Hà Nội: Tập trung khắc phục hàng loạt các sự cố đê điều
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 12:00, 03/02/2023
Cụ thể, tại đê tả Hồng thuộc địa phận xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), mặt đê đang bị sụt lún từ 20 - 40cm (phạm vi từ K49+965 đến K48+165). Trên tuyến đê xuất hiện hai hố sụt, trong đó, hố số 1 có đường kính khoảng 1,5m, chiều sâu 2m; hố số 2 có chiều rộng gần 3,5m, chiều sâu hơn 2,5m.
Ở phía bờ hữu sông Hồng đoạn qua thôn Trung Hà, xã Thái Hòa (huyện Ba Vì), cơ quan chức năng cũng ghi nhận sạt lở với chiều dài khoảng 380m. Đáng chú ý khi khu vực bờ sông đoạn bị sự cố đang có rất nhiều hộ dân sinh sống tập trung, trong đó 3 hộ đang bị ảnh hưởng trực tiếp về công trình phụ.
Không chỉ sông Hồng, dọc tuyến sông Đà chảy qua huyện Ba Vì cũng đang ghi nhận một số sự cố đê kè nghiêm trọng. Cụ thể tại bờ hũu sông Đà thuộc địa bàn xã Khánh Thượng đang xuất hiện 3 cung sạt. Các cung sạt có chiều dài từ 20 - 25m, rộng từ 1 - 2m, sâu từ 2 - 2,5m. Các vị trí tiếp giáp với cung sạt xuất hiện nhiều vết nứt dọc, nguy cơ tiếp tục sạt lở cao.
Tại khu vực chân kè đê hữu Đà thuộc xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì), cơ quan chức năng xác định từ vị trí K0+700 đến K1+300, hiện đang xuất hiện nhiều cung sạt liên tiếp nhau. Phần lớn lăng thể đá hộ chân kè đã bị cuốn trôi, có nguy cơ bị cuốn trôi, đe doạ an toàn của hàng chục hộ dân thuộc thôn 4 (xã Thuần Mỹ).
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du đánh giá: "Qua kiểm tra các vị trí sạt lở dọc tuyến sông Hồng, sông Đà đang ảnh hưởng lớn đến đi lại và an toàn của những hộ dân ven sông. Đáng chú ý, sạt lở, lún sụt đê kè hiện có xu hướng phát triển mở rộng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn khi nước lớn. Trước nguy cơ ảnh hưởng lớn của các sự cố đê kè ven sông Hồng, sông Đà, vừa qua, UBND TP đã ban hành lệnh khẩn cấp xây dựng 3 công trình khắc phục tình trạng sạt lở bờ hữu sông Đà thuộc địa bàn xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì); sạt lở chân kè thuộc xã Thuần Mỹ và sạt lở bờ hữu sông Hồng, sông Đà thuộc xã Thái Hòa (huyện Ba Vì), và tình trạng lún mặt đê, sụt cơ thượng lưu đê tả Hồng, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh)".
Theo ông Nguyễn Duy Du, phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai và địa phương sở tại hướng dẫn, thông tin, cảnh báo và giám sát người dân qua lại khu vực xảy ra sự cố. Đánh giá, khoanh vùng phạm vi có nguy cơ tiếp tục sạt lở. Sẵn sàng các phương án ứng phó theo tinh thần 4 tại chỗ. Cùng với đó là bố trí các nguồn lực triển khai, lập dự án, xử lý cấp bách vấn đề này. Chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động người dân di chuyển đến nơi an toàn. Hạn chế hoặc cấm người và phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm. Tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn nhà ở dân cư, hạ tầng kinh tế. Đồng thời, thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế cao nhất sự phát triển của các cung sạt…
Các dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư xử lý khẩn cấp, từ nguồn ngân sách của TP. Hà Nội dự kiến 183 tỷ đồng sẽ được bố trí để thực hiện các công trình nhằm ngăn chặn, khắc phục tình trạng sạt lở, lún sụt, giữ ổn định đê, kè và bờ sông Hồng, sông Đà; đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân sinh sống trong khu vực lân cận các sự cố.
Hiện, Sở NN&PTNT Hà Nội và UBND huyện Ba Vì, hai đơn vị được UBND TP giao làm chủ đầu tư các dự án đang tập trung triển khai các bước để thực hiện việc xây dựng công trình khẩn cấp theo quy định. Dự kiến, các công trình sẽ hoàn thành thi công trước tháng 6/2023 để đáp ứng yêu cầu ứng phó khi mùa mưa lũ về.
Năm 2022, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 4 trường hợp tử vong do bị sét đánh. Các loại hình thiên tai cũng đã khiến 30 nhà dân bị sập đổ; gần 12.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 200 cây xanh gãy, đổ; gần 5.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, cùng 2.400m đê, kè bị sạt lở, hư hỏng…