[Góc nhìn tuần qua] Đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó xâm nhập mặn

Góc nhìn tuần qua - Ngày đăng : 11:00, 18/02/2023

Xâm nhập mặn không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt của người dân.
VIDEO: Đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó xâm nhập mặn

Các chuyên gia nhận định: Hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn diễn biến khó lường. Chính vì vậy, lời giải cho bài toán này, đó là thi công nhiều công trình kiểm soát mặn ngọt, phục vụ sinh hoạt và sản xuất bền vững.

Những năm gần đây, xâm nhập mặn tại Việt Nam là vấn đề ngày càng trở nên cấp bách. Phải ghi nhận rằng chúng ta ngày càng chủ động hơn trong công tác dự báo, cảnh báo. Chẳng hạn mùa khô năm 2020 (thời kỳ hạn mặn khốc liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long), nhờ có thông tin cảnh báo sớm, thiệt hại về nông nghiệp giảm 80%, thiếu nước sinh hoạt giảm 50% so với năm 2016, thời điểm có cùng mức độ khốc liệt.

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm nay không cao như các năm 2015-2016 nhưng tương tự các năm 2020-2021, độ mặn 4‰ có thể tiến sâu 50 km vào sông Hậu. Xâm nhập mặn không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt của người dân. Lúc này, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai nhiều giải pháp để chủ động ứng phó.

Năm nay, tuy dự báo xâm nhập mặn không quá gay gắt, nhưng sự chủ động ứng phó thì không bao giờ là thừa. Hơn nữa, xâm nhập mặn bất thường vẫn có thể xảy ra. Song song với việc đẩy mạnh các giải pháp công trình đòi hỏi nguồn lực lớn, thời gian dài, thì nhiều biện pháp ứng phó từ chính quyền và người dân không quá khó để thực hiện, chỉ cần sự tích cực và chủ động.

Ban Biên tập Moitruong.net.vn