Nhân rộng những mô hình sống xanh trong cộng đồng tại Bình Thuận
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 19:34, 05/02/2023
Những ngày tháng giêng, trên những nẻo đường quê vào các xã Hàm Cần, Thuận Minh (Hàm Thuận Nam) hay ngược ra Hàm Trí, rồi Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc) vẫn nhuộm một màu vàng của chùm hoa chuông vàng, sắc tím hồng của bông cúc, sao nhái…
Khi câu khẩu hiệu “Đẹp ngõ, sạch nhà”, “Thêm một chậu hoa, bớt một túi rác” vẫn thường được người dân địa phương nhắc nhớ, truyền tai.
Với suy nghĩ và lối sống tích cực ấy mà trong năm 2022, hưởng ứng phong trào trồng cây xanh, các cấp Hội trong tỉnh đã trồng được gần 36.000 cây xanh các loại tại các tuyến đường, khuôn viên, trụ sở làm việc, đồng thời duy trì, xây dựng mới các tuyến đường hoa. Cũng trong năm, Hội thực hiện 342 công trình, phần việc thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, với tổng kinh phí trên 5,42 tỷ đồng. Còn những hộ thiếu một trong 8 tiêu chí “gia đình 5 không, 3 sạch” là không nghèo, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bất bình đẳng giới, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ em suy dinh dưỡng; sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp sẽ được hướng dẫn và giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời.
Đặc biệt, ở phường, xã rất linh hoạt tổ chức các chương trình “Đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, rau xanh”, “Đổi rác thải lấy quà tặng”, “Đổi phế liệu lấy thực phẩm thiết yếu”. Cũng như thành lập tới 43 tổ/nhóm phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa. Có thể kể đến tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon, phụ nữ ứng phó với biến đổi khí hậu, phụ nữ giúp dân phân loại rác thải tại nhà, phụ nữ phân loại và xử lý rác thải, ngôi nhà xanh thu gom rác thải, mô hình “Hỗ trợ phụ nữ ve chai thu gom rác thải tái chế”… nâng tổng số đến nay là 195 tổ với 3.108 thành viên. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thương mại (INTRACO) phân phối 528 bếp đun tiết kiệm năng lượng và gần 7.700 bình lọc nước cho hội viên, phụ nữ.
Còn ở khu vực ven biển thành phố Phan Thiết, huyện Tuy Phong và Phú Quý, Hội phụ nữ lại có cách tiếp cận hội viên bảo vệ đại dương theo nhiều hình thức. Trong đó hướng dẫn 600 hộ gia đình phân loại rác thải tại nhà, xây lò đốt rác, quy trình làm phân compost, hướng dẫn xử lý rác thải hữu cơ, cấp phát 600 thùng rác cho các hộ dân hay giải ngân Quỹ vốn vay xoay vòng giai đoạn 2021 - 2023 của mô hình “Khu dân cư ven biển tham gia thu gom, phân loại rác thải và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” tại xã Bình Thạnh (Tuy Phong) và xã Tam Thanh (Phú Quý)… Việc thực hiện dự án “Kết nối các nguồn lực giảm thiểu rác thải đại dương” làm thay đổi nhận thức và huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và doanh nghiệp giảm thiểu hàng ngàn tấn rác thải vùng biển ven bờ của tỉnh.
Đáng nói là không chỉ phụ nữ ở thành thị, vùng đồng bằng, ven biển mà các chị ở vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số cũng hưởng ứng nhiệt tình và có những hành động thiết thực chung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Ngay tại xã Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc), gia đình do phụ nữ làm chủ hộ đã ý thức việc sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, tận dụng khóm đất ven nhà, ven sông trồng rau sạch, trồng lúa hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Còn ở Tánh Linh, Hàm Thuận Nam nhiều chuồng trại được xây dựng kiên cố cho gia súc, gia cầm hay trồng nấm rơm trong nhà…
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Để nếp sống “xanh” trở thành “phản xạ không điều kiện” và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, bên cạnh tiếp tục tích cực tham gia, nhân rộng các mô hình, phong trào ý nghĩa, mỗi hội viên, phụ nữ cần ý thức rằng, chung tay bảo vệ môi trường chính là đang đem lại môi trường sống an toàn, lành mạnh cho chính mỗi người, mỗi nhà và con em chúng ta thụ hưởng hiện tại và về sau.