Bình Định: Núp bóng “cải tạo đất chính danh” để khai thác đất trái phép
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 10:03, 03/05/2017
(Moitruong.net.vn) – Trong thời gian qua, tại Bình Định xuất hiện tình trạng khai thác đất trái phép núp dưới danh nghĩa “cải tạo đất chính danh” gây bức xúc dư luận.
Từ con đường hợp thức hóa “cải tạo đất”
Để được chính danh khai thác đất, nhiều cá nhân, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bình Định đã bắt tay với lãnh đạo địa phương thực hiện cải tạo mặt bằng, cải tạo ruộng đồng, lấy đất tại các gò, đồi để san lấp công trình địa phương. Và với cách làm này, lãnh đạo địa phương đã ký hợp đồng với các cá nhân, đơn vị thực hiện việc “cải tạo đất” một cách danh chính, ngôn thuận.
Vì đã có hợp đồng trong tay, các đơn vị ngang nhiên được khai thác đất, rút ruột tài nguyên vô tội vạ. Ví như hoạt động cải tạo đồng ruộng tại khu vực Đồng Gai, thuộc thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh (Phù Cát); cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp tại khu vực Mương Làng, thuộc thôn Vĩnh Thái, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Thạnh) diễn ra đầu năm 2017; cải tạo đồng ruộng tại khu vực Gò Giữa, thuộc thôn Chánh Hiển, xã Canh Hiển (Vân Canh) diễn ra cuối năm 2016; san lấp, tạo mặt bằng khu di dãn dân đang diễn ra tại xã An Tân (An Lão)…
Trước thực trạng khai thác đất trái phép diễn ra tràn lan, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các huyện thị, thành phố tăng cường ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển đất trái phép. Tuy nhiên, hoạt động khai thác, vận chuyển đất diễn ra ngày càng ngang nhiên như một “đại công trường”.
Đất sau khai thác được vận chuyển đi tiêu thụ kiếm lời
Đến ngang nhiên khai thác đất trái phép
Không chỉ núp bóng “cải tạo đất chính danh” để khai thác đất mà các đối tượng còn ngang nhiên khai thai đất bất chấp các quy định của pháp luật. Đó là vụ việc khai thác đất trái phép tại khu vực núi Một thuộc thôn Phú Thọ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn (Bình Định). Sau khi được báo chí phản ánh, UBND huyện Tây Sơn đã có văn bản số 220/UBND-NC ngày 25/4/2017 báo cáo tường minh sự việc tới Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.
Theo nội dung văn bản: Qua quá kiểm tra, tại thửa đất số 408 tờ bản đồ số 22 (thôn Phú Thọ, xã Tây Phú) có khai thác đất với diện tích 300m2 với chiều cao khai thác là 1,1m, tổng khối lượng khai thác ước tính là 330m3 đất. Hiện trạng, xung quanh khu vực khai thác đất có một đoạn đường mới xây đắp bằng đất cấp phối, đấu nối tuyến đường Bảo tàng Quang Trung – Hầm Hô đến đồi núi Một với chiều dài 92m, chiều rộng 4,5m, bề dày 0,9m. Và ông Nguyễn Ngọc Tuấn (trú tại thôn Phú Thọ, xã Tây Phú) là người đứng ra thuê nhân công, máy móc để thực hiện việc lấy đất dù chưa được cấp có thầm quyền cho phép.
Đây chỉ là một trong số vô vàn các vụ việc khai thác đất trái phép đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Bình Định. Hoạt động khai thác, vận chuyển đất diễn ra tràn lan, lộn xộn, nhưng dường như chính quyền các địa phương chưa thật sự sâu sát trong việc kiểm tra, giám sát. Rất nhiều trường hợp khi được báo chí phát hiện và phanh phui thì lãnh đạo địa phương lại tỏ ra bất ngờ hoặc lý do sự việc khó kiểm tra, xử lý vì các đối tượng lén lút hoạt động.
Theo Sở TN – MT Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định có 5 mỏ đất được ngành chức năng cấp phép và còn hiệu lực hoạt động, gồm: Mỏ đất tại khu vực phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn); mỏ tại khu vực núi Dông Điều (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn); mỏ khu vực Ẹo Bà Nho (phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn); mỏ khu vực núi Một (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát); mỏ khu vực núi Chà Rây (xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn).
Nhưng, theo khảo sát thực tế của phóng viên, tại Bình Định còn rất nhiều địa điểm đang có hoạt động khai thác và vận chuyển đất. Điều đó đặt ra cho các cơ quan quản lý “bài toán” về vấn đề kiểm soát tài nguyên đất như thế nào để giảm tình trạng khai thác đất trái phép và bảo vệ môi trường sống của con người.
Linh Ly