Điều chỉnh, bố trí các tuyến buýt phục vụ Metro Nhổn - ga Hà Nội

Môi trường đô thị - Ngày đăng : 14:30, 21/02/2023

Để thuận tiện cho hành khách sử dụng tuyến đường sắt đô thị (Nhổn - Ga Hà Nội), Sở GTVT Hà Nội đang hoàn thiện phương án kết nối mạng lưới xe buýt với đường sắt đô thị số 3.
duong-sat.jpg
Có 50 tuyến buýt được điều chỉnh lộ trình và mở mới để phục vụ metro Nhổn - Ga Hà Nội đi vào hoạt động.

Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội (HPTC), Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị đang hoàn thiện phương án kết nối mạng lưới xe buýt với đường sắt đô thị số 3, đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Theo kế hoạch, metro Nhổn - Ga Hà Nội sẽ đưa vào hoạt động đoạn trên cao từ Nhổn - về Cầu Giấy trong nửa đầu năm 2023.

Tên dọc lộ trình Nhổn - Ga Hà Nội đang có 31 tuyến buýt hoạt động và đủ điều kiện kết nối với đoạn tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Cầu Giấy. Trong số này, có 28 tuyến trợ giá và 3 tuyến không trợ giá với nhu cầu đi lại bằng xe buýt trung bình mỗi ngày khoảng hơn 118.000 lượt hành khách.

Trong khi đó, với thiết kế tuyến đường sắt đô thị số 3, mỗi đoàn tàu có 4 toa, mỗi toa chở được 230 hành khách, mỗi chuyến chở được 920 hành khách.

Tần suất giờ cao điểm 7,5 phút/chuyến (bình quân vào giờ cao điểm có 8 chuyến/giờ/hướng vào ga đón, trả khách).

Như vậy, năng lực vận chuyển của tuyến đường sắt đô thị số 3 tối đa đạt mức 7.360 hành khách/giờ/hướng.

Với hiện trạng hạ tầng xe buýt hiện nay, đại diện Trung tâm HPTC cho rằng, điểm dừng xe buýt dọc tuyến sẽ phải bố trí lại, bổ sung để thuận tiện cho việc kết nối với các ga.

Cũng theo HPTC, để đảm bảo hành khách theo công suất hoạt động của metro Nhổn - ga Hà Nội, phương án đang xây dựng cũng sẽ có thêm 12 tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị, trong đó có 3 tuyến được điều chỉnh (gồm tuyến 39, 96, CNG07) và 9 tuyến mở mới.

Sau khi hoàn thiện phương án kết nối xe buýt, năng lực trung chuyển, giải tỏa của xe buýt tại các điểm đầu cuối, ga dọc tuyến tăng lên, mạng lưới vận tải hành khách công cộng dọc hành lang sẽ được cải thiện.

Trong thời gian đầu khi tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động, dự báo, khoảng 15 - 20% người dân sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị số 3, chủ yếu là người dân sinh sống dọc hành lang tuyến.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được triển khai từ năm 2009, là tuyến đường sắt đầu tiên được khởi công của Hà Nội, chiều dài 12,5km (gồm 8,5km trên cao và 4km đi ngầm), sử dụng 10 đoàn tàu. Tổng mức đầu tư dự án 1,176 tỉ euro, từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước.

Sau nhiều lần phải điều chỉnh tiến độ do chậm trễ thi công, vướng mắc khiếu kiện với nhà thầu ngoại, dự án sau đó được chấp thuận tách thành 2 giai đoạn hoàn thành, dự kiến cuối năm 2022 sẽ đưa vào khai thác 8,5km trên cao, và toàn tuyến vào năm 2025.

Lan Anh