Đền Bà Chúa Kho - Sân Đền Nói không với Rác

Môi trường xã hội - Ngày đăng : 18:30, 07/02/2023

Năm nay, Lễ hội Xuân đền Bà Chúa Kho tại Bắc Ninh vẫn thu hút khách du lịch đông vui, tấp nập. Tuy nhiên, không gian tại sân Đền năm nay không có cảnh chen chúc, xô bồ như các năm trước. Đặc biệt, những ngày đầu Xuân thời tiết mưa, ẩm thấp, nhưng sân đền và các khu vực xung quanh Đền vẫn sạch sẽ, không có hiện tượng xả rác bừa bãi.

Đôi nét về tín ngưỡng Bà Chúa Kho

Trong hệ thống thần linh của tín ngưỡng người Việt thì hình tượng Bà Chúa Kho rất độc đáo. Bà vừa là một nhân vật huyền thoại, vừa là một nhân vật lịch sử. Việc suy tôn Bà có sự hội tụ của truyền thống sùng bái nữ thần và sự tôn vinh người anh hùng có công khai phá đất đai, gây dựng cộng đồng, hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước. Ở nước ta có 3 Bà Chúa Kho được phong Phúc Thần, đó là Bà Chúa Kho ở Nam Định, Bà Chúa Kho ở Giảng Võ (Hà Nội), và nổi tiếng nhất là Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh.

W_den-ba-chua-kho-5-.jpg
W_den-ba-chua-kho-7-.jpg
Khu vực sân đền luôn sạch sẽ, không có hiện tượng xả rác bừa bãi

Do có tiếng thiêng lâu đời, nên yếu tố tâm linh và sự phong phú về đồ lễ ở đền Bà Chúa Kho Bắc Ninh thì hiếm ngôi đền nào trên cả nước sánh được. Mặc dù tiền vay-tiền trả đều chỉ là vàng mã, tức là chỉ mang tính ước lệ, nhưng giá của những thứ đó có thể lên đến hàng triệu tiền thật. Bởi người ta quan niệm rằng, đồ lễ hậu hĩnh để vừa làm đẹp lòng thần thánh, vừa kỳ vọng trong làm ăn thực tế sẽ đạt được lợi nhuận tương xứng với mức chi phí đã bỏ ra.

Điều đó đã tạo cho hệ thống đồ lễ có hẳn một thang bậc quy tắc: vàng đỏ cho đức thánh Trần, vàng xanh cho ban Chúa, cành vàng lá ngọc bằng giấy trang kim dâng lên Mẫu, đôi ngựa hầu bằng giấy phất nan tre cúng vào ban Quan Tam phủ... tất cả được thiêu thành tro để gửi về nơi thánh thần. Còn các lễ mặn như thịt lợn, thịt gà; các lễ chay như xôi, oản, hoa quả... sau khi lễ xong thì chia cho mọi người đem về thụ hưởng coi như lộc Bà ban.

W_den-ba-chua-kho-15-.jpg
W_den-ba-chua-kho-16-.jpg
W_den-ba-chua-kho-1-.jpg
Không gian tại sân Đền linh thiêng không có cảnh chen chúc, xô bồ như các năm trước

Hành động “vay- trả” thể hiện cảm quan duy tâm vốn phổ biến trong giới kinh doanh người Việt và Á Đông. Việc đi lễ đền Bà Chúa kho mang đến cho họ một tâm thế tự tin để khởi sự công việc trong năm vì sẽ có thần linh phù hộ. Mặt khác, nguyên tắc đã “vay” thì có “trả” được những người đi lễ ý thức như một cam kết tâm linh, khiến họ không ngừng cố gắng vươn lên để giữ “chữ tín” với Bà. Với ý niệm này, tâm linh và thế tục đã có sự hòa quyện.

Người dân đi lễ bà Chúa Kho tấp nập đầu Xuân


Với quan niệm, "đầu năm đến vay Bà, cuối năm trả nợ" sẽ giúp việc kinh doanh, buôn bán thuận lợi nên ngay từ những ngày đầu Xuân năm mới đã có rất đông người dân và du khách thập phương đến Đền Bà Chúa Kho để dâng hương, hành lễ.

Anh Nguyễn Văn Đạt - du khách đến từ Hà Nội cho biết, năm nào anh cũng về Đền Bà Chúa Kho để cầu xin lộc và phước lành đến với toàn gia đình. "Tôi thấy khách năm nay đông nhưng đông một cách văn minh lịch sự và bố trí đẹp, sạch sẽ không lộn xộn như mọi khi" - Anh Đạt nói.

W_den-ba-chua-kho-3-.jpg
Anh Nguyễn Văn Đạt - du khách đến từ Hà Nội
W_noi-quy-le-hoi-2-.jpg
W_noi-quy-le-hoi-1-.jpg
Các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã ban hành kế hoạch quản lý di tích, tổ chức lễ hội Đền Bà Chúa Kho văn minh, an toàn, thân thiện và phù hơp với bản sắc văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc.
W_den-ba-chua-kho-4-.jpg
Chị Vũ Thị Ngọc Thuý - du khách đến từ Hà Nội

Chị Vũ Thị Ngọc Thuý, đến từ Hà Nội cho biết, công tác đón khách tại lễ hội chuẩn bị cũng khá chuyên nghiệp, có nơi để mọi người chuẩn bị lễ riêng và bãi đỗ xe cũng đã có biển chỉ dẫn đi lại rất thuận tiện, sân đền sạch sẽ, không có rác thải bừa bãi, khuôn viên Đền rất sạch đẹp.

W_den-ba-chua-kho-14-.jpg
Các gian hàng bày bán lễ tại Đền bà Chúa Kho đều phải trang bị đầy đủ dụng cụ phòng cháy chữa cháy

Đặc biệt các gian hàng bày bán lễ tại Đền bà Chúa Kho đều phải trang bị đầy đủ dụng cụ phòng cháy chữa cháy, không có dấu hiệu tranh giành khách.

Đền Bà Chúa Kho là một trong những di tích cổ kính gắn liền với hàng ngàn năm lịch sử của vùng đất Kinh Bắc - Bắc Ninh. Từ lâu ngôi đền này đã đi vào tâm linh tín ngưỡng dân gian linh thiêng “sở cầu đắc cầu, sở nguyện đắc nguyện”.

Ánh Dương