Tại sao không thể dự báo sớm được động đất

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 07:30, 12/02/2023

Tính đến thời điểm này, chưa có một phương pháp nào có thể dự báo chính xác thời điểm động đất diễn ra, các nhà khoa học chỉ có thể ước tính sơ bộ về thời gian trung bình diễn ra giữa các trận động đất, hoặc vùng nào thì có khả năng xảy ra nhiều động đất.

Khó có thể dự đoán sớm động đất

Những ngày qua, cả thế giới đổ dồn sự chú ý vào trận động đất thảm khốc tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Đến nay, lực lượng cứu hộ trên khắp thế giới vẫn đang nỗ lực tìm người trong đống đổ nát dưới sự khắc nghiệt của thời tiết lạnh giá .

Nguyên nhân gây ra động đất là do các mảng kiến tạo xô đẩy lẫn nhau, tạo sức ép khổng lồ lên ranh giới giữa các mảng (ranh giới này gọi là đứt gãy). Tuy nhiên, động đất không chỉ diễn ra ở các mảng đứt gãy mà có thể ngay trong chính mảng kiến tạo. Chính kiểu động đất này lại khó phát hiện và đo lường hơn hẳn.

dong-dat.jpg
Các trận động đất diễn ra rất đột ngột và để lại hậu quả thảm khốc. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, đôi khi con người cũng góp phần làm yếu kết cấu địa chất. Ví dụ như ở Hoa Kỳ, việc bơm hàng triệu gallon nước thải xuống lòng đất đã làm đá phiến sét trơn trượt hơn, chúng va vào nhau và gây chấn động dưới bề mặt địa chất.

Hiện nay, chưa có một phương pháp nào có thể dự báo chính xác thời điểm động đất diễn ra, các nhà khoa học chỉ có thể ước tính sơ bộ về thời gian trung bình diễn ra giữa các trận động đất, hoặc vùng nào thì có khả năng xảy ra nhiều động đất.

TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, hiện chỉ cảnh báo động đất có thể xảy ra ở một vùng nào đó chứ khó dự báo thời gian xảy ra động đất. Ngay như ở Nhật Bản, có những trận động đất xảy ra gây thiệt hại rất lớn, những thời gian xảy ra động đất gần như không thể dự báo sớm được.

"Với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, chỉ dự báo được qua sóng động đất chỉ vài giây đến vài chục giây. Với thời gian đó, ở Nhật họ chỉ dùng đủ để dừng hoạt động của tàu điện ngầm, cảnh báo khẩn cấp đến người dân… để chủ động phòng tránh", ông Xuân Anh nói.

Cho đến nay, trên thế giới chưa có nước nào có thể dự báo được chính xác khi nào động đất xảy ra, cũng như làm cách nào để chống lại động đất, nhưng có thể giảm thiểu được những thiệt hại do động đất gây ra. Các nhà khoa học chỉ có thể đưa ra cảnh báo sớm là khu vực này, vùng kia có thể sẽ xảy ra động đất ở độ lớn nào đó, chứ không thể đưa ra thông tin chính xác thời điểm nào xảy động đất.

"Thông tin cảnh báo khu vực này có thể sẽ xảy ra động đất ở độ lớn nào đó đã là rất tốt rồi. Bởi từ thông tin này, chính quyền địa phương và người dân sẽ xây dựng các công trình như thủy điện, nhà dân,... có khả năng chống chịu với độ lớn của động đất từ thông tin cảnh báo

Điều quan trọng đầu tiên là phải bảo đảm tính bền vững của các công trình xây dựng, tiếp đến là vấn đề giáo dục về các biện pháp phòng tránh rủi ro động đất. Phải tuyên truyền đến người dân để họ nắm được những kỹ năng cơ bản trong phòng tránh và giải quyết hậu quả do động đất gây ra.

Tại Việt Nam, PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, lần đầu tiên trong tư liệu ghi chép lịch sử của Việt Nam xuất hiện từ "Động đất" là vào năm 978. Nếu theo tư liệu lịch sử Trung Quốc thì năm 114 tại Việt Nam (Quận Nhật Nam, có lẽ là khu vực từ Nghệ An tới Quảng Nam) đã xuất hiện một động đất mạnh, làm "đất nứt xé ra dài hơn trăm dặm". Nhìn chung các ghi chép trong lịch sử còn thiếu chính xác về địa điểm cũng như mức độ tàn phá và thiệt hại do động đất gây ra.

Năm 1924 trạm địa chấn đầu tiên của Việt Nam được thiết lập tại Phù Liễn (Hải Phòng), đánh dấu bước khởi điểm quan trắc động đất bằng máy ở nước ta. Trạm này chỉ hoạt động được trong một thời gian không dài và mãi cho đến năm 1957 mới được khôi phục lại. Năm 1961, sau khi xây dựng xong trạm địa chấn Sapa thì định hướng nghiên cứu về động đất mới được hình thành và phát triển mạnh mẽ nhất từ sau những năm đầu của thập niên tám mươi của thế kỷ hai mươi cho đến nay.

Giảm thiểu rủi ro động đất

Khoảng 90% các trận động đất trên thế giới xảy ra ở Vành đai Lửa (Ring of Fire), khu vực xung quanh Thái Bình Dương và chạy dọc qua những quốc gia như Philippines, Nhật Bản, Alaska, California, Mexico và Chile. Vành đai cũng là nơi có 3/4 núi lửa đang hoạt động.

Mexico là “đối tượng” đặc biệt gây tò mò với giới khoa học. Đất nước này nằm trên ba mảng kiến tạo nên hoạt động địa chấn diễn ra khá dữ dội. Năm 1985, một trận động đất xảy ra ở thủ đô, khiến hơn 10.000 người chết.

Vị trí của quốc gia này rất kỳ lạ vì chỉ cần nếu khu vực lân cận có chấn động, chấn động đó sau cùng lại “dồn” về Mexico. Do vậy, một trận động đất nhỏ cũng ẩn chứa mối họa tiềm tàng với người dân Mexico.

Biện pháp tốt nhất giúp giảm thiểu tử vong do động đất là chuẩn hóa các công trình xây dựng. Các quốc gia hay xảy ra động đất hiểu rõ điều này, điển hình là Nhật Bản, nơi mà chính phủ luôn tích cực cập nhật và tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn xây dựng để thiết kế được nhiều tòa nhà có khả năng đứng vững trước động đất.

Các quy chuẩn này cũng góp phần đẩy mạnh ngành công nghiệp xây dựng tại Nhật. Vấn đề hiện tại là thiết kế các tòa nhà kiểu mẫu có thể sẽ rất tốn kém với một số quốc gia khác.

Ở các quốc gia như Iran, hơn 1/4 dân số sống ở nông thôn, nhà ở đây được xây bằng vật liệu truyền thống như gạch bùn và đá thay vì bê tông cốt thép, khả năng nhà đổ sập khi động đất xảy ra là rất cao.

Nhưng điều đáng sợ nhất lại diễn ra ở đất nước hiếm khi xảy ra thảm họa, ví dụ như Haiti. Năm 2010 hiện về như một ký ức kinh hoàng với người dân Haiti khi có đến 150.000 người thiệt mạng bởi vụ động đất 7,0 độ richter.

Điều đáng nói là trận động đất có sức công phá tương tự đã xảy ra cách đây 200 năm, quá lâu để chính phủ và người dân có tâm lý đề phòng. Chính vì thiếu nguồn lực, quy tắc xây dựng thống nhất và kỹ năng sinh tồn mà thương vong đáng tiếc đã xảy ra.

Mai Lan