Mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng 2023 đầy đủ gồm những gì?

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 17:00, 03/02/2023

Rằm tháng Giêng còn gọi là Tết Nguyên tiêu (chữ Nguyên là thứ nhất, tiêu là đêm). Trong ngày này, người dân thường đi chùa cầu an, cầu may hoặc dâng sao để "giải hạn" và các gia đình cũng làm mâm cúng tổ tiên.

Về khía cạnh văn hóa, rằm tháng Giêng được xem là 1 lễ lớn theo tín ngưỡng Việt Nam. Là 1 nước thuần nông, tháng giêng là tháng bắt đầu của những người nông dân chuẩn bị xuống đồng. Trước khi hạ điền, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mong một năm mùa màng bội thu.

Bên cạnh đó, trong 12 tháng rằm, tháng giêng mang về nhiều ý nghĩa với nhiều tên gọi khác nhau như tết Nguyên tiêu, Thượng nguyên, Nguyên dạ … đó là do bắt nguồn từ sự giao lưu, tiếp nhận từ nền văn hóa Trung Hoa cùng sự kết hợp hài hòa với văn hóa bản địa.

Ngày giờ đẹp cúng Rằm tháng Giêng 2023 để có lộc cả năm

Năm 2023, ngày Tết Nguyên tiêu - rằm tháng Giêng nhằm vào Chủ nhật ngày 5/2 dương lịch, đúng vào dịp nghỉ cuối tuần nên rất thuận tiện cho các gia đình chuẩn bị chu đáo lễ cúng.

Theo dân gian cũng quan niệm, cúng lễ vào ngày chính rằm là tốt nhất. Bởi đó là thời điểm trăng sáng nhất đầu năm, phúc khí vượng, khi thành tâm cầu cúng ắt được bình an, may mắn.

Khung giờ tốt của ngày rằm tháng Giêng gồm: Đinh Mão (5 - 7h): Giờ Ngọc Đường hoàng đạo; Canh Ngọ (11 - 13h): Giờ Tư Mệnh hoàng đạo; Nhâm Thân (15 - 17h): Giờ Thanh Long hoàng đạo; Quý Dậu (17 - 19h): Giờ Minh Đường hoàng đạo.

Năm nay, ngoài ngày rằm tháng Giêng, thì ngày 14 Âm lịch (thứ Bảy, mùng 4/2 Dương lịch, ngày Hoàng đạo) cũng được đánh giá là ngày đẹp để tiến hành cúng lễ. Khung giờ tốt của ngày 14 tháng Giêng gồm: Bính Thìn (7 - 9h): Tư Mệnh hoàng đạo; Mậu Ngọ (11 - 13h): Thanh Long hoàng đạo; Kỷ Mùi (13 - 15h): Minh Đường hoàng đạo; Nhâm Tuất (19 - 21h): Kim Quỹ hoàng đạo.

Gợi ý mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng 2023 đầy đủ, trọn vẹn

Gia chủ cần lưu ý những việc như sau để có một buổi lễ cúng rằm tháng Giêng trọn vẹn:

Lễ cúng Phật: Mâm lễ cúng Phật là mâm lễ chay tinh khiết, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả tươi. Không thêm nhiều hương liệu và có thể thêm món bánh trôi nước với ý nghĩa cầu mong cả năm mọi việc đều hanh thông, trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy.

Mâm cỗ chay tùy loại, tuy nhiên trên mâm cỗ chay nên có sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành (màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, trắng của hành thủy và vàng hành kim).

ram-thang-gieng.jpg
Theo truyền thống, người Việt thường cúng Rằm tháng Giêng với mâm cỗ rất to.

Gia chủ có thể ngồi trước bàn thờ Phật tụng kinh Dược Sư để cầu bình an cho gia đạo cả năm. Nếu không tụng kinh được thì chỉ cần dâng hương và khấn là được.

Lễ cúng gia tiên: Có thể lễ mặn hoặc chay tùy theo quan niệm và điều kiện của mỗi gia đình. Thông thường, trong mâm cúng cỗ mặn rằm tháng Giêng của gia đình Việt gồm có:

1 con gà luộc

5 lạng thịt vai luộc

1 bát canh măng

1 bát bóng bì

1 bát canh miến

1 bát canh mọc

1 đĩa xào thập cẩm

1 đĩa nem

1 đĩa giò

1 đĩa xôi gấc

1 đĩa ngũ quả (5 loại quả, mỗi quả 1 màu).

1 đĩa to bánh kẹo các loại.

Hoa tươi (hoa cúc vàng).

Trầu 3 lá, cau 3 quả cành đẹp và dài (chỉ được xé cành cau, kiêng dùng dao kéo cắt).

Tiền vàng mã (xưa các cụ dùng 5 đinh tiền vàng lễ, mỗi đinh gồm 10 lễ).

Hương, đèn nến, rượu, nước trắng, thuốc lá, gói chè (loại 1 lạng/gói), gạo, muối.

Các gia chủ cũng có thể chế biến các món ăn sao cho mâm cỗ gia đình phong phú, phù hợp với khẩu vị riêng của gia đình. Lưu ý, trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước), với ý nghĩa Tết Nguyên tiêu mong muốn mọi việc cả năm được hanh thông, trôi chảy.

Mâm cúng mặn hay mâm cúng chay dù to hay nhỏ cũng đều phải chuẩn bị bằng tâm thành, bày biện gọn gàng, sạch sẽ, như thế là đã chu đáo để dâng lên tỏ lòng thành kính với Gia tiên và Phật, cũng như cầu mong năm mới suôn sẻ, may mắn, bình an.

Minh Lâm