Đa dạng sinh học ở Việt Nam - Bài 1: Thực trạng và thách thức trong bảo tồn

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 08:30, 16/02/2023

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 25 quốc gia có sự đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, chúng ta đang đứng trước không ít thách thức khi mà bảo tồn đa dạng sinh học có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Đa dạng sinh học là gì?

Đa dạng sinh học là một từ khái quát để chỉ về các giống loài khác nhau trong tự nhiên. Các giống loài này bao gồm thực vật, động vật, vi sinh vật, các hệ sinh thái và các quá trình sinh thái mà các loài trên là một bộ phận trong đó.

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 30 triệu giống loài sinh vật. Giữa các giống loài có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.

da-dang-sinh-hoc.jpeg
Trên thế giới có khoảng 30 triệu giống loài sinh vật.

Ví dụ: thực vật biến đổi năng lượng mặt trời thành thức ăn cho động vật nhưng ngược lại thực vật cũng nhờ động vật như hoa nhờ ong chuyển phấn hoa…; loài này là thức ăn của loài kia…

Thực vật, động vật và vi sinh vật có gen di truyền và những thông tin chứa trong các gen này là những thông tin hữu ích đối với sự phát triển thuốc trừ vật hại thiên nhiên, các loại động, thực vật có sức đề kháng cao.

Số lượng các loài khác nhau đo lường sự đa dạng giống loài. Trạng thái muôn vẻ của môi trường cư trú, cộng đồng sinh vật và tiến trình sinh thái được gọi là sự đa dạng sinh thái.

Hoạt động của con người đã làm cho tốc độ tuyệt chủng các giống loài tăng nhanh. Con người săn bắt, khai thác bừa bãi các loài thú, rừng, hay sự xuất hiện quá mức của các giống loài làm ảnh hưởng đến các loài khác (ốc bươu vàng ở Việt Nam, Philippines; hoa trinh nữ, bèo Nhật Bản, thỏ ở Úc…

Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) ước tính có khoảng 22 triệu loài động vật. Trong đó có 1,5 triệu loài đã được mô tả; 7 triệu có nguy cơ tuyệt chủng trong khoảng 30 năm tới; 3/4 loài chim trên thế giới đang suy tàn; 1/4 loài có vú có nguy cơ bị tiêu diệt.

Trong nông nghiệp, mỗi năm mất đi một số giống cây trồng, trong đó có những giống được mô tả trong các bộ sưu tập các tư liệu di truyền. Vì vậy, giữ gìn môi trường sống và bảo tồn giống loài đã trở thành vấn đề môi trường cấp bách nhất hiện nay.

Thực trạng đa dạng sinh học ở Việt Nam

Việt Nam, là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, có sự phong phú và đa dạng về các nguồn gen quý, hiếm. Với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên, phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học; lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên cả nước... Ðến nay, chúng ta đã thành lập được 173 khu bảo tồn, trong đó gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan. Cả nước cũng có 9 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới; 23 tỉnh phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố...

viet-nam.jpg
Việt Nam nằm trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới.

Theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam nằm ở vị trí chuyển giao của nhiều luồng sinh vật: phía Đông mang các đặc điểm địa sinh học của dãy Hymalaya; phía Nam có các kiểu hệ sinh thái tương tự với các hệ sinh thái biển đảo và đất liền của khu vực Đông Nam Á; dãy Trường Sơn là vùng chuyển tiếp giữa kiểu khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bên cạnh các dãy núi, Việt Nam còn có 16 hệ thống sông chính, trong đó có hơn 10 hệ thống sông mà lưu vực có diện tích trên 10.000km2 như hệ thống sông Hồng, sông Cửu Long, sông Đồng Nai... Bên cạnh hệ sinh thái rừng thì Việt Nam còn có nhiều kiểu hệ sinh thái khác như trảng cỏ, đất ngập nước nội địa, đồi cát, bãi bồi ven biển, cửa sông, bãi cỏ biển, rạn san hô và vùng biển sâu. Song song đó còn có các hệ sinh thái nhân tạo như đập nước, đất nông nghiệp, đô thị.

Đa dạng sinh học ở Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới. Một thống kê chưa đầy đủ vào cho thấy, Việt Nam là nơi trú ngụ của 13.766 loài thực vật, 10.300 loài động vật trên cạn (312 loài thú, 840 loài chim, 167 loài ếch nhái, 317 loài bò sát, trên 7.700 loài côn trùng, và nhiều loài động vật không xương sống khác). Số loài sinh vật nước ngọt đã được biết đến là hơn 1.438 loài vi tảo, 800 loài động vật không xương sống, 1.028 loài cá nước ngọt. Số lượng loài sinh vật biển được biết là hơn 11.000 loài (6.300 loài động vật đáy, 2.500 loài cá biển, 653 loài rong biển, 657 loài động vật nổi, 537 loài thực vật nổi, 94 loài thực vật ngập mặn, 225 loài tôm biển, 14 loài cỏ biển, 15 loài rắn biển, 25 loài thú biển và 5 loài rùa biển).

Các con số thống kê nêu trên chưa thực sự phản ánh đầy đủ tính đa dạng sinh học của Việt Nam, khi mà số lượng loài mới được phát hiện không ngừng tăng nhanh trong những năm gần đây. Điều đó chứng minh nguồn tài nguyên về đa dạng loài động, thực vật ở Việt Nam chưa thực sự được hiểu biết đầy đủ.

Giá trị đa dạng sinh học cao nhưng hiện trạng tình trạng bảo tồn về đa dạng sinh học cũng là một vấn đề cấp bách của quốc gia. Có thể nói hiện trạng đa dạng sinh học ở Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng bởi lịch sử chiến tranh và nền văn hóa phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong giai đoạn chiến tranh, ít nhất 2,2 triệu héc-ta rừng đã bị ảnh hưởng trong giai đoạn 1943 - 1973. Sự suy giảm nguồn tài nguyên rừng tiếp tục diễn ra sau khi chiến tranh kết thúc do nhu cầu phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, sử dụng động vật hoang dã để phục vụ nhu cầu sống của cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng đã đẩy nhiều loài động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, đơn cử như đối với các loài linh trưởng. Bên cạnh đó là nhiều nguyên nhân khác như: chuyển đổi đất khi chưa có đủ luận cứ khoa học, phát triển cơ sở hạ tầng, loài ngoại lai xâm hại, khai thác quá mức nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, và áp lực từ việc tăng nhanh dân số.

Thách thức bảo tồn đa dạng sinh học

Vai trò của ngành bảo tồn đa dạng sinh học ngày một tăng lên và đã trở thành một phần mở rộng của xã hội, kinh tế, chính trị; đồng thời gắn liền với các chiến dịch nâng cao nhận thức như một phần của nền kinh tế bền vững [20]. Ở Việt Nam, bảo tồn đa dạng sinh học có thể tính từ khi Chính phủ thành lập Vườn quốc gia Cúc Phương (1962), mở đầu cho một hệ thống vườn quốc gia và các rừng đặc dụng ở Việt Nam. Sự hình thành nên hệ thống pháp luật liên quan đến đa dạng sinh học về sau khẳng định hệ thống chính trị của Việt Nam đã đưa bảo tồn đa dạng sinh học là một vấn đề quốc gia, và gắn liền nó với sự phát triển kinh tế. Tuy vậy trong bối cảnh phát triển như hiện nay, bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội.

Đầu tiên là thách thức trong việc giữ ổn định hệ sinh thái hiện có để đảm bảo điều kiện tồn tại và phát triển của các loài sinh vật. Mặc dù Việt Nam đã công bố Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng và các khu bảo tồn biển để bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014). Tuy nhiên, có thể thấy diện tích bảo tồn của các khu vực được bảo vệ không thực sự đủ lớn (phần lớn có diện tích dưới 50.000 ha) để đảm bảo cho nhiều loài động vật có kích thước lớn như voi, hổ. Bên cạnh đó, sự tác động do biến đổi khí hậu cũng đe dọa đa dạng sinh học của Việt Nam. Ước tính có ít nhất 38,9% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long và 16,8% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập nếu nước biển dâng lên 100 cm [21]. Các hệ sinh thái ven biển ở Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng [22]. Rõ ràng đây là một thách thức không hề nhỏ và cần có thêm các nghiên cứu liên quan để từ đó kịp thời đưa ra được các giải pháp thích ứng.

Thách thức tiếp theo là ổn định được môi trường trong bối cảnh phát triển kinh tế nhanh. Việt Nam được đánh giá có tốc độ phát triển kinh tế nhanh trong khu vực và trên thế giới, bình quân 6,53%/năm trong giai đoạn từ năm 2000-2017 (số liệu của Tổng cục Thống kê). Tuy vậy, cùng với sự phát triển kinh tế, tình trạng ô nhiễm ngày một gia tăng, đe dọa môi trường sống của nhiều loài động, thực vật, đặc biệt nghiêm trọng đối với các thủy vực [23]. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển nhanh cũng kéo theo tốc độ chuyển đổi đất và mở rộng các đô thị [24], đã phần nào làm giảm diện tích các sinh cảnh tự nhiên, làm suy giảm không gian sống của các loài động, thực vật hoang dã. Thêm nữa, sự hình thành nên hệ thống cơ sở giao thông và hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế đã làm gia tăng khả năng cách ly giữa các khu bảo tồn. Rõ ràng áp lực phát triển kinh tế và áp lực bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường đòi hỏi các quốc gia phải thay đổi cách tiếp cận trong phát triển kinh tế, định hướng đến một nền kinh tế phát triển bền vững, và có thể thấy rằng Việt Nam cũng không thể tránh khỏi xu thế đó.

Thách thức trong nâng cao nhận thức của cộng đồng. Các chiến dịch nâng cao nhận thức là một phần quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học [21]. Trong những năm gần đây, công tác tăng cường nhận thức cho người dân sinh sống xung quanh các khu rừng đặc dụng (Vườn quốc gia, Khu dự trữ thiên nhiên) đã được quan tâm. Nhưng có thể thấy rằng trình độ dân trí và mức sống của người dân trong các khu vực này là một trở ngại lớn trong việc tiếp nhận kiến thức. Bên cạnh đó, nhận thức liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam cũng chưa được chú trọng ở khu vực đô thị, trong khi tiềm lực xã hội huy động cho công tác này tập trung chủ yếu ở đây.

Thách thức trong việc thực thi các luật liên quan về đa dạng sinh học. Một điều thuận lợi là hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến các loài quý hiếm và ưu tiên bảo tồn đã được hình thành, bao gồm cả danh sách loài và hình thức xử phạt. Tuy nhiên, hệ thống luật và chính sách này lại thiếu các hướng dẫn thực thi, còn có sự chồng chéo về trách nhiệm giữa các chính sách và luật trong khi thiếu sự giải thích chi tiết, đã dẫn đến tình trạng xung đột giữa các văn bản pháp luật, gây khó khăn trong quá trình thực thi [2]. Do đó, trong thời gian tới, các dự án hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp luật và chính sách liên quan đến đa dạng sinh học của Việt Nam nên là một trong những ưu tiên của quốc gia.

Hương Giang