Ô nhiễm môi trường là nỗi lo hàng đầu sau bão lũ

Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 15:00, 22/10/2022

Nước sạch và vệ sinh môi trường luôn được coi là yếu tố mang tính chất sống còn đối với mỗi quốc gia, đặc biệt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo đó, thực trạng mỗi mùa mưa lũ qua đi, không những cướp đi người và của cải vật chất, rất nhiều địa phương còn đứng trước nguy cơ thiếu nước sạch và vấn đề vệ sinh môi trường.

Đó là những chia sẻ của Nhà báo Khánh Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống để khai mạc tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Đảm bảo chất lượng nguồn nước và vệ sinh môi trường cho người dân sau lũ”.

Ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam đã kéo theo những hệ lụy khủng khiếp cho con người. Cứ mỗi năm các tổ chức quốc tế vẫn tiếp tục đưa ra những con số rất đáng lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam.

nuoc-lu-1.jpg
Sau mưa lũ, tình trạng ngập úng làm tăng thêm vấn đề ô nhiễm nguồn nước và môi trường

Khoảng 9.000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước bẩn. Khoảng 20.000 người phát hiện bị ung thư nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước (theo Bộ Y Tế và Bộ Tài Nguyên và Môi Trường). Khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun do sử dụng nước không đạt chất lượng. 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng do thiếu nước sạch và vệ sinh kém (theo WHO).

Thực trạng thiếu nước sạch và ô nhiễm môi trường sau thiên tai bão lũ

Sau mưa lũ, tại những vùng bị thiên tai, lũ lụt, nguồn nước thường bị bẩn, ô nhiễm do các chất thải từ cống rãnh, bùn đất, xác động vật chết,… lẫn vào nước sông, suối, ao hồ. Tại các khu vực bị ngập nước, các nguồn nước, công trình cấp, thoát nước, công trình vệ sinh bị phá hủy khiến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt càng trở nên nghiêm trọng.

Chia sẻ về vấn đề này tại tọa đàm, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường nói: Việt Nam đang phải đối mặt với thực trạng chỗ quá thừa chỗ quá thiếu, nơi quá bẩn. Ngân hàng Thế giới đã nhận xét về tài nguyên nước của Việt Nam, nước ta thực tế có khoảng 840 tỉ m3/năm. Tuy nhiên, nhu cầu về sử dụng, phân bổ không đồng đều giữa các vùng. Nguồn nước có thể khai thác được cũng không thể đồng đều giữa các vùng cũng như là các mùa, mùa khô lượng nước trong tổng 840 tỉ m3/năm chỉ chiếm khoảng 15 - 20% và một số nơi còn xuống dưới 15%, ví dụ, vùng ĐBSCL lượng nước chỉ còn dưới 10% và sinh ra hạn mặn đặc biệt nghiêm trọng năm 2015 và đầu năm 2016. Những vùng thường xuyên hạn hán thiếu nước như ĐBSCL, ở vùng Tây Nguyên có nhiều nước nhưng do đặc điểm địa hình, hệ xâm thực sâu, nên việc tiếp cận với nguồn nước khó khăn, sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất, đặc biệt là mùa khô việc thiếu nước đã xảy ra trong những năm gần đây.

Hiện nay, một số địa phương vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn. Một số tỉnh như Sơn La với trữ lượng nước mặt khoảng 19 tỉ m3/năm, tuy nhiên một số vùng thuộc huyện Mộc Châu vẫn thiếu nước nghiêm trọng. Vùng miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An người dân cũng đang thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Tại tỉnh Hà Tĩnh mặc dù lượng nước nhiều nhưng hàng năm vẫn thiếu khoảng 95 triệu m3 nước cho sản xuất và sinh hoạt.

nuoc-lu-2.jpg
Người dân thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn sau bão lũ

Việt Nam rất chú trọng trong việc giải quyết an ninh nguồn nước, tức là giải quyết tình trạng quá thừa, quá thiếu, quá bẩn. Trong kế hoạch những năm tới và dài hơn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị trình các cấp để có kế hoạch cụ thể.

Còn theo ông Nguyễn Thành Luân – Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn - Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến toàn cầu gây ra tác động lâu dài như thiên tai, bão lũ, hạn hán, điều này làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người nghèo, trong khi đó họ là tác nhân ít nhất gây ra biến đổi khí hậu. Khi lũ lụt xảy ra thì toàn bộ các vùng, công trình bị ngập trong nước như vậy toàn bộ người dân vùng lũ lụt bị ảnh hưởng nặng nề trong đó có vấn đề về nước sạch và vệ sinh an toàn nông thôn.

Nói về chất lượng nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường của người dân vùng lũ hiện nay, ThS. Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó trưởng khoa Sức khỏe môi trường và cộng đồng - Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế cho hay: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Bộ Y tế giao, Viện SKNN&MT đã kiểm tra, giám sát việc thực hiện đảm bảo chất lượng nước các địa phương, trong đó có địa phương xảy ra bão lũ. Kết quả năm 2021 tại 32 tỉnh, thành phố phía Bắc và một số tỉnh miền Trung cho thấy hầu hết nước sạch cung cấp cho người dân theo mô hình cấp nước tập trung đều đảm bảo theo quy chuẩn Việt Nam và an toàn cho người sử dụng, một số ít mẫu nước không đạt chỉ tiêu về clo dư tự do; chỉ số pecmanganat, độ đục, coliforms và E.coli, v.v.

nuoc-lu-3.jpg
Nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng huyện Lệ Thủy, Quảng Bình tiến hành khử khuẩn nước sinh hoạt bằng dung dịch Cloramin B cho hộ Lê Thị Đào ở thôn Mai Thúy, xã Mai Thủy

Tuy nhiên, trong mùa bão lũ, chất lượng nước máy (mô hình cấp nước tập trung) có thể bị ảnh hưởng ít nhiều. Đặc biệt chỉ tiêu về độ đục và vi sinh vật. Do vậy, trong thời điểm này các đơn vị cung cấp nước cần phải tăng cường bảo vệ nguồn nước, nguyên liệu và giám sát chặt chẽ trong quá trình vận hành hệ thống xử lý nước.
Nguồn nước do các hộ gia đình tự khai thác, đặc biệt là giếng đào và bể chứa nước ngầm ở các chung cư, hộ gia đình rất dễ bị ô nhiễm do nước bên ngoài tràn vào làm bẩn nguồn nước.

Sau mưa bão, lũ lụt, nhiều vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải và xác động vật ... trôi theo dòng nước. Vì vậy, việc thu gom chất thải và vệ sinh môi trường sau mưa lũ phải tiến hành ngay để làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật trong cộng đồng.

Với nhìn nhận của mình Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, trong những năm gần đây thời tiết cực đoan ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Đánh giá về nguyên nhân sâu xa, đây là tác động của biến đổi khí hâu gây nên hiện tượng thời tiết cực đoan, thực tế hàng năm nhiều vùng đối mặt với lũ lụt hay hạn hán chưa từng có. Làm sao để khắc phục hậu quả này, chúng ta phải ngày càng quan tâm hơn về tác động của biến đổi khí hậu.

Tồn tại nhiều hệ lụy

Thực tế trong thiên tai thảm họa thì số người cần được cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường thường lớn hơn số người bị tử vong, chấn thương hay cần chăm sóc y tế. Bão lụt có thể gây tác động trên diện rộng, ảnh hưởng tới hàng triệu người và nước sạch - yếu tố thiết yếu đảm bảo cho sự sống có thể bị đe dọa nghiêm trọng. Đảm bảo có đủ nước sạch cho công tác chữa trị các nạn nhân, cho mục đích ăn uống và sinh hoạt của cộng đồng, hỗ trợ công tác cứu hộ và giúp vực lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ vừa bị làm gián đoạn trong và sau thảm họa là một nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng đầy thách thức.

Bão, lũ lụt có tác động lớn đến dịch vụ cấp nước ăn uống cho người dân như làm hư hại nhà máy, các công trình cấp nước, làm vỡ đường ống nước, làm ô nhiễm nước ăn uống, sinh hoạt và làm gián đoạn dịch vụ cấp nước do mất điện. Do đó, người dân không tiếp cận được với nước sạch phục vụ các nhu cầu thiết yếu. Việc có đủ nước sạch là rất quan trọng giúp cho hoạt động cứu chữa nạn nhân, duy trì các hoạt động tìm kiếm cứu hộ cứu nạn cũng như đảm bảo nhu cầu nước sạch và vệ sinh cho cộng đồng sở tại và ở nơi sơ tán. Trong tình huống thảm họa, ví dụ đợt lũ lịch sử xảy ra tại nhiều tỉnh miền Trung tháng 10 vừa qua, người dân vẫn cần đảm bảo duy trì tối thiểu 15 lít nước sạch/người/ngày cho mục đích ăn uống và sinh hoạt để dự phòng bệnh tật. Do đó, khi người dân bị cô lập, không tiếp cận được với nước sạch thì việc cứu trợ hóa chất và hướng dẫn bà con cách xử lý nước lũ thành nước sạch để dùng tạm là rất cần thiết.

nuoc-lu-4.jpg
Sau mưa lũ, nguy cơ xảy ra một số dịch bệnh nếu công tác thu gom, vệ sinh môi trường không đảm bảo

Những gián đoạn trong hệ thống cấp nước sạch và vệ sinh có thể gia tăng tính dễ bị tổn thương của cộng đồng. Thiếu nước sạch và các công trình vệ sinh có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và thậm chí tới tính mạng của người dân. Những hư hỏng trong hệ thống thu gom xử lý nước thải và rác thải có thể làm ô nhiễm các nguồn nước, suy thoái môi trường, tạo điệu kiện cho các véc-tơ truyền bệnh phát triển, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Thiếu nước sạch và các công trình vệ sinh sẽ gia tăng tỉ lệ mới mắc các bệnh lây lan qua nước ăn uống. Tình trạng này còn trở nên trầm trọng hơn tại các nơi sơ tán, nơi thường tập trung đông người và thiếu nước sạch cũng như các công trình vệ sinh. Trong bão lụt, khi các dịch vụ cấp nước và vệ sinh bị gián đoạn, người dân thường phải tự tìm đến các nguồn nước khác và các nguồn nước này thường là không đảm bảo vệ sinh.

Các nhà máy nước, hệ thống thu gom và xử lý rác thải có thể gặp khó khăn trong thảm họa do cơ sở hạ tầng bị phá hỏng. Cùng lúc các nhà máy phải đáp ứng nhu cầu nước sạch và vệ sinh của người dân trong tình huống khẩn cấp, khôi phục lại các hoạt động và chuẩn bị để ứng phó với các thảm họa trong tương lai sẽ là những thách thức mà ngành cấp nước và vệ sinh phải đối mặt. Ngoài ra, việc chuyên chở hàng triệu lít nước và thiết bị xử lý nước tới các khu vực bị tác động bởi thảm họa thường cũng rất tốn kém và đây cũng chỉ là các giải pháp mang tính chất tạm thời.

Trong điều kiện bình thường, tỉ lệ người dân ở một số địa phương được tiếp cận với nước sạch còn khá thấp nên đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường và ứng phó với các vấn đề sức khỏe, môi trường khác trong tình huống thảm họa thiên tai là một thách thức lớn của các ban, ngành liên quan cần được tiếp tục ưu tiên đầu tư nguồn lực trong thời gian tới.

Trao đổi tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Minh Khuyến cho biết: Nước ta là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, trong đó tài nguyên nước sẽ chịu những ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất do những diễn biến bất thường về lượng mưa và nước biển dâng, tập trung chủ yếu ở 2 khu vực sản xuất lúa gạo và sản phẩm thủy sản lớn nhất của cả nước là vùng ĐBSCL và Đồng bằng sông Hồng. Dự báo đến năm 2030, 45% diện tích vùng ĐBSCL có nguy cơ nhiễm mặn, làm giảm 9% năng suất lúa so với hiện nay. Chúng ta có thể nhận thấy và dự báo được hệ lụy của biến đổi khí hậu.

Đặt ra đối với công tác quản lý tài nguyên nước, Đảng và Nhà nước cũng đã quan tâm sát sao và Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 50, Chính Phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012, nhằm xử lý các vấn đề về an ninh nguồn nước - nguồn lực cho công tác bảo vệ phát triển nguồn nước. Riêng đối với đảm bảo an ninh nguồn nước vừa qua, Bộ Chính trị cũng đã có kết luật số 36-KL/TW, nêu rõ về các nội dung đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, trong đó cũng chỉ ra các nhiệm vụ hết sức cụ thể. Ví dụ như để giải quyết về lũ lụt phải tăng cường công tác tích trữ nước khi mưa lũ để cấp nước cho mùa khô, xử lý các vấn đề ô nhiễm phải đảm bảo các yếu tố về quản lý chặt chẽ các cơ sở gây ô nhiễm. Một khía cạnh nữa về xây dựng các cơ sở hạ tầng các công trình cấp nước có tham dự của khối tư nhân. Luật Tài nguyên nước, cũng như các quy định của pháp luật để Bộ NN&PTNT và Bộ Xây dựng quản lý cũng đi theo hướng xã hội hóa. Đặc biệt những dòng sông bị ô nhiễm cần nguồn lực của xã hội, từ khối tư nhân chung tay để xây dựng các công trình cấp thoát nước cũng như môi trường mà hàng ngày chúng ta sử dụng sẽ được an toàn và đầy đủ hơn nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cả về sử dụng và môi trường, chống chọi được với các rủi ro như hạn hán, ngập lụt. Trong Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này cũng có những quy định như trữ nước mưa, làm chậm dòng chảy, tức là quản lý dòng chảy tại nguồn để quản lý, giảm thiểu được ngập lụt đô thị.

Còn theo ThS. Nguyễn Thị Bích Thủy, nguồn nước và môi trường sống sẽ bị ảnh hưởng sau mưa lũ và có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Các bệnh có nguy cơ cao nhất là: Tiêu chảy, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm...
Sau mưa, lũ các bệnh về đường tiêu hóa thường tăng lên một cách đáng kể. Do người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn nhiễm khuẩn. Các bệnh đường tiêu hóa hay gặp như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli ...) hoặc amíp.

Các bệnh phát sinh do các véc-tơ truyền bệnh phát triển mạnh. Điển hình là bệnh sốt xuất huyết. Nước tù đọng sau mưa, lũ chính là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển.

Đau mắt đỏ là bệnh thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ, bệnh dễ mắc và bùng phát thành dịch do điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm.

Phát sinh một số bệnh ngoài da thường gặp sau mưa lũ như: Nước ăn chân, ghẻ, chốc lở… do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm.

Bên cạnh đó, do môi trường ẩm ướt nên người cao tuổi, trẻ em và người có các bệnh mạn tính về đường hô hấp cũng dễ mắc các bệnh đường hô hấp (viêm họng, cảm cúm).

Nguy cơ dịch bệnh sau lũ

Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, mưa lũ ở miền Trung những ngày qua đã gây nhiều thiệt hại về người và của. Đến thời điểm này, nhiều tỉnh miền Trung bắt đầu khôi phục lại đời sống sinh hoạt, sản xuất sau khi nước lũ rút. Đây cũng chính là thời điểm người dân phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do các loại rác thải, xác súc vật phân hủy, nguồn nước bị ô nhiễm… tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
“Vấn đề xử lý môi trường sau lũ đã được thực hiện hàng năm, khi xảy ra lũ thường thực hiện theo “4 tại chỗ”, tức là các bộ ngành liên quan sẽ có hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương nhưng chủ yếu vẫn là do các tỉnh huy động nguồn lực thực hiện”, ông Hoàng Dương Tùng cho hay.
Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), bão lũ thường đi kèm với thiên tai, dịch bệnh.

“Môi trường bị ô nhiễm vì xác súc vật chết, cũng như các loại chất thải cuốn theo dòng nước lũ. Nguồn nước, nguồn thực phẩm tại các khu vực bị lũ lụt cô lập cũng khó đảm bảo an toàn, cộng thêm điều kiện cung cấp nước uống gặp khó khăn, môi trường bị ô nhiễm vì xác súc vật chết, cây cối, các điều kiện vệ sinh môi trường sẽ không đảm bảo, người dân sẽ phải đối mặt với nguy cơ về dinh dưỡng và dịch bệnh gây bệnh”, PGS. TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Theo các chuyên gia dịch tễ, người dân ở những vùng bị ảnh hưởng rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hoá do mất an toàn thực phẩm, nguồn nước không đảm bảo, vệ sinh chưa tốt. Không chỉ vậy, người dân còn dễ mắc cúm, cảm lạnh, đau mắt, nước ăn chân cùng nhiều bệnh về da liễu khác.

Minh Châu