TP.HCM: Tăng cường công tác phòng chống thiên tai, thích ứng BĐKH

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:00, 21/02/2023

Vừa qua, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, TP.HCM sẽ chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước. Từng bước xây dựng TP.HCM có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế xã hội. Cụ thể, TP.HCM đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 -2030 giảm 50% thiệt hại do thiên tai gây ra so với giai đoạn 2011 -2020.

thien-tai.jpg
TP.HCM: Tăng cường công tác phòng chống thiên tai, thích ứng BĐKH

Để hoàn thành mục tiêu trên, một trong những giải pháp quan trọng được TP.HCM đề ra chính là việc trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu cơ bản về thiên tai. Nâng cấp trang thiết bị, công nghệ theo dõi, phân tích, dự báo, cảnh báo thiên tai, ứng dụng công nghệ dự báo tiên tiến, ưu tiên công nghệ dự báo mưa định lượng, cảnh báo dông sét, sạt lở bờ sông, kênh, rạch. TP.HCM sẽ nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc động đất, sóng thần; hệ thống quan trắc, giám sát thiên tai chuyên dùng, nhất là đối với bão, mưa, ngập lụt do triều cường, xả lũ, sạt lở bờ sông, bờ biển.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng vật liệu mới, công nghệ tiên tiến trong xây dựng công trình phòng, chống thiên tai đảm bảo bền vững, thân thiện môi trường. Trong đó, TP.HCM sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng và phổ biến các mô hình nhà ở phù hợp, chủ động phòng, chống thiên tai. Xây dựng mới, nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng phải trên nguyên tắc tuân thủ theo quy hoạch và chủ động phòng, chống thiên tai, không làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã ban hành Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030”. Đề án hướng tới người dân, đặc biệt là người dân tại khu vực thường xuyên chịu tác động của thiên tai, góp phần xây dựng cộng đồng cấp xã, huyện an toàn trước thiên tai, có khả năng thích ứng với BĐKH. Từ đó, hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia công tác phòng chống thiên tai của đại đa số người dân nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng hưởng môi trường do thiên tai.

Cụ thể, TP.HCM đặt mục tiêu 100% người dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới; các khu vực thường xuyên có nguy cơ xảy ra giông sét, lốc xoáy, sạt lở bờ sông, kênh, rạch, ngập lụt do mưa lớn, triều cường, xả lũ và ít nhất 50% người dân ở các khu vực khác được phổ biến kiến thức về thiên tai và kỹ năng phòng tránh thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn.

Bên cạnh đó, TP.HCM phấn đấu 100% các cấp giáo dục thường xuyên, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đưa nội dung phòng, tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào một số môn học để giảng dạy; 100% phường – xã – thị trấn khi xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai phải có sự tham gia của cộng đồng. TP.HCM cũng phấn đầu 100% hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai và thông tin chỉ đạo phòng, tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Mạnh Hùng