Vĩnh Phúc: Huy động đầu tư, xây dựng nhà máy thu gom và xử lý nước thải
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 15:00, 20/02/2023
Theo báo cáo, tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay khoảng 80.146 m3/ngày đêm. Tại khu vực đô thị, hệ thống hạ tầng thu gom và xử lý nước thải còn chưa được đầu tư đồng bộ và hoàn chỉnh, một số khu vực mới chỉ được đầu tư xây dựng cống rãnh thu gom nước thải.
Khu vực nông thôn hầu như chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, phần lớn nước thải của các hộ dân chỉ được xử lý bằng bể phốt và xả ra môi trường qua hệ thống các cống rãnh thoát nước dọc theo đường làng, ngõ xóm, sau đó ra các kênh, ao, hồ… và cuối cùng xuống các sông, suối.
Để nâng cao khả năng, chất lượng thu gom, xử lý nước thải tại các địa phương, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tận dụng, huy động các nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đầu tư, xây dựng các nhà máy thu gom, xử lý nước thải.
Cụ thể, những địa phương đầu tiên của Vĩnh Phúc có nhà máy thu gom và xử lý nước thải khu dân cư bao gồm thị trấn Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường), thị trấn Tam Hồng, Yên Lạc (huyện Yên Lạc) và thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên). Nước thải sau khi được xử lý sẽ đạt QCVN 14:2008/BTNMT về nước thải sinh hoạt theo mục đích sử dụng nước của nguồn tiếp nhận. Khi đi vào hoạt động, những nhà máy này sẽ góp phần xử lý vấn đề nước thải ở địa phương, hướng tới môi trường xanh và bền vững.
Theo ông Lê Kim Thành, Chủ tịch UBND thị trấn Thổ Tang, nhà máy thu gom và xử lý nước thải thị trấn Thổ Tang được triển khai xây dựng có công suất khoảng 2.000 m3/ngày đêm, với 3km đường ống thu gom nước thải và 3 trạm bơm nước thải. Dự án khởi công vào tháng 9/2022, đến hiện tại, nhà thầu thi công đang đẩy nhanh tiến độ theo chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc để kịp hoàn thành công trình trong năm nay.
Công trình này thuộc Hợp phần 2 của Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB), nhằm giảm ô nhiễm nước sông Phan và cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường trong các khu vực đông dân cư được lựa chọn. Kiểm soát lũ tại lưu vực trung tâm của tỉnh và ngăn chặn sự suy thoái nhanh chóng của chất lượng nước mặt sông Phan (đoạn chảy qua địa phận Thổ Tang và huyện Vĩnh Tường).
Dự án còn góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường trong các khu vực đông dân cư như ở thị trấn Thổ Tang; tăng tính lâu bền của cơ sở hạ tầng đô thị và các dịch vụ đô thị tại địa phương. Giảm thiểu các bệnh dịch có nguyên nhân từ việc nước thải bị ứ đọng và không được xử lý. Tạo điều kiện để thu hút đầu tư và và phát triển kinh tế - xã hội tại thị trấn Thổ Tang nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.
Tại Vĩnh Yên, tỉnh quan tâm cho đầu tư nhà máy xử lý nước thải đặt tại xã Quất Lưu (Bình Xuyên) công suất xử lý đạt 5.000 m3/ngày đêm để thu gom và xử lý cho khu vực phía Nam thành phố; các phường, xã còn lại hiện nay thành phố đang triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom cấp 3, cấp 2.
Được biết, Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) với tổng nguồn vốn 220 triệu USD (tương đương 4.815,8 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay 150 triệu USD, vốn đối ứng 70 triệu USD. Địa điểm xây dựng là các huyện Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên; thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.