Đừng để rác ngập tràn sau lễ hội

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 15:00, 06/02/2023

Hằng năm, chúng ta vẫn phải chứng kiến những lễ hội mở đầu với sắc màu rực rỡ, nhưng những gì còn lại sau ngày hội lung linh đó chính là khung cảnh tan hoang, nhếch nhác bởi "rác" do chính người đi dự lễ hội xả một cách bừa bãi.

Không khí vui chơi sau các dịp lễ hội vừa kết thúc cũng là lúc những công nhân môi trường xuống đường làm việc. Vào mỗi dịp lễ hội, họ phải làm việc gấp hai, ba lần so với ngày thường bởi lượng rác thải ra quá nhiều. Người đi chơi mang niềm vui về nhà nhưng để rác thải ở lại khắp nơi.

rac-thai-le-hoi-3-.jpg
rac-thai-le-hoi-1-.jpg
Nạn xả rác bừa bãi đã không còn mới lạ, thậm chí là chuyện mà ai cũng biết

Trong các dịp lễ hội thì các hàng quán bán hàng rong xuất hiện càng nhiều. Đa phần bán thức ăn nhanh như cá viên chiên, bánh, hoa quả chế biến sẵn… cộng với thói quen lạm dụng hộp xốp và bao nilon đã gây ra tình trạng ăn xong rồi vứt rác ra đường, thậm chí là ngay dưới chân mình.

Dường như người ta không quan tâm đến việc ngồi ăn ngay trên bãi rác do chính mình tạo ra. Nếu nơi nào tổ chức lễ hội, ngay sau khi kết thúc nơi đó ngập tràn rác. Dù có nhiều thùng rác được bố trí khắp nơi nhưng mọi người vẫn thản nhiên bỏ rác bừa bãi.

rac-thai-le-hoi-2-.jpg
Thói quen lạm dụng hộp xốp đã gây ra tình trạng ăn xong rồi vứt rác ra đường

Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ tháng 2/2017) thì mức xử phạt đối với các hành vi vứt đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt từ 500.000 - 1.000.000đ; vứt rác thải bừa bãi tại khu chung cư, thương mại phạt từ 3 - 5 triệu đồng; vứt rác thải lên vỉa hè, đường phố, hệ thống thoát nước phạt từ 5 - 7 triệu đồng... Việc xử phạt nặng các hành vi nêu trên là một trong những giải pháp tốt để ngăn ngừa được những thói quen xấu, gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị. Song đi kèm với việc xử phạt cũng cần triển khai nhiều cách làm phù hợp.

don-rac.jpg
Vào mỗi dịp lễ hội, công nhân môi trường phải làm việc gấp hai, ba lần so với ngày thường

Để giảm thiểu tình trạng vứt rác thải bừa bãi, trước hết cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân và sự chung tay cộng đồng bằng những việc làm cụ thể. Ví dụ, mỗi người tham gia lễ hội có thể mang theo nước uống, vừa tiết kiệm tiền lại vừa hạn chế việc vứt chai nhựa ra môi trường chung quanh. Dùng túi xách cá nhân để đựng vật dụng cần thiết cũng như đựng những món quà lưu niệm mà không cần đến túi nilon độc hại. Không xả rác bừa bãi và vứt rác đúng nơi quy định để giữ quang cảnh sau lễ hội sạch đẹp như ban đầu.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước và Ban tổ chức, trước và trong lễ hội tăng cường công tác truyền thông về bảo vệ môi trường; thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo người dân hạn chế dùng túi nilon; dỡ bỏ các đơn vị bán hàng rong trái pháp luật bởi đây cũng là một trong những nguyên nhân tăng cao lượng túi nhựa, ly nhựa mang đi cho du khách, người tham gia lễ hội. Riêng với công ty môi trường cũng cần nâng cao công tác vệ sinh vào dịp lễ hội; huy động lực lượng công nhân làm việc để lượng rác thải không bị tồn đọng nhiều ngày sau dịp lễ. Cùng với đó là bố trí thêm nhiều thùng rác ở nơi tập trung đông người tham gia lễ hội. Có như vậy mới phần nào hạn chế được tình trạng rác thải gây mất mỹ quan đô thị.

Ánh Dương