Thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch, quản lý nhà kính ở Lâm Đồng

Kinh tế - Ngày đăng : 20:00, 14/02/2023

Việc giảm dần và xóa bỏ nhà kính, đồng thời chuyển dần sang phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp du lịch cảnh quan, sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường, nhưng vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là những mục tiêu quan trọng đề ra.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có quyết định phê duyệt đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 với kinh phí 176,8 tỷ đồng, tập trung vào hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trong nhà kính sang trồng ngoài trời.

Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có trên 4.476 ha nhà kính, trong đó TP Đà Lạt chiếm tới hơn 57% (khoảng 2.550 ha) và chiếm 24,32% diện tích canh tác nông nghiệp của phố núi. Khảo sát thực tế của phóng viên cho thấy, người dân Đà Lạt đã dựng nhà kính canh tác nông nghiệp ngay trong khu vực nội đô thành phố. Có khu vực diện tích canh tác gần như đã được phủ kín bởi nhà kính. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, Phường 12 có tới hơn 83% diện tích canh tác nông nghiệp trong nhà kính, các Phường 5, 7 và 8 diện tích nhà kính cũng chiếm hơn 60% diện tích canh tác.

nha-kinh-da-lat.jpg
Những vùng nông nghiệp ở nội ô Đà Lạt và lân cận đã bị phủ trắng nhà kính. Ảnh: T.N

Việc các tổ chức, hộ nông dân ở TP Đà Lạt phát triển nhà kính kết hợp với ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ, thiết bị công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trong những năm qua chủ yếu vì hiệu quả kinh tế mang lại cao so với cây trồng cùng loại ở ngoài trời. Bởi sản xuất nông nghiệp trong nhà kính không phụ thuộc vào thời tiết, nông dân chủ động được với mùa vụ và các điều kiện bất lợi của thời tiết cực đoan trong canh tác; cây trồng vì thế cho năng suất cao, sản phẩm nông sản cho chất lượng tốt hơn. Không chỉ vậy, sản xuất trong nhà kính còn giảm được nhân công lao động, chi phí vật tư nông nghiệp; quản lý tốt sâu bệnh hại cho cây trồng, kiểm soát được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Theo tính toán của ngành Nông nghiệp, canh tác rau, hoa trong nhà kính giảm được 30% lượng nước tưới, phân bón và giảm 30 - 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều doanh nghiệp, nông dân có thu nhập hàng tỷ đồng nhờ thông qua ứng dụng công nghệ nhà kính để có sự tương hỗ các công nghệ khác, tạo ra doanh thu cao. Tùy loại rau, hoa khi ứng dụng đồng bộ nhà kính và các công nghệ cao, năng suất sẽ cao hơn 2-3 lần, giá trị nông sản cao hơn 1,5 - 2 lần so với cây trồng không trồng trong nhà kính.

Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả kinh tế mà nhà kính mang lại, việc phát triển “nóng”, thiếu quy hoạch kịp thời diện tích nhà kính ở Đà Lạt trong thời gian qua đã để lại những hệ lụy không nhỏ về môi trường cảnh quan. Nhà kính phát triển ồ ạt ở khắp nơi đã phá vỡ cảnh quan, mỹ quan đô thị; tăng hiệu ứng nhà kính cục bộ; hạn chế tính đa dạng sinh học; làm giảm khả năng thẩm thấu nước dẫn đến nguy cơ giảm mực nước ngầm; tạo dòng chảy cục bộ, tạo ra nguy cơ gây lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ trên địa bàn thành phố…

Không chỉ gây ra ngập lụt, sự tăng trưởng nóng của nông nghiệp công nghệ cao nhưng thiếu quy hoạch quy củ đã khiến bộ mặt đô thị Đà Lạt trở nên nhếch nhác. Cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp lãng mạn phần lớn bị che khuất sau những khu nhà màng, nhà kính trắng xóa khổng lồ.

Bởi vậy, việc giảm dần và xóa bỏ nhà kính, đồng thời chuyển dần sang phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp du lịch cảnh quan, sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường, nhưng vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn là những mục tiêu quan trọng mà đề án đưa ra. Song, cần có những giải pháp đồng bộ, với tầm nhìn dài hạn và hài hòa lợi ích.

Theo các chuyên gia quy hoạch nhận định, Lâm Đồng cũng như Đà Lạt rất cần bản quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, để sau 100 năm, thậm chí 200 năm vẫn còn phù hợp.

Minh Lâm