường...
Để hoàn thành các mục tiêu trên, kế hoạch xác định nhiệm vụ chủ yếu, bao gồm: Thống kê, kiểm kê các vùng đất ngập nước và điều tra, xác lập Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng; Xây dựng hồ sơ, đề cử thành công thêm 6 khu Ramsar và tổ chức hoạt động mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam có hiệu quả. Thêm vào đó, điều tra, xác định các vùng đất ngập nước quan trọng có tiềm năng thành lập và triển khai thành lập mới các khu bảo tồn đất ngập nước trên toàn quốc...