Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long dự báo tiếp tục gia tăng

Nước và cuộc sống - Ngày đăng : 19:00, 06/02/2023

Xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang có xu thế tăng nhanh và đột biến từ đầu tháng 2/2023. Dự báo, mặn sẽ xâm nhập sâu hơn trong ngay trong tháng 2 này.

Theo nhận định của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, mùa khô năm nay xâm nhập mặn không gay gắt như những năm cực đoan 2015 - 2016 và 2019 - 2020 do một phần ảnh hưởng của hiện tượng La Nina (pha lạnh). Tuy nhiên, khả năng mặn xâm nhập sâu bất thường có thể xảy ra bởi những biến động dòng chảy ở bất cứ thời điểm nào do vận hành thủy điện thượng nguồn.

Dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 2/2023, Tổng cục Thủy lợi cho biết, ở vùng các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4 g/l có khả năng xâm nhập đến 40-50 km, so với năm 2020 thấp hơn từ 18-20 km. Một số thời điểm sẽ ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi từ 40km trở xuống.

man.jpg
Xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng đến lấy nước ở Đồng bằng sông Cửu Long


Ranh mặn 4 g/l lớn nhất tháng 2/2023, trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức 65-70 km, so với năm 2020 thấp hơn từ 25-35 km, nhưng cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 từ 5-7km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi từ 60 km trở xuống trong các kỳ triều cường.

Trên sông Cái Lớn, hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé vận hành bảo đảm kiểm soát xâm nhập mặn.

“Một số thời điểm xâm nhập mặn ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi, tuy nhiên, nguồn nước cơ bản vẫn đảm bảo để cung cấp phục vụ sản xuất cho vụ Đông Xuân 2022-2023”, Tổng cục Thủy lợi nhận định.

Tuần qua, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công có xu thế giảm, dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long có xu thay đổi theo triều.

Tại trạm Kratie, mực nước trong tuần có xu thế giảm, đến 7 giờ ngày 1/2/2023 mực nước đạt 7,5 m; so với cùng kỳ cao hơn trung bình nhiều năm 0,58m, cao hơn năm 2022 khoảng 0,08 m, cao hơn năm 2020 khoảng 0,82 m, cao hơn năm 2016 khoảng 0,65 m.

Tại Biển Hồ, dung tích ngày 1/2 đạt 8,15 tỷ m3; so với cùng kỳ, cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1,35 tỷ m3, cao hơn năm 2022 khoảng 2,87 tỷ m3, cao hơn năm 2020 khoảng 5,61 tỷ m3, cao hơn năm 2016 khoảng 5,49 tỷ m3.

Tại Tân Châu và Châu Đốc, mực nước tại trạm Tân Châu và Châu Đốc tuần qua có xu thế giảm theo triều. Mực nước lớn nhất ngày 1/2 tại trạm Tân Châu đạt 1,29 m; so với cùng kỳ, cao hơn năm 2016 khoảng 0,12 m, cao hơn năm 2020 khoảng 0,16 m. Tại Châu Đốc đạt 1,46 m; so với cùng kỳ, cao hơn năm 2016 0,17m, cao hơn năm 2020 khoảng 0,17 m.

Nhận định về tình hình diễn biến xâm nhập mặn, PGS.TS Lê Anh Tuấn - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: Hiện nay nước sông Cửu Long ở thượng nguồn cao hơn trung bình nhiều năm do năm nay mùa mưa kết thúc rất trễ, mặc dù mùa khô nhưng lại có những trận mưa rất lớn. Bên cạnh đó ghi nhận ở các đập thượng nguồn cũng tiến hành xả đập vì vậy, hiện tại vùng ĐBSCL không thiếu nước ngọt, trong khi đó mặn cũng chưa đi sâu vào nội đồng. Điều rất lạ và hiếm thấy gần đây trong mấy ngày Tết từ mùng 2 đến mùng 4, tại nhiều tỉnh thành, nước dâng cao cộng với triều cường và mưa khiến ngập cục bộ nhiều nơi...

Mặc dù vậy, ông Tuấn vẫn khuyến cáo các địa phương nên có các phương án trữ nước chủ động với những diễn biến thời tiết bất thường có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chắc chắn tháng 3 và tháng 4 tới mặn sẽ tràn vào, tuy nhiên dự báo của ngành chức năng sẽ không nghiêm trọng như một số năm vừa qua (năm 2016 và 2020). Ở vùng ĐBSCL bà con đã sẵn sàng với việc mùa khô nào nước mặn cũng tràn vào, trong khi dự báo năm nay sẽ không đáng lo.

Ông Tuấn cho rằng, để sẵn sàng ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn và những diễn biến bất thường có thể xảy ra, người dân và chính quyền địa phương cần có phương án trước mắt và lâu dài. Cụ thể trước mắt cần tích trữ nước bằng nhiều cách mà lâu nay các địa phương vẫn làm như xây hồ, ngăn các tuyến kênh nội đồng, đào ao, dùng túi chứa nước. Thường xuyên theo dõi, cập nhật số liệu, diễn biến của khí tượng thủy văn.

“Về lâu dài, nên giảm diện tích trồng lúa, chọn các loại cây trồng giảm tiêu thụ nước hoặc chuyển qua nuôi trồng thủy sản” – ông Tuấn nói.

Tổng cục Thủy lợi tiếp tục phối hợp với các Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, Khoa học Thủy lợi miền Nam tăng cường theo dõi thông tin từ thượng nguồn sông Mê Công, liên tục cập nhật nhận định tình hình để báo cáo Bộ phương án ứng phó.

Hoàng Anh