Thanh Hóa: Nhộn nhịp không khí sản xuất đầu năm
Kinh tế - Ngày đăng : 20:08, 03/02/2023
Từ sáng ngày 27/1, không khí ra quân, lao động sản xuất đã diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với ước mong một năm mới thuận lợi, vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Tại Nhà máy Dinh dưỡng cây trồng Tiến Nông Bỉm Sơn (thuộc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông), sau lễ ra quân sản xuất trang trọng, ấm áp, nhịp sản xuất đã trở lại như thường ngày; các cán bộ công nhân viên đều căng tràn khí thế lao động, với mục tiêu đạt năng xuất, chất lượng cao hơn năm cũ.
Theo báo cáo của Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, năm 2022 sản lượng tiêu thụ đạt 129.000 tấn phân bón. Tổng doanh thu đạt 1.370 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 7,96 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho 531 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/người/tháng.
Tất cả chế độ phúc lợi cho người lao động được đảm bảo, hoạt động đầu tư mới vẫn tiếp tục triển khai. Môi trường lao động được cải thiện rõ nét với quan điểm “nhà máy như công viên”. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nhận đỡ đầu thêm 51 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nâng tổng số cháu được đỡ đầu đến nay lên 201 cháu.
Năm 2023, công ty phấn đấu tăng trưởng trở lại trong tất cả các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh với sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 160.000 tấn phân bón các loại, doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng, qua đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trong quá trình đó, quan điểm về việc xây dựng các “nhà máy như công viên” sẽ tiếp tục được chú trọng.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông, cho biết: "Năm 2023, chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng 30% so với năm 2022, các giải pháp nỗ lực, tận tâm, chia sẻ từng bước hoàn thiện bộ máy, nâng trình độ của người lao động lên, chúng tôi cũng vươn lên trong nước, tiếp đến xuất khẩu, đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 15% sản lượng của mình".
Quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Công ty cổ phần dụng cụ thể thao Delta đã ngay lập tức đón tin vui với nhiều đơn hàng xuất khẩu tới các thị trường lớn của thế giới như Hungari, Braxin, Hàn Quốc, Chi Lê, Australia, Achentina, Đan Mạch, Đức, Nhật Bản, Pháp… Trong đó, nhiều khách hàng truyền thống của công ty là những doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu trên thế giới về dụng cụ thể thao và may mặc như: UHL Sport, Itochu, Challenger, Walmart.
Mặc dù năm 2022 có nhiều khó khăn và biến động, nhưng doanh thu của công ty vẫn đạt gần 500 tỷ đồng, trích nộp ngân sách nhà nước gần 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 2.000 lao động; mục tiêu đặt ra trong năm 2023 của công ty là sẽ tăng gấp 1,5 lần so với con số 500 tỷ của năm 2022.
Niềm vui trong năm mới là Công ty đang hoàn thành dự án: “Khu liên hợp sản xuất và phúc lợi Delta” trên diện tích 12.000 m2, tổng số vốn đầu tư gần 3 nghìn tỷ đồng. Dự án bao gồm: Trường mầm non, bệnh viện đa khoa, nhà ở cho người lao động, nhà máy dệt, nhà máy may, sân vận động và khu mua sắm tự do… Dự kiến, dự án sẽ thu hút trên 4.000 lao động.
Công ty cổ phần dụng cụ thể thao Delta quyết tâm trở thành một trong những doanh nghiệp lớn mạnh hàng đầu của tỉnh Thanh Hóa với đa ngành nghề, dịch vụ; phát triển ngày càng bền vững và có nhiều đột phá.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, 100% cán bộ, nhân viên người lao động của Công ty xi măng Long Sơn đã quay trở lại làm việc, bắt tay sản xuất các đơn hàng cho năm mới 2023. Trên các chuyền sản xuất, từng sản phẩm đang được bốc xếp đưa đi tiêu thụ. Vượt qua những khó khăn thách thức, năm 2022, Công ty xi măng Long Sơn đã hoàn thành tốt mục tiêu sản xuất kinh doanh, trong đó riêng sản lượng tiêu thụ nội địa tăng trưởng trên 13% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh được dự báo còn nhiều khó khăn, năm 2023, công ty xác định mục tiêu là tiếp tục duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động. Đồng thời mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty xi măng Long Sơn cho biết: "Chúng tôi triển khai bảo dưỡng toàn bộ dây chuyền thiết bị để làm sao vận hành đồng bộ, ổn định, thứ hai là ký kết hợp đồng với nhà phân phối trong nước và nước ngoài mang tính dài hạn cả năm, thứ ba là tiết kiệm vật tư, cải tiến kỹ thuật, cố gắng vận hành ổn định đủ công suất cho cả 4 dây chuyền".
Trong những ngày đầu xuân năm mới, đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các địa phương, ban ngành đoàn thể đã đến thăm, động viên tinh thần sản xuất của các đơn vị, doanh nghiệp. Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 11% trở lên; công nghiệp xây dựng tăng 14,2%, giá trị xuất khẩu đạt trên 5,5 tỷ USD. Với khí thế lao động, sản xuất khẩn trương, sôi động ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều đang nỗ lực, quyết tâm, kỳ vọng về một năm có nhiều thắng lợi; góp phần cùng toàn tỉnh hoàn thành các mục tiêu kinh tế, xã hội đã đề ra.